Chiều Đơn Dương nắng lạnh ngọt lành. Mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió, những thiếu nữ Churu lúng liếng về đồng, chợt tiếng vó ngựa gõ giòn trên những lối xưa. Đó là thanh âm mùa xuân giữa vùng quê thuần nông, đang trở thành "đô thị" bên dòng Đa Nhim xanh mát.
Chiều Đơn Dương nắng lạnh ngọt lành. Mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió, những thiếu nữ Churu lúng liếng về đồng, chợt tiếng vó ngựa gõ giòn trên những lối xưa. Đó là thanh âm mùa xuân giữa vùng quê thuần nông, đang trở thành “đô thị” bên dòng Đa Nhim xanh mát.
|
Đơn Dương đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới |
Cơn mưa rừng bất chợt giữa mùa khô Tây Nguyên không kéo dài như câu chuyện các dân tộc anh em Churu, K’Ho, Kinh… chung sức, đồng lòng xây dựng huyện Đơn Dương trở thành huyện “nông thôn mới” đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên.
Tình cờ, tôi được ngồi xe ngựa chở hàng nông sản của anh Nguyễn Tiến Hồng Quân (thôn 2, xã Lạc Lâm, Đơn Dương). Trên con đường nhựa chạy dọc về xã, màu xanh của những vườn rau xen cùng sắc đỏ của ớt ngọt, cà chua… trải dài như tiếng chiêng của người Tây Nguyên, thấp thoáng những ngôi biệt thự e ấp bên những hàng cau. Mấy ai có được cái thú, khi mỗi buổi chiều ngồi vắt vẻo bên thành xe ngựa, nhìn ngắm ruộng đồng xanh mướt và bình yên. Đời xà ích ở xứ trồng rau nổi tiếng Đơn Dương là thế. Bao đời nay, cây rau thương phẩm đã mang lại cuộc sống sung túc cho bà con nơi đây. “Đơn Dương giờ đã khác xưa nhiều rồi. Đời sống bà con đã được nâng lên đáng kể từ ngày xây dựng nông thôn mới…” - anh Quân thổ lộ.
Quả thật, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, mạng lưới giao thông liên xã tại Đơn Dương được nhựa hóa toàn bộ, đường liên xóm, đường nội đồng được cứng hóa hơn 71%; ô tô, xe ngựa vận chuyển nông sản đã vào đến chân ruộng, điều mà cách đây 5 năm còn là giấc mơ với nhà nông nơi đây.
Còn nhớ, trong câu chuyện với ông Nguyễn Quốc Xuân, người gắn bó với vùng quê thuần nông này hơn 60 năm cuộc đời, ông kể: Trước đây, bà con Đơn Dương làm nông nghiệp dãi dầu lắm. Đất đai mỡ màu là vậy, nhưng sản xuất chỉ đủ ăn là tốt lắm. Giờ thì khác rồi, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nơi đây. “Hầu hết đường làng, đường nhánh ra đồng đã được trải bê tông. Tiếng vó ngựa gõ giòn là thế” - ông Xuân bộc bạch.
Trên cung đường về xã nam sông, Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô Nguyễn Khánh Chỉnh say sưa kể cho chúng tôi những câu chuyện trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Ka Đô có chín thôn, trong đó có năm thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Trước khi được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2010, Ka Đô chỉ đạt 8/19 tiêu chí, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Nhưng sau 5 năm, sức sống mới đã tràn về trên những ngõ làng, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 50 triệu đồng, gấp 2,9 lần so năm 2010; điện, đường, trường, trạm đều đạt trên ngưỡng được công nhận; 9 thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,2%… Câu chuyện của đồng chí bí thư xã cứ dài theo cung đường nhựa về trung tâm xã. “Đây là khu chợ do dân đóng góp xây dựng hơn 10 tỷ đồng. Lớn nhất các xã trong huyện đó!” - Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô cho hay.
Ngồi bên tôi, chủ vườn ươm Tùng Khương nổi tiếng tại Đơn Dương, ông Trương Văn Tùng, góp chuyện: “Mình rất tự hào khi Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên tại Tây Nguyên. Kết quả của sự kiến thiết mới này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân”.
