Hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc (16 -22/11)

04:11, 17/11/2015

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế Thế giới phát động từ ngày 16 - 22/11 theo chỉ đạo của Bộ Y tế với chủ đề: "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa". 

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế Thế giới phát động từ ngày 16 - 22/11 theo chỉ đạo của Bộ Y tế với chủ đề: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. 
 
Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc nhằm thu hút sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức công tác xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp về phòng chống kháng thuốc. Nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường. Tạo động lực thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người. 
 
Ngành Y tế tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định, các quy chế chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh: tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, quy chế kê đơn thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc trên địa bàn. Tổ chức thu được một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
 
Kháng thuốc (AMR) là tình trạng các vi sinh vật (như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng) kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Sinh vật đề kháng (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng) có thể chịu được sự tấn công của các thuốc chống vi khuẩn (như thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi rút, thuốc chống sốt rét…) dẫn đến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn kéo dài (thậm chí gây tử vong) và có thể lây lan cho người khác. AMR là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc.
 
AN NHIÊN