Đà Lạt đã chuyển sang mùa khô, tiết trời vẫn se lạnh, trong lúc du khách các nơi tìm về thành phố cao nguyên để tránh cái nắng nóng miền nhiệt đới thì đoàn nhà báo lớn tuổi của tỉnh Lâm Đồng lên đường về miền Trung nắng cháy để thực hiện một chuyến tham quan và sáng tác về những địa danh lịch sử.
[links()]
Kỳ I: Viếng Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp
Đà Lạt đã chuyển sang mùa khô, tiết trời vẫn se lạnh, trong lúc du khách các nơi tìm về thành phố cao nguyên để tránh cái nắng nóng miền nhiệt đới thì đoàn nhà báo lớn tuổi của tỉnh Lâm Đồng lên đường về miền Trung nắng cháy để thực hiện một chuyến tham quan và sáng tác về những địa danh lịch sử.
|
Từ Thọ Sơn, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn ra Đảo Yến |
Cung đường từ Đà Lạt đi Vũng Chùa, Đảo Yến thuộc tỉnh Quảng Bình khoảng trên một nghìn cây số… Buổi chiều ra đến Quảng Bình tuy muộn nhưng cả đoàn vẫn tranh thủ đến tượng đài Mẹ Suốt, người nữ Anh hùng lao động của vùng đất tuyến lửa thời đánh Mỹ. Tượng Mẹ Suốt đặt bên bờ sông Nhật Lệ, khúc sông mà những năm chống Mỹ mẹ đã từng đưa nhiều sư đoàn bộ đội qua sông bằng những chuyến đò ngang. Mỗi năm, mẹ chèo trên một ngàn chuyến đò đưa bộ đội và hàng hóa qua sông dưới bom đạn của máy bay Mỹ. Người Quảng Bình vẫn mãi ngâm nga hai câu thơ trong bài thơ “Mẹ Suốt” của Tố Hữu:
“Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai?”
Từ thị xã Đồng Hới đi về hướng bắc độ vài chục km, đến chân đèo Ngang rẽ phải về hướng biển Đông khoảng 3 cây số đến Vũng Chùa, nhìn lên Thọ Sơn - nơi an nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng được nhân dân Việt Nam yêu kính và thế giới ngưỡng mộ. Mới 9 giờ sáng mà nắng Quảng Bình như đổ lửa nhưng khách đến viếng Đại tướng vẫn kính cẩn lũ lượt xếp hàng dài, xe đậu kín bãi. Đoàn nhà báo Lâm Đồng được nghe kể hầu như ngày nào cũng thế, có hàng ngàn khách từ các địa phương trong nước và cả khách nước ngoài đến tham quan thắng cảnh Vũng Chùa, Đảo Yến; thắp hương viếng mộ vị danh tướng của dân tộc và cũng là một trong không nhiều lắm những danh tướng của thế giới. Một nấm mồ đơn sơ như bao nhiêu nấm mộ khác của người Việt Nam, Người nằm đó trên lưng Thọ Sơn nhìn ra Đảo Yến trước mặt, phía bắc là Hòn Gió, Hòn La tạo nên một cái vịnh yên bình với cát trắng, biển xanh và trời cao trong vắt. Người ở đó nhìn ra xa khơi ngoài biển Đông như đang canh giữ biển trời cho Tổ quốc, như nhắc nhở cháu con dân Việt đừng quên giặc dữ phương Bắc chưa bao giờ ngừng dã tâm cướp nước ta! Chúng tôi bồi hồi suy tưởng chân dung vị Đại tướng: Không phải trải qua một cấp hàm nào trong quân đội và không được đào tạo ở bất kỳ một trường quân sự nào nhưng sau khi đánh thắng Chiến dịch Thu Đông làm thất bại chiến lược của viên tướng Pháp Jean Étienne Valluy - Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp vào ngày 28 tháng 5 năm 1948, lúc ấy ông mới vừa 37 tuổi! Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Đánh thắng Đại tá thì phong hàm Đại tá... đánh thắng Đại tướng thì phong hàm Đại tướng”.
|
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Thọ Sơn |
Người ta gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một danh tướng huyền thoại chính vì trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ông đã đánh bại 7 viên tướng lừng danh của nước Pháp đều là những tư lệnh của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương. Đầu tiên là tướng 4 sao Philippe Leclerc - tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp trong chiến tranh Đông Dương (1945-1946) bị thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Tiếp theo, tướng Jean Étienne Valluy sang thay rồi bị thất bại trong Chiến dịch Thu Đông năm 1947 và bị triệu hồi về nước năm 1948. Thứ ba, tướng Blaijat sang với chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh và dùng người Việt trị người Việt” cũng bị thất bại. Thứ tư, tướng Corgente thay Blaijat lại bị thất bại trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Corgente về. Thứ năm, tướng 5 sao Delatre Detassigny sang không xoay chuyển được chiến trường, quân Pháp bị đánh khắp nơi nên bị triệu về. Thứ sáu, tướng Raul Salan đến bị thất bại liền trong 3 chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào. Cuối cùng là tướng Navare thất bại trên toàn chiến trường Đông Dương, đặc biệt là thua đau ở Điện Biên Phủ và tướng Decastrie bị bắt làm tù binh.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã phải bốn lần thay tướng làm tổng tư lệnh quân viễn chinh. Trong đó có đại tướng Wesmoreland được giới quân sự các nước thân Mỹ thời đó rất kỳ vọng, nhưng đã bị thất bại trong chiến lược chiến tranh cục bộ và bị cách chức. Phần lớn các viên tướng bị thất bại trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều thật sự tâm phục khẩu phục qua các phát biểu với báo chí sau này. Trên thế giới xưa nay chưa có vị tướng nào mà có nhiều bại tướng dưới tay mình đến thế! Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong tác phẩm “Cuộc tháo chạy tán loạn” của Frank snepp, một nhà báo nổi tiếng của Mỹ đã có so sánh rằng, tướng Giáp không học ở một trường quân sự nào, còn tướng Wesmoreland thì đã trải qua các trường quân sự nổi tiếng nhất, chính quy nhất trên thế giới, nhưng tướng Giáp đã là người chiến thắng và tướng Wesmoreland đã là người bại trận. Frank Snepp giải thích rằng, tướng Võ Nguyên Giáp có cái trực giác tuyệt vời của một thiên tài quân sự, còn tướng Wesmoreland thì không!
Thăm Vũng Chùa, Đảo Yến, rời Thọ Sơn, nơi yên nghỉ của vị danh tướng huyền thoại, thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc kết tinh từ ngàn đời...
(Kỳ II: Linh thiêng Thành cổ Quảng Trị)
HOÀNG NGUYÊN