Đưng K'nớ, Đồng Nai Thượng, K'long K'Lanh, Đầm Ròn… nghĩ về những cái tên ấy, nếu ai đã từng đi qua đều nghĩ về xa cách và nghèo đói. Xa, đến độ phải vật vã băng rừng bằng độ dài của những cánh chim mỏi mới ra được đến phố. Nghèo, đến ám ảnh và nôn nao trong suốt những mùa trăng vơi đầy...
Đưng K’nớ, Đồng Nai Thượng, K’long K’Lanh, Đầm Ròn… nghĩ về những cái tên ấy, nếu ai đã từng đi qua đều nghĩ về xa cách và nghèo đói. Xa, đến độ phải vật vã băng rừng bằng độ dài của những cánh chim mỏi mới ra được đến phố. Nghèo, đến ám ảnh và nôn nao trong suốt những mùa trăng vơi đầy...
Ấy vậy mà những “rốn nghèo” Nam Tây Nguyên, đã ra vùng “tâm bão” lúc nào chẳng hay.
1.Sáng tối, Đà Lạt - Đưng K’nớ, Đồng Nai Thượng, Đầm Ròn đều có thể dùng bữa sáng nơi này và bữa tối ở chiều ngược lại. Mải bon chen ở phố, nhiều lúc chợt giật mình, chẳng nghĩ chúng lại gần đến vậy.
Ngày cuối năm, uống cà phê cóc với K’Nhang ở giữa Đà Lạt, một người Đưng K’nớ chính hiệu. Mà dù có lần nào ra phố, ngồi với anh, câu chuyện vẫn cứ quẩn quanh về những ngày cũ, về cái ngày tôi làm bạn với anh khoảng độ mười năm trước. Mới ra trường, Đưng K’nớ như một cái đích để chinh phục, nhất là những gã trẻ, thừa năng lượng như tôi. Ngày rời “Đồng bằng ở trên cao” (tên người bản địa gọi vùng đất này), xe dở chứng xẹp lốp, “kẹt cứng” dưới chân dốc giữa rừng, đang mếu máo kêu trời thì gặp K’Nhang, anh đi bán lan rừng về. Anh đi qua rồi quay lại, tối hôm ấy, tôi ngủ ngon lành ở nhà anh ngay cuối Lán Tranh, phía sau dốc Cổng trời, sau một bữa túy lúy, gia đình nhỏ của anh xem tôi như thượng khách, tôi làm bạn với anh từ độ ấy.
|
Dưới chân Bù-xa-lu-xiên đã hết những ngày lầy lội |
Cũng gần đây thôi, chừng vài năm trước khi con đường Đông Trường Sơn chưa được thi công chạy vắt qua đây, mùa nào mưa nhiều Đưng K’nớ đều chới với vì thiếu thốn. Đường vào nhầy nhụa bùn đất, chẳng phương tiện cơ giới nào có thể cày ải qua cung đường từng được xem là gian khổ nhất của cả Tây Nguyên này. Mảnh đất nơi già K’nớ tìm về thiếu đủ thứ, từng miếng thịt, mớ rau cho đến cả những gói mì. Đưng K’nớ giữa những ngày ấy, xa ngái, hẻo lánh, chơi vơi và dễ tổn thương đến tột cùng.
Ở giữa mùa mưa, kiếm một bữa ăn tươm tất ở “xứ Ruồi vàng” bằng tiền mua được (không phải “cây nhà lá vườn”), số tiền ấy đủ để đàng hoàng ngắm sương, thông ở chốn phồn hoa Đà Lạt trong một nhà hàng có cỡ. Hãy cứ tưởng tượng, một con vịt 2kg/450 ngàn đồng; gà ta hơn một kg/trên 200 ngàn đồng, một lít rượu đế (uống đau đầu) cũng xấp xỉ 20 ngàn đồng. Chưa tính những miếng thịt heo, bò hay rau, củ dù chất vào tủ lạnh và không đảm bảo chất lượng theo thời gian, cũng được tính giá mà chắc hẳn người dân ở xứ này phải “có việc” mới dám mua.
Ngày ấy, khái niệm “một miếng ngon” đối với Đưng K’nớ gần như là điều xa xỉ. Giờ, có việc lội rừng đến nóng rẫy, toát mồ hôi, ngồi ở trung tâm xã, bạn có thể tự thưởng cho mình một chai bia ngon, có thương hiệu để giải khát. K’Nhang, anh bạn tôi vẫn làm nghề bán lan rừng, cái nghề đã giúp cho gia đình vượt qua cái đói trong mùa giáp hạt giờ vẫn làm, anh làm như một thói quen khó bỏ. Anh đi về Đà Lạt - Đưng K’nớ như “cơm bữa”, sáng đi quá trưa về, chi phí đi lại độ chừng hai lít xăng.
