Thực trạng hiện nay trẻ em phải đối mặt với rất nhiều thách thức như nạn bạo hành, xâm hại tình dục, bắt cóc, phải lao động sớm… Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng phải làm gì để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em (BV - CSTE) - Bộ Lao Động - Thương binh & Xã hội xoay quanh vấn đề này.
Thực trạng hiện nay trẻ em phải đối mặt với rất nhiều thách thức như nạn bạo hành, xâm hại tình dục, bắt cóc, phải lao động sớm… Trước thực trạng đó, cơ quan chức năng phải làm gì để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em (BV - CSTE) - Bộ Lao Động - Thương binh & Xã hội xoay quanh vấn đề này.
PV: Việc bảo vệ - chăm sóc trẻ em hiện nay đang gặp nhiều thách thức, vậy bà cho biết thực trạng đó là gì?
Bà Nguyễn Thị Nga: Có thể nói rằng, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, chương trình, đề án về công tác bảo vệ - chăm sóc và giáo dục trẻ em. Công tác BV - CSTE cũng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện nay, công tác BV - CS TE cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, đó là cả nước hiện vẫn còn 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có đến 1,75 triệu trẻ em phải lao động trong độ tuổi chưa được phép. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ tương đối cao. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ về bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận, thực hiện quyền trẻ em. Đặc biệt, do đặc điểm kinh tế - xã hội, trẻ em ở các vùng miền sẽ có cơ hội hưởng thụ về quyền trẻ em không giống nhau mà trong thời gian tới chúng ta cần phải quan tâm giải quyết.
|
Giờ sinh hoạt của học sinh Trường Tiểu học Tà Nung (Đà Lạt). Ảnh: Phan Nhân |
PV: Với tư cách là đại diện của cơ quan nhà nước cao nhất của Việt Nam về BV - CSTE, Cục đã có những giải pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề trên?
Bà Nguyễn Thị Nga: Hiện nay, chúng ta đang có Luật BV - CS và giáo dục TE được Quốc hội thông qua năm 2004. Qua 10 năm thực hiện, công tác BV - CS và giáo dục TE cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “khoảng trống” mà Luật 2004 chưa quy định. Chính vì vậy, hiện nay Cục BV - CSTE là đơn vị tham mưu cho Bộ LĐ - TB & XH đang trình Chính phủ và tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa qua, dự án luật vẫn đang được các đại biểu Quốc hội thảo luận, dự kiến trong phiên họp vào tháng 3/2016 sẽ được thông qua. Những điểm mới của Luật BV - CSTE như liên quan đến quy định toàn diện về quyền của trẻ em, quy định về nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em, những nội dung rất mới liên quan đến hệ thống bảo vệ trẻ em, các dịch vụ bảo vệ trẻ em, quy định về các cơ sở cung cấp dịch vụ BVTE, dịch vụ chăm sóc thay thế và thực hiện quyền TE. Khi Luật mới được Quốc hội ban hành Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định, những chương trình, đề án cho các giai đoạn tiếp theo để chúng ta triển khai và thực hiện quyền của TE một cách toàn diện và sâu rộng hơn.
PV: Thông điệp quan trọng nhất hiện nay mà Cục BV - CSTE muốn gửi gắm tới những người đang làm công tác BV - CSTE, những tổ chức, đơn vị đang quản lý chăm sóc trẻ em, những cơ sở bảo trợ xã hội là gì?
Bà Nguyễn Thị Nga: Công tác BV - CS và giáo dục trẻ em cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cũng như sự quan tâm của các tổ chức xã hội, của mọi người dân trong toàn xã hội. Nhất là khi xã hội càng phát triển, vấn đề BV-CSTE, thực hiện quyền trẻ em càng đặt ra nhiều thách thức mới. Bên cạnh đó, những người làm công tác BV - CSTE cần hội đủ các điều kiện liên quan đến quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn chăm sóc, những hiểu biết về các quyền trẻ em và các kỹ năng chăm sóc trẻ em. Chúng ta phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BV - CS và giáo dục TE, có như thế, trẻ em mới được phát triển và bảo vệ đúng nghĩa.
PV: Lâm Đồng là địa phương được đánh giá làm tốt công tác BV - CSTE, có nhiều cơ sở công lập, ngoài công lập, các tổ chức xã hội cùng chung tay chăm sóc - bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Nga: Nhà nước luôn hoan nghênh việc xã hội hóa trong công tác CS - BVTE và việc các tổ chức xã hội, trong đó có các tổ chức cơ sở của Phật giáo mở rộng vòng tay nhân ái, đón nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để công tác này được thực hiện tốt hơn, thì đối với cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành các quy chuẩn gồm quy trình, thủ tục liên quan đến điều kiện về cơ sở vật chất, đến nhóm cán bộ quản lý, liên quan đến những người trực tiếp chăm sóc trẻ... thì chắc chắn trẻ em sẽ được hưởng thụ tốt hơn. Khi chúng ta tăng cường công tác quản lý văn bản, quy định sẽ giúp các cơ sở xã hội có điều kiện để áp dụng. Theo đó, trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan của Trung ương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, có những điều chỉnh bổ sung phù hợp để công tác CS - BVTE tại các cơ sở xã hội hóa được thực hiện tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn trên báo Lâm Đồng!
Nguyệt Thu (thực hiện)