Đổi thay ở vùng căn cứ xưa

06:02, 11/02/2016

Cả nước đang nô nức đón chào năm mới với nhiều thành tựu quan trọng sau 30 năm đất nước đổi mới. Hòa trong dòng chảy ấy, chiến khu Lâm Đồng - Tuyên Đức năm xưa với những tên làng, tên đất, góp phần làm nên trang sử hào hùng của dân tộc  nay  đã thay da đổi thịt. 

Cả nước đang nô nức đón chào năm mới với nhiều thành tựu quan trọng sau 30 năm đất nước đổi mới. Hòa trong dòng chảy ấy, chiến khu Lâm Đồng - Tuyên Đức năm xưa với những tên làng, tên đất, góp phần làm nên trang sử hào hùng của dân tộc  nay  đã thay da đổi thịt. Tôi như được hình dung về một bức tranh toàn cảnh ấy qua góc nhìn của người trong cuộc - anh “Năm chiến khu” K’Đêu (Đàm Xuân Đêu) - một người con của đồng bào năm xưa nay có dịp về thăm lại vùng căn cứ cách mạng một thời oanh liệt.
 
Nông thôn mới Hòa Bắc. Ảnh: Bùi Trưởng
Nông thôn mới Hòa Bắc. Ảnh: Bùi Trưởng

Buôn làng đổi mới toàn diện 
 
“Bảy xã anh hùng thuộc tỉnh Lâm Đồng (cũ) khá lâu tôi không có dịp đi, từ thời kỳ sau giải phóng; dù rằng trong thời  gian còn công tác ở Ban Dân tộc miền núi (2004) đã đi nhiều, nhưng cũng không thể đến nhiều xã cùng một lúc. Vì thế, với tâm nguyện trước khi nghỉ hưu, tôi sẽ về thăm, viếng mộ thủ trưởng cũ (ở Bình Thuận) và thăm lại chiến khu xưa”. Ông Đàm Xuân Đêu (K’ Đêu) - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai, nguyên Trưởng Ban Dân tộc - Miền núi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh trò chuyện chân tình với tôi như thế. 
 
Những cái tên chỉ khi đọc lên thôi là đã thấy rất xa xôi, hẻo lánh đối với người dân Lâm Đồng, đó là xã anh hùng Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên); Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai); Lộc Lâm, Lộc Bắc, Lộc Nam (huyện Bảo Lâm); Hòa Bắc, Sơn Điền (huyện Di Linh). Với ông Năm Đêu, những địa chỉ ấy đã gắn bó với ông suốt thời kỳ hoạt động cách mạng; trong đó, kỷ niệm nhiều nhất là ở 4 xã Đoàn Kết, Lộc Nam, Hòa Bắc, Sơn Điền. Nhớ lại giai đoạn đã qua, ông Năm cho rằng: Thời đó chỉ giống như “sau chế độ xã hội nguyên thủy” chút thôi, đi lại bằng đường đất, băng rừng, lội suối, săn bắn hái lượm, phát nương làm rẫy, văn hóa - kinh tế - xã hội đều còn rất nghèo nàn, thiếu thốn. Thế nhưng, những năm kháng chiến khó khăn ấy có một điều đặc biệt sâu nặng khiến ông không thể nào quên, đó chính là đồng bào nơi đây rất tốt, rất trung thành với cách mạng. Nhớ lúc, khi 12 - 13 tuổi, anh “Năm chiến khu” được cách mạng tin tưởng giao làm giao liên. Anh được bác “Năm Tố La” là cán bộ nằm vùng căn cứ ở buôn yêu thương và dìu dắt, cùng dạy bà con cách đánh giặc, học cái chữ và từng bước phát triển trồng trọt, chăn nuôi. “Vào khoảng năm 1961 - 1965, buổi đêm, bà con theo ông “Năm Tố La” học chữ cái a, b, c… rồi ghép vần lại, đèn thì đốt bằng nhựa thông, bút thì viết bằng than củi, giấy viết bằng tấm ván do đồng bào chẻ từ cây rừng. Ấy thế mà, cứ học thuộc 24 chữ cái trước, sau đó mới ghép vần, dần dà bà con trong buôn đã biết cái chữ, trong đó có bản thân tôi, đó là một thành quả lớn lao của cách mạng, bởi lúc ấy cái ăn còn không có, huống chi phải học cái chữ, ai học được cái chữ là may mắn lắm…!”.   
 