2. Nhớ, ngày theo chân các bạn sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Đà Lạt lên Đồng Nai Thượng, cũng chừng hơn mười năm trước. Hành trình đến với thôn 5 dưới chân đỉnh Bù-xa-lu-xiên, nơi tận cùng cực đỉnh phía nam của Nam Tây Nguyên thật “trần ai”. Con đường nhỏ lầy lội khởi điểm từ ngã ba Gia Viễn vắt ngược lên chênh vênh triền núi, dài gần 30 cây số đủ làm nản lòng bất kỳ ai nếu muốn đến với xã anh hùng này. Nếu ở đâu được xem là tận cùng của xa cách và nghèo khổ, có lẽ Đồng Nai Thượng là một ví dụ điển hình. Cái đói dai dẳng hằn lên từng gương mặt, từ người già đến lũ trẻ, lay lắt từ mùa khô hanh hao đến não nề ảm đạm của những ngày mưa dài lê thê. Lúa nương một vụ được mất, chẳng đủ làm ấm bụng người mỗi sáng lên nương, lũ trẻ xanh xao chẳng buồn đến lớp vì chân run, thiếu thốn đủ đường. Bắp, mì trồng nhiều cũng chỉ đủ vừa ăn trong những ngày giáp hạt. Đến cây điều, loại cây “hy vọng” để xóa đói giảm nghèo, lúc bấy giờ vào thời điểm cực thịnh với giá vài chục ngàn đồng một kg, người dân thu hoạch cũng đóng bao chờ thương lái lên đổi chác. Con đường độc đạo lên xã là một trở ngại, kể cả với những thương lái “chịu khó” bán buôn, hám lời nhất. Trong lúc người dân ở dưới chân núi có thể xây nhà, sắm xe Dream (một thương hiệu xe gắn máy đắt tiền lúc bấy giờ) bằng điều, thì ở Đồng Nai Thượng, một ký điều người dân lại chỉ có thể lấy gạo, mắm muối dự trữ…, người nào “chơi sang” thì cũng tự đãi đằng cho mình chai bia hoặc vài lạng thịt với giá đổi ngang.
Mấy cô giáo trẻ mới ra trường, cắm chốt trên buôn dạy chữ, đêm nằm giữa Đồng Nai Thượng khóc rưng rức. Họ nói với tôi, cũng một người trẻ mới ra trường, không có gì xa cách bằng chiều dài nỗi nhớ. Mà có đâu xa, vài chục cây số, từ dưới chân dốc lên đỉnh dốc, vậy mà nhựa sống của tuổi đôi mươi còn bị bào mòn, chỉ bằng những đêm ướt gối, khóc đến ráo hoảnh mắt môi.
Kỹ sư Đào Duy Mai - nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp của huyện lúa Cát Tiên, lúc mới lên đây nhận nhiệm vụ Bí thư xã có nói với tôi: Tớ lên đây, nhiệm vụ chính là phải làm cho bằng được cái anh lúa nước. Giờ “hạ sơn” để nhận nhiệm vụ mới, anh có thể yên tâm về điều mình đã làm cho xã ở tận trên đỉnh núi cao này. Lúa nước ở Đồng Nai Thượng giờ đã có thể trồng hai vụ, phần đa người dân đã có đủ lúa để ăn, chẳng cần phải mua bán, trao đổi nữa.
Cũng không hẳn đã dễ đi lại, dễ để thông thương, nhưng con đường lên núi giờ đã được san bạt bằng phẳng, lên - về Đồng Nai Thượng - Buôn Go, độ hai ba tiếng đồng hồ. Cô giáo Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã còn “quả quyết” theo cách hóm hỉnh nhất: Bây giờ chẳng còn cô nào khóc nữa, nhà có việc thì về, sáng đi sớm vẫn kịp giờ lên lớp, mấy ông chồng lại còn muốn mấy cô ở trên này, về nhiều họ “sợ”.
Bây giờ Đồng Nai Thượng vẫn còn nhiều thiếu thốn và gian khó, chẳng ai phủ nhận, nhưng xa cách thì tuyệt nhiên không. Vì công việc, tôi vẫn thường lên đó với các ban, ngành để trao quà cho người nghèo, các em học sinh trong các dịp lễ, tết; Đồng Nai Thượng là xã nơi họ thường tìm đến, vì nhiều lẽ. Như đợt rồi, sáng đi, trưa có mặt trao quà, ăn bữa trưa muộn, chiều có mặt tại Đà Lạt xem U21 Việt Nam đá giải khu vực trong bữa cơm chiều với gia đình.
