Diện mạo một thành phố trẻ

09:02, 15/02/2016

Ông Nguyễn Quốc Bắc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, cho biết: "Nói đến việc phát triển đô thị, làm thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ, thì Bảo Lộc luôn chú trọng đến 3 nhóm vấn đề quan trọng. Đó là công tác quy hoạch; kế đến là việc tổ chức, triển khai quy hoạch và tập trung đến việc huy động vốn. Thành phố đang cố gắng nỗ lực để đạt các tiêu chí đô thị loại 2 trước năm 2020 và hướng tới tầm đô thị của một tỉnh lỵ". 

Ông Nguyễn Quốc Bắc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, cho biết: “Nói đến việc phát triển đô thị, làm thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ, thì Bảo Lộc luôn chú trọng đến 3 nhóm vấn đề quan trọng. Đó là công tác quy hoạch; kế đến là việc tổ chức, triển khai quy hoạch và tập trung đến việc huy động vốn. Thành phố đang cố gắng nỗ lực để đạt các tiêu chí đô thị loại 2 trước năm 2020 và hướng tới tầm đô thị của một tỉnh lỵ”. 
 
Công viên xanh hồ Đồng Nai
Công viên xanh hồ Đồng Nai
Quy hoạch phát triển
 
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Bắc, thành phố Bảo Lộc đã có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Thành phố hiện đang điều chỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Còn về quy hoạch chung, thành phố đã triển khai Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Bảo Lộc (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1789/QĐ-UB ngày 22/11/1997). Qua quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, đến năm 2008, UBND thành phố Bảo Lộc đã tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố Bảo Lộc với diện tích 23.238 hecta. Căn cứ Đồ án quy hoạch chung, UBND thành phố Bảo Lộc đã tiến hành tổ chức triển khai lập các quy hoạch xây dựng phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở cho việc quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư các dự án, công trình, cơ sở hạ tầng, cấp phép xây dựng nhà ở tư nhân… theo đúng định hướng quy hoạch chung. Đến nay, thành phố Bảo Lộc đã tiến hành lập, phê duyệt xong các đồ án quy hoạch phân khu 6 phường trung tâm và quy hoạch chung 5 xã nông thôn mới. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chiếm gần 90% diện tích toàn thành phố. 
 
Vừa qua, UBND thành phố Bảo Lộc đã đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương lập quy hoạch chung xây dựng thành phố Bảo Lộc, định hướng phát triển không gian đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và đã được UBND tỉnh đồng ý (tại Văn bản số 2204/UBND tỉnh ngày 25/4/2013). Đồ án mở rộng không gian đô thị thành phố, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. UBND thành phố Bảo Lộc và Phòng Quản lý Đô thị sẽ phối hợp với Sở Xây dựng triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch và lập đồ án quy hoạch. Dự kiến đến quý 1/2016, thành phố sẽ triển khai công tác lập nhiệm vụ quy hoạch; tiếp đến sẽ tiến hành lập đồ án quy hoạch và dự kiến phê duyệt vào năm 2018. 
 
Theo chủ trương của Thành ủy và UBND thành phố Bảo Lộc là tiếp tục phấn đấu đến năm 2020, thành phố cơ bản hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 2 và đạt yêu cầu đô thị của một tỉnh lỵ. Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc kiến thiết và chỉnh trang đô thị; tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư và phát huy “nội lực” tập trung phát triển thành phố một cách toàn diện.
 
Kiến thiết, chỉnh trang đô thị
 
Năm 1994, huyện Bảo Lộc được nâng cấp lên thị xã và đến năm 2009 được công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại 3. Năm 2010, Bảo Lộc tiếp tục được nâng cấp lên thành phố. Qua khảo sát thực tế, đến nay, thành phố đã đạt được 19/27 tiêu chí đô thị loại 2. Đạt được kết quả đó, một trong những vấn đề trọng tâm mà Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn chú trọng là việc kiến thiết, chỉnh trang đô thị; đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng…) theo quy hoạch đã phê duyệt. “Trong việc chỉnh trang đô thị, trong thời gian vừa qua, ngoài việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của thành phố cho Công ty Cổ phần Công trình đô thị trực tiếp triển khai, thành phố còn vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân tham gia theo hình thức “xã hội hóa” gắn với công tác quản lý kiến trúc đô thị” - ông Phan Văn Cương, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Bảo Lộc, cho biết. 
 
