(LĐ online) - Giữa rừng thông già u tịch, tôi ước có một phép mầu đưa cháu bé trở về bên ngôi nhà gỗ cũ kỹ giăng mắc đầy quần áo, dụng cụ làm vườn. Nơi người bố đang loay hoay tu bổ 2 chiếc xe máy cà tàng đã dặm dài rong ruổi 10.000km qua 12 tỉnh, thành phố trong 7 tháng trời ròng rã tìm con.
(LĐ online) - Giữa rừng thông già u tịch, tôi ước có một phép mầu đưa cháu bé trở về bên ngôi nhà gỗ cũ kỹ giăng mắc đầy quần áo, dụng cụ làm vườn. Nơi người bố đang loay hoay tu bổ 2 chiếc xe máy cà tàng đã dặm dài rong ruổi 10.000km qua 12 tỉnh, thành phố trong 7 tháng trời ròng rã tìm con.
* Đường dây nóng sẻ chia
Tôi gặp người bố tội nghiệp ấy sau hành trình tìm con ở Bình Phước phải ngủ ở công viên đợi trời sáng trở về nhà ở xã Tà Nung - Tp Đà Lạt. Anh Lương Thế Huynh (44 tuổi) trở về vườn rẫy cà phê cằn cỗi không ai chăm tưới, bật pep phun tự động tưới vài chậu hoa và không rời chiếc điện thoại đã cạn pin. Người đàn ông tóc tai rũ rượi, nhắc đến con là sống mũi đỏ ửng, đôi mắt buồn xa xăm đã cạn nước mắt từ lâu, cắm sạc điện thoại trên bình ắc quy của chiếc xe máy cà tàng có gắn 2 tấm biển thông báo tìm con.
|
Gương mặt đau khổ của người cha sau 7 tháng đi qua 12 tỉnh tìm con. |
Điện thoại đổ chuông liên tục. Chỉ mới buổi sáng ngồi trong ngôi nhà xây trống trơn cách vườn 1km, hai vợ chồng anh Huynh - chị Yến giờ không khác gì đang trực đường dây nóng. Mà đường dây nóng thực sự đến mức anh Huynh cho biết: “Ước tính 1 giờ không nghe máy thì có trên 100 tin nhắn, 100 cuộc gọi nhỡ”. Niềm hy vọng trên đường tìm con không thấy thì họ chỉ còn mong chờ vào hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu tin nhắn, cuộc gọi báo tin từ cộng đồng. Nội dung gọi tới là thế này: “- Có phải anh Huynh/chị Yến có con bị bắt cóc/thất lạc/mất tích không? - Đã tìm thấy cháu chưa? - Tôi đọc báo/lên mạng thấy có thông tin bé trai đi lạc giống cháu đang ở …Anh/ chị xem có phải không?”. Và hai vợ chồng luôn miệng cứ phải trả lời một mẫu câu thế này: “Dạ đúng rồi! - Không phải đâu! - Chưa tìm ra cháu. - Cháu bé ở Hà Nội phải không? - Không phải con em. - Gia đình xin cám ơn sự giúp đỡ…”.
Điện thoại reo không ngừng nghỉ! Một ngày thăm hai vợ chồng này từ chỗ ngồi bệt trong căn nhà nhỏ xây cách đây 3 năm bên trong trống trơn còn nợ ngân hàng 130 triệu đồng, cho đến chạy xe cùng anh Huynh lên đồi thông cao ngất ngưởng phải bỏ xe máy dưới chân đồi không dám chạy để leo lên rẫy cà phê vào ngôi nhà gỗ mà cháu bé mất tích khi rời tay bố tích tắc mươi phút để lại tiếng gọi ám ảnh “Bố ơi! Bố ơi! Bố ơi cứu con!”, rồi vòng qua UBND xã Tà Nung nơi chị Yến đang làm việc xuyên trưa để hoàn thành việc kết toán các con số gởi kho bạc, thuyết phục mãi người mẹ tội nghiệp gạt nước mắt đi ăn trưa ở quán cơm bình dân cùng chúng tôi, lúc nào “Đường dây nóng” của họ đều như muốn cháy!