Nhập ngũ ngày 23/6/1970 tại Huyện đội K.5 tỉnh Lâm Đồng (cũ) ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, nhưng anh Năm lúc ấy người gầy nhom, bụng to, da nhăn đen và xanh như da cóc do suy dinh dưỡng từ nhỏ. Anh Năm kể, lúc đó được đơn vị giao cây súng K44, loại súng trường của Nga cao hơn đầu 20 phân, lại được lắp thêm nòng phụ để bắn AT tăng, phát 35 viên đạn, thêm 3 quả AT tăng để bắn tỉa bộ binh, đi bộ đội sau 2 năm mới có dép mang được cắt từ lốp xe. Nhiệm vụ chính của anh Năm lúc bấy giờ là bảo vệ vùng căn cứ, các cơ quan của quân khu đóng trên địa bàn. Anh đã cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, trở về vùng căn cứ Gia Bắc - Di Linh ngày nay an toàn.
 
Giờ trở lại thăm chiến khu, buôn làng đổi thay nhiều quá. Mừng là đồng bào rất nhớ mình, già làng K’Ba Dùi, K’Dỉnh, K’Rong Vẻn, Điểu Năm Lôi... ôm chầm lấy K’ Đêu như người thân trở về nhà. “Những xã này là đường giao liên, từ Trung ương cục vào khu VI; đồng bào tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm; nuôi giấu cán bộ, bộ đội từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên vào hoạt động cách mạng. Món ăn dân giã chỉ là củ mài, củ chụp, rau rừng, sà pu…, lúa gạo rất ít vì sản xuất khó khăn. Nhưng đến giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên”, ông bùi ngùi.
 
Thế mà chỉ trong 40 năm đất nước hòa bình, một sự thay đổi rất lớn dưới góc nhìn của người trong cuộc như anh “Năm chiến khu” - đó là đời sống cả về vật chất và tinh thần của đồng bào đã được cải thiện và nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Theo như anh em ở xã cung cấp, theo tiêu chí cũ thì Đồng Nai Thượng chỉ còn 7,95% hộ nghèo; Đoàn Kết 6,7%; Sơn Điền 5,12%; Lộc Nam 9,3%; đặc biệt sự đổi mới toàn diện ở Hòa Bắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh chỉ còn 1,45%, trong đó, đồng bào DTTS còn 3,5%. Đây là điều rất đáng mừng. 
 
Riêng đội ngũ cán bộ DTTS, theo ông “Năm chiến khu”, đã có bước trưởng thành nhiều mặt về độ tuổi, trình độ, bản lĩnh, công tác lãnh đạo, quản lý điều hành so với thời kỳ mới giải phóng. Điển hình như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Kết K’Xuân Riêng (nay là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã); Bí thư Đảng uỷ xã Lộc Nam K’Nơ Bol Điền; đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền K’Hoa; Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc… đều là cán bộ dân tộc thiểu số , làm việc có trách nhiệm và rất tâm huyết, nắm tình hình địa phương rất chắc cả về kinh tế - chính trị - an ninh trật tự… Có những đồng chí báo cáo mà không cần sổ sách bởi đã nắm trong đầu rồi. Có những đồng chí Bí thư Lộc Nam, Đoàn Kết bây giờ là những hạt nhân chủ chốt được kết nạp Đảng thời kỳ ông còn công tác tại Đạ Huoai với cương vị Bí thư Huyện ủy…
 
Diện mạo Sơn Điền hôm nay. Ảnh: BT
Diện mạo Sơn Điền hôm nay. Ảnh: BT

Tình đoàn kết ở lại 
 
“Không khí đoàn kết, tinh thần đoàn kết - là truyền thống từ những năm kháng chiến cho tôi một cảm nhận rõ rệt của những ngày trở lại hôm nay. Nó vẫn còn đọng trong trái tim của mỗi người con K’Ho. Tình đoàn kết Kinh - Thượng, đúng như tinh thần Thư chung Bác Hồ gửi Đại hội Các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu ngày 19/4/1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…” - lời căn dặn của Bác Hồ khiến những người con của vùng đồng bào như mình thật thấm thía và mãi khắc ghi trong tim”, ông “Năm chiến khu” bồi hồi nói với chúng tôi.
 
