Đạ Kho là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn nông thôn mới trong đầu năm 2016 này.
Đạ Kho là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn nông thôn mới trong đầu năm 2016 này.
Nằm ở đầu huyện Đạ Tẻh trên trục đường 721 từ Đạ Huoai vào Cát Tiên, Đạ Kho là một xã thuần nông với tổng diện tích tự nhiên trên 3.800ha, trong đó, có trên 2.300ha đất nông nghiệp trồng điều và trồng lúa, còn lại là đồi núi, đất lâm nghiệp. Sinh sống tại đây có 1.172 hộ dân với trên 5.100 nhân khẩu chia thành 11 thôn.
Bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ tháng 6/2011, nhiệm vụ quan trọng nhất của xã theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Kho, chính là việc phát triển kinh tế cho vùng đất thuần nông này. “Một trong những nhiệm vụ chính của chính quyền xã trong nhiều năm nay là ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nhằm tạo nền tảng cho việc xây dựng nông thôn mới bền vững” - ông Dũng cho biết.
Trong hơn 2.300ha đất canh tác của xã đã có trên 2.000ha trồng điều, năng suất điều bình quân khoảng 12 tạ/ha. Để tăng thu nhập cho người dân, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, cải tạo lại vườn điều (với trên 130ha điều được cải tạo giống mới), trồng xen cà phê, ca cao trong vườn điều (trên 120ha), chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp, trồng cao su. Một số diện tích trồng cao su tiểu điền của người dân tại xã gần đây đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khá cao, tuy nhiên, giá cao su xuống thấp đang có tác động không nhỏ đến người trồng. Một số hộ dân trong xã còn tận dụng diện tích rộng của các vườn điều này nuôi gà thả vườn và cách làm này tỏ ra khá hiệu quả. Gần đây, người dân Đạ Kho còn trồng keo lấy gỗ với tổng diện tích trên 100ha, trong đó, có khoảng 70ha mới trồng gần đây.
Với 230ha đất trồng lúa, Đạ Kho đã khá thành công với việc chuyển đổi hơn nửa diện tích này từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa 1 vụ bắp. Trồng bắp theo nhiều người dân ở đây cho biết, hiệu quả cao hơn, gần như gấp đôi so với trồng lúa, nhưng cũng cần công làm nhiều hơn nên nhiều hộ do thiếu công chăm sóc nên vẫn phải trồng lúa. Xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu trồng lúa khá hiệu quả tại các thôn 2, thôn 5, thôn 6, thôn 7 và thôn 10; cùng đó chuyển đổi 63ha dâu già cỗi, năng suất thấp ven các bờ sông trong xã sang trồng dâu lai cho năng suất cao hơn. Nhờ khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa ở các cánh đồng mẫu này đã tăng bình quân 1,4 lần so với trồng lúa bình thường trước đây. Cùng đó, việc vay vốn, hỗ trợ nông dân cây giống, vật nuôi cũng được các cấp chính quyền quan tâm.
Để hỗ trợ cho nông nghiệp xã phát triển, theo ông Dũng, xã rất chú trọng đến công tác thủy lợi. Trên địa bàn xã hiện có 3 công trình thủy lợi gồm hồ thôn 10, hồ Thạch Thất và đập dâng Ứng Hòa, đi theo đó là 3 tuyến kênh kiên cố với tổng chiều dài trên 6km. Xã luôn đảm bảo hệ thống thủy lợi này vận hành có hiệu quả, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sản xuất và cho dân sinh.
Đạ Kho lâu nay còn có một thế mạnh khác là phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan giỏ mây, chẻ tăm nhang, cạo vỏ hạt điều, làm mộc dân dụng… thu hút khá nhiều lao động nông thôn lúc nông nhàn.
Theo ông Dũng, chính nhờ việc “vận động người dân làm tốt công tác cải tạo chuyển đổi giống cấy trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cải tạo vườn tạp, thực hiện các biện pháp thâm canh, tỉa cành tạo tán cây điều, chuyển đổi mùa vụ, gieo sạ đồng loạt đúng thời vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả”… nên thu nhập của người dân xã thuần nông Đạ Kho gần đây đã từng bước tăng lên. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ vào khoảng 10 triệu đồng/năm, nhưng đến cuối năm 2015 vừa qua, thu nhập đã tăng hơn gấp đôi, đạt 26,3 triệu đồng/người/năm.
Song song với việc nâng cao sản xuất, xã cũng làm rất tốt công tác giảm nghèo. Năm 2010, cả xã có 77 hộ nghèo thì đến nay con số này chỉ còn 32 hộ, chiếm tỷ lệ trên 3% dân số.
Đạ Kho đến nay cơ bản đã hoàn tất 18/19 tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới trong tháng 1/2016, chỉ còn duy nhất tiêu chí chợ do gần thị trấn Đạ Tẻh nên không thực hiện. Trong 5 năm xây dựng nông thôn mới, người dân ở đây đã đóng góp không ít tiền bạc, công sức để hoàn thành 35km đường, trung bình mỗi năm xây dựng được 7km đường giao thông nông thôn. Có không ít những hộ dân nơi đây đã tự nguyện góp trên 50 triệu đồng, hiến gần 300m2 đất để làm các công trình giao thông này.
Với một xã thuần nông còn rất nhiều khó khăn như Đạ Kho, việc xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn là một nỗ lực rất đáng được khen ngợi. Như UBND xã nhận xét, bài học lớn nhất mà xã rút ra sau 5 năm xây dựng nông thôn mới chính là việc “liệu cơm gắp mắm”, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương và của từng năm để tiến hành lựa chọn những tiêu chí phù hợp, ưu tiên cho những tiêu chí dễ thực hiện, ít kinh phí, những công việc thiết thực đến đời sống dân cư làm trước; ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình thiết thực phục vụ cho sản xuất và cho đời sống người dân. Cùng đó, chính là việc xác định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò làm chủ của người dân, khuyến khích động viên mọi người cùng tham gia vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện việc giám sát, quản lý vận hành các công trình sau đầu tư; đảm bảo tính công khai minh bạch và sự đồng thuận cao của người dân trong xã.
Gia Khánh