Cư dân mạng xã hội facebook, Zalo cũng rần rần chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến cháu Lương Thế Vương (sinh năm 2012) bị mất tích lúc 3 tuổi cách đây 7 tháng, với hình ảnh người cha rong ruổi tìm con xác xơ, chia sẻ thông tin các trường hợp trẻ đi lạc để may ra đúng là cháu. Tài khoản facebook của anh Huynh trước đây chỉ có 200 bạn bè đã tăng vọt lên 4.000 bạn bè chủ yếu chia sẻ thông tin tìm trẻ lạc; rồi tài khoản bị hack, anh nhờ người khôi phục lại hiện nay đã lên 5.000 bạn bè. Còn tài khoản của chị Yến bên cạnh 5.000 bạn bè, còn đang có 3 triệu người đang theo dõi mời kết bạn. Chính cộng đồng mạng xã hội và bà con nhân dân đã tiếp sức cho đôi vợ chồng này có thêm nghị lực và niềm hy vọng tìm con. Anh Huynh cho biết: “Tôi rong ruổi khắp nơi với chiếc xe gắn 2 tấm biển tìm con, nhiều người chụp hình đưa lên mạng chia sẻ nên được bà con khắp nơi trong và ngoài nước quan tâm. Tôi đã nhờ người dịch thông tin tìm con sang tiếng Anh, Campuchia, Trung Quốc đăng tải trên mạng cầu mong tìm lại được con mình”.
Tôi chỉ ước mong trong hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu lượt chia sẻ, cuộc gọi từ cộng đồng và những tấm lòng hảo tâm giúp cho nỗi đau mất con của hai vợ chồng này vơi đi và thắp lên niềm hy vọng sống để họ đủ nghị lực vượt qua bi kịch của gia đình. “Có quá nhiều người gọi đến mức máy nóng không hoạt động được, tôi phải mua thêm 1 cái nữa để nghe 24/24 giờ. Nhiều lúc mệt quá, muốn tắt máy nhưng tâm lý lại mong biết đâu đó là cuộc gọi báo tin đã tìm thấy con mình”, anh Huynh - chị Yến chia sẻ.
Anh Huynh cho biết: “Đã 7 tháng trời sống dở chết dở, ăn không ngon, ngủ không yên, ngủ chỉ được 1-2 tiếng, còn thời gian sống chủ yếu lang thang tìm con và trả lời điện thoại”. Người anh bơ phờ, sức khỏe giảm sút 7kg, bị thoái hóa đốt sống lưng, tê tay chân khi chạy xe máy đường dài nhưng người cha vẫn quyết tâm sắt đá: “Khi nào tôi không còn đủ sức, nằm một chỗ thì mới không đi tìm con nữa”.
Và hành trình tìm con của anh Huynh không đơn độc vì có vợ dõi theo động viên mong mỏi, có cộng đồng bà con trong, ngoài nước cảm động trước tấm lòng cha mẹ với con cái ruột thịt mà mở rộng vòng tay chia sẻ, động viên. Trên hành trình nhiều chuyến đi về, mỗi đợt tìm kiếm từ 5 - 7 ngày, anh Huynh đã được bà con quan tâm giúp đỡ, ủng hộ bữa ăn, chỗ tắm rửa, ngủ tạm và gom góp số tiền ủng hộ khoảng 30 triệu đồng. “Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì việc tìm con của gia đình rất khó khăn”, anh Huynh - chị Yến nói.
* Lòng cha mẹ bao la
Chị Lê Thị Yến (sinh năm 1980) thổn thức: “Thực sự em rất áy náy, hối hận. Nếu thời gian quay trở lại em sẽ ở nhà ôm con. Nhưng không biết trước được. Đàn ông giữ con có sự sơ sẩy, lơ đãng”. Từ khi có bầu đến khi sinh cháu bé 3 tuổi, chị Yến mới quyết định đăng ký cho hai mẹ con đi nghỉ mát cùng cơ quan (chị đang làm kế toán ở UBND xã Tà Nung) ở Nha Trang. Nhưng phút cuối chị để con trai ở nhà để dắt bé gái đi vì sợ con trai nhỏ đi về sẽ bệnh. Có ai ngờ rằng chuyến đi nghỉ của mẹ 3 ngày, đến ngày cuối trưa chủ nhật 21/6/2015 thì nghe tin dữ. “Em nghĩ con em bị bắt cóc để nuôi nên em hy vọng sẽ tìm được con. Bởi vì, ở đây con nít nhiều lắm, đồng bào dân tộc địu con lên rẫy rất nhiều, con nít đi học mẫu giáo một mình, không hiểu sao…”.
|
Người mẹ nhìn hình ảnh kỷ niệm con lúc 8 tháng và cầu mong con về. |
Khác với hình ảnh người phụ nữ trẻ hạnh phúc rạng ngời bên con trai 8 tháng tuổi để ở nơi làm việc, chị Yến gầy gò, héo hắt, ăn chay từ khi mất con, thường xuyên đi chùa cầu mong con trở về, chia sẻ: “Lúc nào con cũng cứ hiện ra trong đầu, không khi nào vơi hết. Lúc làm việc, lúc đi, ăn, ngủ lúc nào cũng không thể quên được con, chị ơi!. Những cử chỉ, lời nói, lời hát của con như hiện ra trước mắt. Giấc ngủ chập chờn, luôn canh nghe điện thoại để mà hy vọng. Nếu con không trở về đời mình chỉ có sống cho có sống thôi chứ sống không còn một tí niềm vui. Em cố gắng làm việc duy trì cuộc sống vì còn chăm đứa bé nữa, để chờ đợi, hy vọng, không còn gì quan trọng đối với mình bằng con. Con chưa về không thể không tìm được, thương con đến nỗi thương hơn bản thân mình, chị ơi!”.