Nay kinh tế phát triển vượt bậc, đường sá đi lại thuận tiện hơn; nếu như xã Đưng K’Nớ, Đạ K’Nàng, Đạ Chais... trước đây phải đi bộ mất vài ngày đường thì nay đường ô tô đã đến tận thôn, buôn. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào được nâng lên thông qua việc mua thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện kế hoạch hóa dân số, điện lưới quốc gia đã về buôn, các cháu được học hành, chăm lo đầy đủ hơn. Nếu như trước đây, quan niệm của đa số đồng bào “đi học không có lúa gạo để ăn, không có cơm đâu” thì nay bà con đã động viên, khuyến khích con em đi học, chăm lo đầy đủ sách vở, quần áo để con cái được đến trường. Xuất hiện các tấm gương học sinh DTTS vượt khó học giỏi thành đạt như cô giáo Ma Hiêng - vốn là cô học trò mồ côi cha người Churu - ở làng K’Long Bong, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng lại lập được thành tích đáng nể, trở thành thủ khoa khối C Trường Đại học Đà Lạt, được UBND tỉnh cấp học bổng toàn phần và nay đã trở thành cô giáo dạy văn giàu nhiệt huyết, say mê truyền đạt kiến thức cho các em học sinh Trường Dân tộc Nội trú của tỉnh. 
 
Qua 30 năm tiến hành đổi mới đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, tăng cường và phát huy. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau phấn đấu xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển nhanh và toàn diện của đất nước trong vài thập kỷ tới - đúng như tinh thần của Văn kiện XII của Đảng đã khẳng định. 
 
Còn nhiều trăn trở với đồng bào
 
Lạc quan với sự đổi thay ở các buôn làng, ông Đàm Xuân Đêu nhấn mạnh, đó là thành quả từ quá trình  Đảng, Nhà nước thực hiện rất tốt chính sách dân tộc. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào, trong đó về việc giải quyết đất sản xuất; Nhà nước ta đã có chủ trương, nhưng nội dung quan trọng là làm sao để giữ được đất, sản xuất phải ổn định, hàng hóa làm ra phải tiêu thụ được. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhằm nâng cao trình độ dân trí, làm sao để đồng bào có ý thức cao về việc giữ đất, phải có đất thì mới ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất - ông Năm Đêu trăn trở. Một số phong tục tập quán lạc hậu như ma chay, thách cưới, hôn nhân cận huyết thống… vẫn còn diễn ra ở một số đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại Lâm Đồng. Ông cho hay: “Tôi đã đề nghị UBMTTQVN tỉnh nên tổ chức khảo sát để kiến nghị về vấn đề hôn nhân cận huyết thống, phải ngăn chặn để hạn chế ảnh hưởng đến giống nòi… Truyền thống văn hóa tốt đẹp cần phải được giữ gìn, bảo tồn; sự đoàn kết dân tộc, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển cần được quan tâm tuyên truyền, vận động, thuyết phục”.
 
Vấn đề đội ngũ cán bộ hiện nay cũng rất cần quan tâm, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các xã DTTS. Cần tiếp tục quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ người dân tộc, nhất là những xã có đông đồng bào DTTS,  khi cán bộ lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ DTTS cần phải “khiêm tốn - cầu thị - chịu khó học hỏi và không tự ti mặc cảm”; cần phải biết khắc phục khó khăn, phải có bản lĩnh vững vàng, phải đặt quyền lợi của đồng bào lên trên hết..., có như thế vùng đồng bào DTTS, trong đó có các vùng căn cứ xưa mới thật sự đổi thay.
 
Ghi chép: Nguyệt Thu