VNPT và Lâm Đồng đồng hành phát triển

09:01, 18/01/2016

Sau 1 năm triển khai, lĩnh vực VT và CNTT đã, đang trở thành nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng, góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh CPI với kết quả đã tăng lên nhiều bậc. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin (CNTT), ngày 21/10/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) Việt Nam đã ký kết chương trình hợp tác chiến lược viễn thông (VT) và CNTT giai đoạn 2014-2020. Sau 1 năm triển khai, lĩnh vực VT và CNTT đã, đang trở thành nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Đồng, góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh CPI với kết quả đã tăng lên nhiều bậc. 
 
Tập đoàn VNPT tài trợ 1 tỷ đồng cho Festival Hoa Đà Lạt 2015
Tập đoàn VNPT tài trợ 1 tỷ đồng cho Festival Hoa Đà Lạt 2015

Tích cực đầu tư hạ tầng
 
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng VT và CNTT đã đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng rất đáng kể, đặc biệt đầu tư hạ tầng mạng di động, băng thông rộng, cáp quang và hạ tầng điện toán đám mây. Năm 2015, Lâm Đồng được mở rộng 143 trạm phát sóng 3G, tăng 110% số trạm so với năm 2014, nâng tổng số trạm 3G hiện có lên 273 trạm; đồng thời, thực hiện công tác tối ưu, chiếm lĩnh độ cao và mở rộng mạng 2G thêm 11 trạm, nâng tổng số trạm 2G hiện có lên 335 trạm, đảm bảo trên 85% diện tích Lâm Đồng được phủ sóng mạng. Cùng đó, đầu tư trên 750km cáp quang các loại và 44 thiết bị OLT sử dụng công nghệ GPON với tổng mức đầu tư 46,7 tỷ đồng. Tập đoàn VNPT nhận thầu triển khai thi công và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe hệ thống mạng Campus, hệ thống điện thoại và truyền số liệu cho trung tâm hành chính tập trung của tỉnh; thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng trung tâm tích hợp dữ liệu Văn phòng UBND tỉnh và hệ thống đường truyền dữ liệu bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng. VNPT cũng đã hỗ trợ hạ tầng thông tin và máy móc thiết bị, phục vụ trung tâm báo chí trong các dịp diễn ra các sự kiện quan trọng như: Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Festival Hoa,...
 
Về lĩnh vực ứng dụng CNTT, năm qua VNPT tích cực nghiên cứu phát triển và triển khai trong các cơ quan trên địa bàn tỉnh như chương trình một cửa liên thông đã được VNPT Lâm Đồng triển khai từ tháng 6/2015 với phạm vi 25 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh. Theo đó, UBND thành phố Đà Lạt lựa chọn triển khai đồng bộ đến tất cả các phòng, ban và các phường, xã. Từ thực tiễn, thành phố Đà Lạt nâng cấp 28 thủ tục, quy trình từ mức độ 2 lên mức độ 4. Ông Tôn Thiện San - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt đã ghi nhận thành công này tại địa phương. Phát huy hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh Lâm Đồng lựa chọn VNPT triển khai dự án theo phương thức thuê dịch vụ, đến hết tháng 12/2015 hoàn thành áp dụng tại 17 sở và 6 huyện với hơn 1.264 qui trình, thủ tục; đầu tư hạ tầng phần cứng tại 28 điểm cầu triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Trong năm 2015, đã tổ chức phục vụ 71 cuộc họp, hội nghị trực tuyến từ Trung ương với tỉnh, từ tỉnh với các cơ quan, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố... Một lĩnh vực khác cũng đem lại hiệu quả rất rõ là chương trình quản lý giáo dục trực tuyến VNPT School cho 217 trường THCS, THPT trên toàn tỉnh; chương trình xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh lớp 10 trong năm học 2014-2015. Ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết, mô hình đã đạt hiệu quả thiết thực, xã hội ghi nhận và sẽ là lộ trình triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh. Ngoài ra, VNPT còn phối hợp với ngành y tế, ngành thuế triển khai thí điểm ứng dụng hệ thống quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, khai báo thuế qua mạng góp phần tích cực trong hoạt động của những ngành này. 
 
Đà Lạt trở thành thành phố thông minh
 
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, năm 2016, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hạ tầng mạng VT và CNTT tại Lâm Đồng, đặc biệt là mạng di động và băng rộng cố định. Cụ thể, đầu tư mới 25 trạm phát sóng 2G, nâng tổng số lên 358 trạm, đồng thời phủ sóng mạng 3G trên toàn bộ trạm 2G; đảm bảo trên 90% diện tích đất được phủ sóng di động. Sẽ đầu tư trên 600km cáp quang các loại, lắp đặt mới thêm 47 thiết bị OLT sử dụng công nghệ GPON, ước tính tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng. Tiếp tục hoàn thiện về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế và nghiên cứu, xây dựng các giải pháp và triển khai mới phục vụ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là mô hình thuê dịch vụ CNTT... Mặt khác, sẽ liên kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng xây dựng 1 trung tâm đào tạo CNTT khu vực thành phố Đà Lạt, tiến tới đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo chuẩn quốc tế vào quý II/2016. Để chương trình hợp tác có chiều sâu và mang lại kết quả thiết thực, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Việt Nam Ngô Hùng Tín đề xuất: Mở rộng và triển khai chương trình quản lý giáo dục nhằm tạo hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trong quý I/2016, nhân rộng mô hình triển khai chương trình văn phòng điện tử để có thể liên thông văn bản 4 cấp và tăng cường triển khai ứng dụng CNTT trong công tác bảo hiểm y tế...
 
Về địa phương, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tập đoàn VNPT tư vấn UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc phát triển thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh qua tiêu chí ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử. VNPT cam kết sẽ cung cấp các giải pháp như: Hệ thống giám sát an toàn giao thông bằng hình ảnh, hệ thống quan trắc môi trường, phân tích và cảnh báo chất lượng nguồn nước... Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm năm 2016 đối với VNPT là: Đầu tư nâng cấp giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến để nâng cao chất lượng; bổ sung, nâng cao tính năng phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ vận hành, duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục và nâng cao hiệu quả sử dụng các ứng dụng đã triển khai; đồng thời tăng cường giới thiệu và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân biết và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Mặt khác, triển khai các ứng dụng phần mềm liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ hành chính công, xây dựng thành phố thông minh...
 
Để vai trò của VT và CNTT ngày càng khẳng định vị trí cực kỳ quan trọng, dĩ nhiên cần có sự phối chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa chính quyền Lâm Đồng và tập đoàn. Đồng thời, đó còn là tính đồng bộ, cùng vào cuộc mạnh của các đơn vị, ngành liên quan, địa phương trong tỉnh. Mặt khác, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng và năng lực về ứng dụng VT và CNTT tại một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; một số phần mềm ứng dụng tại UBND tỉnh Lâm Đồng và một số đơn vị, sở, ban, ngành chưa đồng bộ, chưa kết nối liên thông, chưa nâng cấp, bổ sung các tính năng mới trên nền tảng công nghệ mới...
 
ĐẠO PHAN