Tôi nghe mà đau lòng quá! Tôi cố thâm nhập vào nỗi đau của người mẹ mất con này những mong chia sẻ cho vơi đi nhưng chỉ thấy mình kiệt sức vì nỗi đau quá lớn. “Anh có động lực phải đi tìm con, em cũng muốn anh phải đi tìm, ở đâu có thông tin là hối thúc chồng đi. Cầu mong con về là điều hơn hết. Em cảm thấy xót thương cảnh chồng lang thang đi tìm con, ăn nhờ, ở tạm, ngủ công viên và được sự giúp đỡ của mọi người, gia đình có thêm động lực để tiếp tục đi tìm”.
Hai vợ chồng bán hết kỷ vật ngày cưới, bán cả bầy heo, gà, chó và vay mượn để cho anh làm lộ phí đi đường. Anh đi tìm con với niềm hy vọng, tìm con trong nỗi oan ức vì tin đồn chơi thua bạc mà bán con. Anh Huynh nói: “Mỗi chuyến đi tôi in hình cháu khoảng 100 - 200 tấm và 200 tờ rơi để phát, dán ở nơi đông dân như chợ, trường mẫu giáo. Tôi canh đứng ở nhiều cổng trường mẫu giáo nhìn trẻ con đi học mà mong có 1 đứa là con mình. Nghe ở đâu có trẻ lạc là tôi tìm đến, tôi đã nhìn xem 5 - 6 đứa bé đi lạc. Khi chưa đến nơi thì hy vọng tràn đầy, mỗi lần xác minh ra không phải con mình về thấy chán nản vô cùng, vợ cũng đau buồn, thất vọng. Nhưng rồi nghĩ tới con đang ở đâu đó là tinh thần phấn chấn, quyết tâm tìm con, tiếp tục đi. Tết nay chưa biết ở đâu, có khi tôi ăn Tết dọc đường”.
* Chúng tôi không bỏ rơi họ
Ông Lê Quang Húy - Chủ tịch UBND xã Tà Nung khẳng định: “Đây là lần đầu tiên xã xảy ra việc này. Không hiểu nổi! Bây giờ cũng không rõ nguyên nhân là bắt cóc hay mất tích, địa phương xác định là mất tích chứ không dám khẳng định bắt cóc. Khi sự việc xảy ra, chính quyền đã tổ chức các lực lượng, công an tìm kiếm 3 ngày quần nát các đồi, rẫy, hồ nước từ sáng sớm đến chiều tối; sau đó cử dân quân phối hợp công an cắt rừng đến các làng bản giáp ranh với Tà Nung để tìm kiếm; nhiều lần trao đổi với Công an thành phố và tỉnh (Ban chuyên án), xác minh kỹ tin đồn anh Huynh thua bạc bán con gá nợ, xác minh người cho anh Huynh vay tiền (vài chục triệu đồng để đầu tư sản xuất)… nhưng không có manh mối gì.
Ông Chủ tịch xã Tà Nung khẳng định gia đình anh Huynh rất bình thường, là gia đình văn hóa. Anh Huynh làm nông chủ yếu chăm cà phê, nấu rượu bán nhỏ lẻ. Cả hai vợ chồng đều học kế toán, quê từ Thanh Hóa vào lập nghiệp sinh sống ở đây. Việc gia đình họ làm ăn thiếu nợ là có, lý lịch gia đình anh Huynh cơ bản (cha giáo viên, anh em là đảng viên) nên chúng tôi xác minh làm rõ những tin đồn xấu về anh Huynh là không đúng sự thật. Ông Húy cũng chia sẻ về việc đi tìm con của anh Huynh: “Đối với gia đình có con mất tích như mình cũng vậy là tìm mọi cách để thông tin cho mọi người tiếp cận giúp đỡ, đó là tình cha con ruột thịt. Cô Yến là cán bộ của Ủy ban, khi xảy ra sự việc, chúng tôi cho nghỉ 20 ngày; cô ấy có quyết định đi học lớp Trung cấp chính trị nhưng xin tạm dừng để ổn định, tìm kiếm cháu. Cả hệ thống chính trị xã tiếp cận động viên nắm bắt tình hình tư tưởng, tinh thần của gia đình, không bỏ rơi cô Yến”.
Phóng sự: DIỆU HIỀN