Từ 5 tỷ đồng, khi Bảo Lộc được công nhận là đô thị loại 3, ngân sách tỉnh cấp cho thành phố để đầu tư chỉnh trang đô thị tăng lên 7,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hàng năm, ngân sách tỉnh đầu tư các công trình trên địa bàn thành phố (do các ngành của tỉnh làm chủ đầu tư hoặc bố trí vốn cho thành phố quản lý) gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn tạo được nguồn vốn theo “cơ chế riêng” (được tỉnh cho phép) để đầu tư phát triển và chỉnh trang đô thị. Nghĩa là, sau khi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các khu dân cư mới, tạo quỹ đất ở, đất phát triển dịch vụ - thương mại…, thành phố tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại cho việc phát triển và chỉnh trang đô thị. “Nếu kể cả các nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh, của thành phố và của trung ương hỗ trợ, thì hàng năm, thành phố Bảo Lộc đầu tư cho phát triển đô thị khoảng 200 tỷ đồng. Và, nếu tính toàn xã hội, thì tổng mức đầu tư phát triển trên địa bàn từ 1.000 - 1.300 tỷ đồng/năm” - Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho biết. 
 
Theo ông Hoàng Văn Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình đô thị thành phố Bảo Lộc: “Là một doanh nghiệp hoạt động công ích, hàng năm, UBND thành phố “đặt hàng” và giao nhiệm vụ cho Công ty hoạt động trên các lĩnh vực công ích. Trong đó, Công ty chú trọng đến việc chỉnh trang đô thị, bao gồm xây dựng và quản lý công viên, cây xanh; chiếu sáng đô thị; duy tu, bảo trì hệ thống đường giao thông và vệ sinh môi trường. Hàng năm, ngân sách thành phố cấp cho Công ty để triển khai nhiệm vụ chỉnh trang đô thị tăng dần: Năm 2014, Công ty được cấp khoảng 25 tỷ đồng; năm 2015, được cấp khoảng 33 tỷ đồng và năm 2016, kế hoạch cấp phát vốn được phê duyệt gần 40 tỷ đồng”. Nhờ đó, diện mạo đô thị của thành phố từng bước được khởi sắc và ngày càng xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, trong khu vực đô thị của thành phố Bảo Lộc có gần 6.000 cây xanh, trên 2.000 cây cảnh, 1.652m 2 bồn hoa, trên 110.000m 2 thảm cỏ… và tất cả các tuyến đường đều có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn thành phố đã đạt được 90%. 
 
Trong định hướng kiến thiết và chỉnh trang đô thị, thành phố Bảo Lộc xác định là cần phải quản lý kiến trúc, một kiến trúc phù hợp và “rất riêng” đối với một đô thị công nghiệp cao nguyên. Đúng như Kiến trúc sư Trần Đức Lộc (Trưởng Phòng Quy hoạch của Sở Xây dựng Lâm Đồng) cho rằng: “Mặc dù những nhà hoạch định chiến lược đã xác định là phải xây dựng Bảo Lộc trở thành đô thị trung tâm dịch vụ - công nghiệp, nhưng cũng không thể vì “nặng” tính công nghiệp mà quên mất rằng, đây là một thành phố nằm trên cao nguyên, một thành phố giữa màu xanh của núi đồi, của chè, cà phê và dâu tằm. Hay nói cách khác, đô thị công nghiệp Bảo Lộc phải có nét đặc trưng của một đô thị cao nguyên. Và, vì Bảo Lộc đang trong giai đoạn quy hoạch, định hình, nên việc xây dựng một kiến trúc riêng có, là điều hoàn toàn có thể”.
 
Xe sợi tại Công ty Kimono trong Khu công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc). Ảnh: HỒNG HẢI
Xe sợi tại Công ty Kimono trong Khu công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc). Ảnh: HỒNG HẢI
 
Vươn tới một trung tâm khu vực phía Nam
 
Lâu nay, Bảo Lộc đã được định hướng là tập trung xây dựng để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Trong giai đoạn đầu, thành phố Bảo Lộc tập trung triển khai theo Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 5/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển thành phố Bảo Lộc thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”. Theo đó, thành phố đã tạo được một “bước đi” khá vững chắc và toàn diện.
 
