"Như hàng triệu con dân nước Việt, khi nhắc đến Trường Sa, trong tôi lại dâng trào cảm xúc thân thương và gần gũi. Và, cảm xúc đó được nhân lên bội phần khi đứa con trai duy nhất được trên điều động ra nhận công tác ở Trường Sa. Với tôi lúc này, Trường Sa không chỉ là một phần của Tổ quốc, mà còn là nhà của con trai và đồng đội, mái nhà của chúng tôi…!" - chị Trần Thị Phượng chia sẻ.
“Như hàng triệu con dân nước Việt, khi nhắc đến Trường Sa, trong tôi lại dâng trào cảm xúc thân thương và gần gũi. Và, cảm xúc đó được nhân lên bội phần khi đứa con trai duy nhất được trên điều động ra nhận công tác ở Trường Sa. Với tôi lúc này, Trường Sa không chỉ là một phần của Tổ quốc, mà còn là nhà của con trai và đồng đội, mái nhà của chúng tôi…!” - chị Trần Thị Phượng chia sẻ.
Chúng tôi trở lại thăm gia đình chị Trần Thị Phượng vào một chiều cuối năm, khi nhà nhà, người người đang nô nức chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Trong căn nhà nhỏ khá tươm tất ở Tổ dân phố Nghĩa Lập 5 (Thạnh Mỹ, Đơn Dương), chị Phượng hồ hởi tiếp chúng tôi như đón tiếp những người thân trở lại thăm nhà. Vẫn căn nhà nhỏ ấy, vật dụng không có nhiều đổi thay như một năm về trước, khi chúng tôi có dịp đến thăm. Duy chỉ có trên bức tường của phòng khách, ở vị trí trung tâm và trang trọng nhất xuất hiện những khung hình còn mới nguyên là hình ảnh chị chụp với các chiến sỹ hải quân trên đảo Sinh Tồn. Và hải trình đến Trường Sa dập dềnh trong câu chuyện của chị…
|
Hai mẹ con chị Phượng chụp hình lưu niệm cùng thân nhân các gia đình |
Một lần đến Trường Sa
Trường Sa - máu thịt của Tổ quốc từ lâu nhiều người mong ước một lần được đặt chân đến. Và bản thân chị Phượng cũng vậy, nhất là từ khi nhìn những con tàu Hải quân rẽ sóng ra khơi mang theo đứa con trai thân yêu ra với biển đảo Tổ quốc. Đó là vào đầu năm 2015, Thiếu úy Phùng Ngọc Giang (con trai chị Phượng) vừa tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 2 nhận nhiệm vụ về Vùng 4 Hải quân và được điều động ra Trường Sa. Mẹ con xa nhau chưa bao lâu, thì bất ngờ chị nhận được thư mời của Vùng 4 Hải quân ra thăm đảo. Đã nhiều lần khăn gói đi thăm con, nhưng cảm giác lần này rất đặc biệt, háo hức như đứa trẻ lên năm ngày đầu đến trường. Chị phải tham khảo thêm ý kiến người thân, đồng nghiệp để chuẩn bị cho chuyến đi thật chu đáo. Sốt sắng là vậy, nhưng khi xuống thành phố Hồ Chí Minh, chị và thân nhân cán bộ, chiến sỹ Trường Sa còn phải đợi thêm hai ngày để làm các thủ tục, học nội quy và nhiều công tác chuẩn bị khác. Chi tiết về hành trình chuyến đi tuyệt đối được giữ bí mật, chị và các thân nhân khác chỉ biết đợt này có hai tàu ra Trường Sa, một tàu đi cụm đảo phía Nam và một tàu đi cụm đảo phía Bắc.
Đúng 8 giờ, ngày 15/6/2015, tại cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), tàu HQ 571 rời đất liền đưa các thân nhân ra thăm các đảo, điểm đảo thuộc khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, gồm: Trường Sa Lớn, Đá Lát, An Bang, Tiên Nữ, Núi Le, Tóc Tan, Phan Vinh, Đá Tây, Đá Đông…; và tàu HQ 996 rời đất liền đưa các thân nhân ra thăm các đảo, điểm đảo thuộc khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, gồm: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn. Trên tàu HQ 996, chị Phượng cùng với khoảng 150 thân nhân khác thẳng tiến ra khơi. Khác với suy nghĩ ban đầu của chị, điều kiện trên tàu khá tiện nghi, mỗi người được bố trí một giường chiến sỹ vừa đủ nằm. Nhưng, chẳng ai nằm yên, thỉnh thoảng lại lên boong tàu ngóng về phía xanh thẳm, nơi ấy là Trường Sa. Lênh đênh trên biển sáu ngày, tàu cập bến đảo Song Tử Tây - đảo gần nhất trong hành trình. Ở lại một đêm, sáng hôm sau tàu tiếp tục hải trình. Với những đảo lớn có âu thuyền thì tàu cập bến rất thuận lợi, nhưng ở những đảo nhỏ không có âu thuyền, tàu không vào gần được đảo, phải dùng ca nô đưa từng người gặp lúc biển động rất nguy hiểm. Chị và mọi người sốt ruột lắm, mong từng ngày từng giờ được gặp người thân, phần vì lo lâu ngày những món quà mang ra từ đất liền không còn được nguyên vẹn. Con trai chị ở đảo Sinh Tồn theo thứ tự là thứ 8 nên chờ mãi mới tới, còn đảo Đá Lớn ở cuối cùng còn phải chờ lâu hơn. Tuy nhiên, Ban tổ chức đã linh hoạt sắp xếp, đưa đón nên đảm bảo thân nhân được ở lại đảo ít nhất là 5 ngày.