Nắng nhạt dần. Buôn làng Churu nhòa khói lam chiều. Lần nào cũng thế, nếu có dịp về Ka Đô, tôi đều ghé thăm già làng Tou Prong Dzung. Trong căn nhà khang trang vừa mới xây, được bà con ví là “biệt thự” giữa buôn làng, già Dzung đang cùng con cháu sửa soạn đón xuân. Già hào hứng kể với chúng tôi về những đổi thay của buôn làng, về tư duy mới trong canh tác nông nghiệp, về gìn giữ và phát triển văn hóa Churu… “Ka Đô đã khác xưa nhiều lắm, đường thông hè thoáng, nhà cửa khang trang hơn rất nhiều. Riêng vùng đồng bào dân tộc còn được hỗ trợ làm nhà kính, nhà lưới, giúp bà con sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống” - già Tou Prong Dzung thổ lộ.
Và khi mặt trời gác núi. Ngọn lửa thiêng hừng hực cháy giữa buôn làng. Tạm gác lại những lo toan ngày thường, những người con của núi rừng Nam Tây Nguyên, không phân biệt Kinh, Thượng cùng hòa vào vòng xoang đoàn kết. Khi âm thanh của chiêng ba, tiếng trống Sơgơn, Păhgơnăng và rơkel vang lên, mọi người bắt đầu hòa nhịp Tamya. Đó là một cách để những người con buôn làng thể hiện tình cảm với nhau, với khách và với Yàng, đã ban cho họ những mùa vụ tốt tươi. Nhịp điệu kinh tế và văn hóa cứ quyện hòa. Khi bình minh ló dạng, họ lại cùng nhau ra đồng, cùng vui ngày mới trên những ruộng rau xanh non, đã làm nên thương hiệu vựa rau nổi tiếng cả nước.
Đứng trên cây cầu giấc mơ đã thành hiện thực của bà con các thôn Lạc Viên A, Lạc Viên B, Diom A, được Linh mục quản xứ và nhân dân thiết kế, xây dựng, nối nhịp đôi bờ sông Đa Nhim, anh Phạm Xuân Thế (thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân), vui ra mặt: “Quả thực, đây là cây cầu trong mơ… Giờ đây, trẻ em được tung tăng đến trường, bà con nông dân thăm vườn, nông sản được lưu thông thuận tiện, khoảng cách ra trung tâm huyện ngắn hơn 10 cây số ”. Chầm chậm đi qua những nhịp cầu mùa xuân, chúng tôi đến thăm Trường THCS Ka Đô, một trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Đơn Dương. Những năm gần đây, trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; con em của đồng bào Churu, K’Ho, Kinh được cùng nhau cắp sách đến trường, được tiếp cận với thế giới công nghệ số, internet.
Mùa xuân đang gõ nhịp trên huyện nông thôn mới. “Khi xây dựng quy hoạch nông thôn mới, chúng tôi chú trọng việc phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để người dân được hưởng lợi cao nhất” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng cho biết. Nhờ vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng được nhân dân hưởng ứng và đã góp hàng chục ngàn mét đất, hơn 80 tỷ đồng để xây dựng 100km đường giao thông, 40km kênh mương, 64km đường điện, các công trình thủy lợi, chợ nông thôn… “Để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống và đạt được kết quả, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định cần phải gắn với phong trào thi đua yêu nước, lấy phong trào thi đua làm động lực để tạo sự đồng thuận và chung tay góp sức của nhân dân các dân tộc tại địa phương” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương chia sẻ.
|
Một góc thị trấn D’Ran |
Diện mạo của Đơn Dương hôm nay, với những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự hiện đại chạy dọc các con đường được trải nhựa phẳng lỳ. Đó là thành quả của sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và chính quyền huyện Đơn Dương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây là những con số được đưa ra tại lễ đón nhận danh hiệu huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vừa qua, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm gần đây đạt 15%, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt hơn 4.300 tỷ đồng. Hiện có 76% trường học tại Đơn Dương có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 170 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%...
Chúng tôi hỏi bí quyết để xây dựng Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực Tây Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Đinh Ngọc Hùng cho hay: Đó chính là ý Đảng hợp lòng dân. Phải phát huy được sức mạnh đoàn kết trong toàn huyện. Xây dựng nông thôn mới, người đầu tiên được hưởng thụ là dân, phải làm cho dân thấy họ là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, khi đó mọi người đều ủng hộ.
Thời mưa nắng dãi dầu đã phai nhòa trong ký ức. Giờ đây, bên dòng Đa Nhim xanh mát, người dân Đơn Dương được hòa mình trong sự khang trang của “đô thị” mới trên cao nguyên…
THỤY TRANG - BẢO VĂN