Để trở thành một trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, thành phố Bảo Lộc đã đề ra kế hoạch và giải pháp rất cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là tập trung thực hiện các chương trình trọng tâm và các công trình trọng điểm theo Nghị quyết 07 - NQ/TU để tạo bước phát triển “đột phá”. Tiếp tục triển khai Chương trình đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng đô thị, TP Bảo Lộc đã quy hoạch và chuẩn bị triển khai tuyến đường vành đai phía Nam (tuyến đường tránh Quốc lộ 20, đoạn qua TP Bảo Lộc), đường chuyên dụng phía Tây và cải thiện giao thông đối ngoại. Trong việc kêu gọi đầu tư, đến nay, thành phố đã thu hút được trên 60 doanh nghiệp đầu tư các dự án trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có 29 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn toàn thành phố hiện có trên 1.100 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, với giá trị sản xuất dịch vụ, công nghiệp hàng năm đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. 
 
Ngành dịch vụ của thành phố đã được đầu tư xây dựng, có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện dần về cơ sở hạ tầng. Hệ thống cung ứng dịch vụ, thương mại (bao gồm chợ trung tâm, siêu thị, các chợ nông thôn, các công ty dịch vụ - thương mại, Hải quan khu vực, Trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm...) và hệ thống tài chính, ngân hàng, quỹ tín dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng, dịch vụ và lưu thông, phân phối hàng hóa. Trong những năm qua, mức tăng trưởng dịch vụ - thương mại của thành phố đạt bình quân 16,8%/năm. 
 
Trong chiến lược phát triển công nghiệp, thành phố Bảo Lộc đã quy hoạch và xây dựng Khu Công nghiệp Lộc Sơn, Cụm Công nghiệp Lộc Phát. Khu Công nghiệp Lộc Sơn có quy mô hơn 200ha. Trong giai đoạn 1, Khu Công nghiệp Lộc Sơn hiện đã “lấp đầy” được 90% và hiện đang tiếp tục triển khai thu hút đầu tư giai đoạn 2. Cụm Công nghiệp dịch vụ Lộc Phát có quy mô diện tích 37,4ha, là cụm công nghiệp đa ngành; trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành xe sợi tơ tằm, may mặc, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin… Đến nay, Cụm Công nghiệp dịch vụ Lộc Phát đã có 7 nhà đầu tư đăng ký, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 90 tỷ đồng; trong đó, có 5 DN đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng.
 
Theo đánh giá của Thành ủy Bảo Lộc, vấn đề quan trọng khi triển khai Nghị quyết 07 - NQ/TU là thành phố phải thực hiện cho được định hướng để trở thành một đô thị trung tâm, một đô thị chức năng khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Bước đầu, thành phố đã định hình được một trung tâm dịch vụ - công nghiệp. Bởi lẽ, trong cơ cấu kinh tế của thành phố, giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại đã chiếm tới 46%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41% và nông nghiệp - lâm nghiệp hiện chỉ còn 13%. 
 
Mặt khác, Bảo Lộc đã trở thành đô thị chức năng, có vai trò chi phối trong khu vực phía Nam. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp của thành phố đã thể hiện được vai trò trung tâm. Hệ thống hạ tầng công nghiệp của thành phố đủ năng lực để tiêu thụ nguyên liệu, chế biến nông sản chè, cà phê, tơ tằm của Bảo Lộc và các vùng phụ cận. Các dịch vụ, thương mại đã có vai trò chi phối trong khu vực, thông qua các dịch vụ tài chính, dịch vụ vật tư hàng hóa, dịch vụ thu mua, tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ kiểm định chất lượng nông sản, hàng hóa. Ngoài ra, các dịch vụ về giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân… không chỉ phục vụ cho người dân thành phố mà còn đóng vai trò trung tâm phục vụ cho cộng đồng dân cư khu vực phía Nam. Do đó, sự phát triển toàn diện của thành phố Bảo Lộc cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của các vùng phụ cận ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng.
 
BÙI TRƯỞNG