Lên đảo, sống và sinh hoạt với cán bộ, chiến sỹ Hải quân chị mới tận thấy nhiều điều không như trong hình dung của chị khi ở đất liền. Thằng con thư sinh của chị ngày nào giờ rắn rỏi và chững chạc hẳn ra, đón mẹ ở cầu tàu miệng cười tươi rói. Đến bữa cơm cũng đầy đủ món thịnh soạn như ở đất liền. Các món hải sản là do anh em chiến sỹ đánh bắt được hoặc được tàu cá ngư dân cho; riêng thịt heo, rau mầm và đậu phụ là sản phẩm tăng gia sản xuất của bộ đội trên đảo. Lúc ở trên tàu cứ lo đảo nhỏ không có chỗ ngủ, nhưng thực tế đảo có nhà khách rất đàng hoàng. Trong 22 khách ở lại đảo Sinh Tồn, có 4 ông bố được bố trí chung một phòng, 3 bà mẹ được bố trí một phòng, còn các cặp vợ chồng được bố trí phòng riêng hẳn hoi. Trên đảo cũng nhộn nhịp, đông đúc, có cả người lớn và trẻ con. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị và con trai đi thăm trụ sở ủy ban, trường học, nhà chùa, bệnh xá… Bệnh xá ở trên đảo Sinh Tồn đã có bác sỹ và được trang bị phòng mổ khá hiện đại.
Trường Sa… gần lắm
|
Chị Trần Thị Phượng và con trai Phùng Ngọc Giang trồng cây lưu niệm trên đảo Sinh Tồn |
“Sau lần đến Trường Sa, được tận mắt nhìn thấy hình hài Tổ quốc, được sẻ chia với những người lính đảo ngày đêm đang canh giữ nơi đầu sóng, ngọn gió giữa trùng khơi, bỗng cảm thấy hai tiếng… “Trường Sa” gần lắm. - chị Phượng chia sẻ. Quả thật, Trường Sa, hai tiếng gọi đã trở nên thân thương và gần gũi. “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sỹ Huỳnh Phước Long mỗi lần nghe vẫn còn ngân vang cảm xúc trong lòng mỗi người con nước Việt. Với chị Trần Thị Phượng, “Gần lắm Trường Sa” đã trở thành bản nhạc gối đầu giường: “Từ khi Giang ra đảo, mình càng yêu hơn giai điệu bài hát “Gần lắm Trường Sa”. Mình đã nghe lại hàng trăm lần, nhưng chưa bao giờ giai điệu bài hát lại sâu lắng, hay đến lạ khi một mình nghe hát để chờ đón giao thừa. Với mình, Trường Sa gần lắm! Trường Sa trong trái tim tôi!”.
Trong thời gian qua, hàng triệu con tim cả nước đã đồng hành cùng Trường Sa, nơi đó có một phần máu thịt của Tổ quốc. Tại Lâm Đồng, nhiều chương trình hướng về Trường Sa như “Tấm lưới nghĩa tình ủng hộ ngư dân Trường Sa”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Hướng về biển đảo quê hương”, “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”… luôn được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, nhất là thế hệ trẻ. Với chủ đề “Hướng về biển đảo quê hương”, đông đảo sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã tham dự đêm giao lưu văn nghệ, cùng nhau hát vang những giai điệu về biển, đảo, về Đảng, Bác Hồ. Tại các trường THPT trong tỉnh, các buổi chào cờ đầu tuần đã diễn ra trong không khí thiêng liêng, xúc động. Gần 300 học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long (Đà Lạt) dàn hàng xếp hình cờ Tổ quốc và ngôi sao vàng 5 cánh ngay giữa sân trường khẳng định sức mạnh dân tộc, đoàn kết đồng lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đã thực sự “truyền lửa” cho hàng ngàn học sinh, giáo viên trong trường. Ở Trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc), hơn 300 học sinh, giáo viên mặc áo đỏ sao vàng đã xếp hình thành trái tim rực đỏ thể hiện tình yêu với Hoàng Sa, Trường Sa, với biển đảo quê hương; các bạn còn cùng nhau viết thư gửi những người lính ngoài đảo xa với tình cảm tri ân sâu sắc, lời động viên nhắn gửi và niềm tự hào về các anh. Ở các tổ chức Đoàn cơ sở trực thuộc, những buổi học chuyên đề, những hội thi có chủ đề hướng về biển, đảo đã diễn ra sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên. Thông qua các hoạt động và các hội thi, thanh thiếu niên tỉnh nhà được nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới và hải đảo; hun đúc thêm tình cảm và niềm tự hào về biển đảo quê hương, từ đó có những việc làm thiết thực để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hiện nay, tại Trường Sa, nhiều con em quê hương Lâm Đồng đang chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc. Thiếu úy Phùng Ngọc Giang là một trong số đó, hiện anh đang giữ chức vụ Phân Đội trưởng tăng, đảo Sinh Tồn, một trong 9 đảo phía Bắc thuộc quần đảo Trường Sa. Nơi đất liền, chị Trần Thị Phượng - mẹ của Thiếu úy Phùng Ngọc Giang luôn hướng về phía biển, nhắn nhủ qua tiếng thì thầm của sóng tới con trai và các đồng đội hãy bền gan vững chí. Ở nơi đảo xa, khi thời khắc giao thừa gõ cửa đón xuân sang, những người lính đảo vẫn không rời nhiệm vụ để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu. Còn ở đất liền, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào mỗi người như vẫn luôn có một Trường Sa đang hiện hữu.
LÊ HỮU TÚC