3. Những bước chân đầu tiên của tôi khi về tới Đầm Ròn (tên gọi chung của ba xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông) lại đi trên một chuyến đò ngang. Qua đất Lắk (Đắc Lắc) vượt ngang dòng Krông Nô, Đầm Ròn đón khách lạ bằng sự ẩn mình cô quạnh đến xanh xao. Mảnh đất, một thời từng gieo nỗi kinh hoàng khi từng được mệnh danh là “thủ phủ” của lực lượng phản động Fulro, nơi tận cùng của khắc nghiệt với “ruồi vàng, bọ chét”. Người tìm đến được an ủi bằng quá khứ huyền tích trong câu chuyện của người mẹ K’Ho mang nặng đẻ đau mà thành suối nước nóng Ka Kong. Thực tại ùa về lại rát bỏng, bức bối như những cơn gió quẩn thổi bạt hướng trong hanh hao của thung lũng Đầm Ròn mỗi khi mùa khô tìm về.
Đầm Ròn của những ngày ấy, là ngày của những mùa điều xơ xác, người dân phải rẽ lá tìm hạt, là mùa của những ngày đói đến lả người, mùa của thất học và gia tăng dân số. Đường đến Đầm Ròn không xa nhưng cách trở vạn lần, chẳng bằng đò ngang, thì cũng phải chân trần buông lội vài ba con suối, không băng cắt rừng từ hướng xã Lát thì cũng đặng đừng phải ngược lên Cổng trời phía Đưng K’nớ, chạy hắt sang dốc cát đề về Đạ Long. Có việc đi về phía ấy, cũng mất hẳn vài ngày trời. Tôi đã từng nhiều đêm ngủ lại, trong căn nhà trống hoác với gia đình Long Dinh Ha Krang ở thôn N’Tol, chia đôi chiếc chăn chiên không đủ ấm với anh, những ly rượu nặng mùi cũng chẳng làm đủ say để quên đi cái buốt lạnh của rừng thổi về. Thèm một ly cà phê để thức, để nghe nhịp thở của suối mẹ Ka Kong, cũng chẳng biết phải kiếm ở đâu…
Đầm Ròn, mười năm trở lại là một câu chuyện khác. Xe đò ngày vài chuyến đi về, thực phẩm tươi ngon chất trên những xe tải, được gọi là “siêu thị mini” sáng nào cũng đều đặn chở về; hàng hóa, vật dụng sinh hoạt hàng ngày chất đầy trong các cửa tiệm; truyền hình, internet, sóng wifi phủ đầy trong các quán cà phê. Ở đó, những cử nhân có trình độ mới ra trường, đầy nhiệt huyết cũng tìm về ngày một nhiều, họ ở đó lập nghiệp, tìm đến với nhau xem Đầm Ròn như đất lành để “an cư”. Đầm Ròn dường như đã không còn xa cách nữa!
4. Lũ trẻ ở Đầm Ròn bây giờ ham học như trẻ con thành phố, các thầy cô giáo chẳng còn phải nhọc công, dành nhiều thời gian hơn những giờ đứng lớp để đến nhà, lên rẫy réo gọi các em về học. Ha Póh - một người sinh ra ở Đầm Ròn, tuổi thơ được nuôi dưỡng bằng ngọt lành của phù sa K’rông Nô, anh làm Chủ tịch xã Đạ Long khi mới 27 tuổi. Cả vùng cũng có ngót nghét gần mười bác sĩ, y sĩ được đào tạo bài bản trở về phục vụ trong trung tâm y tế huyện, rồi giáo dục, công an, bộ đội, ngành nào cũng có cư dân của Đầm Ròn. Ở đó vẫn nghèo, nhưng đáng để hy vọng lắm chứ, khi các em đã biết trở về nơi nguồn cội mình sinh ra để sống.
Đưng K’nớ, chắc cũng không còn xa nữa, khi con đường Đông Trường Sơn đã được đánh thức. K’Nhang, anh bạn “giải cứu” tôi ngày nào vẫn nhắc khéo, đưa vợ con vào nhà anh chơi, đường bây giờ dễ đi rồi mà. Kể cũng lạ, tôi chưa bao giờ thấy “Mảnh đất bằng của già K’nớ” xa. Mà cũng chẳng phải riêng tôi, cô bé Duyên, cử nhân văn khoa của Trường Đại học Đà Lạt, ngày còn nóng hổi những “Mùa hè xanh tình nguyện”, cứ nhất quyết ở lại “bắt” bằng được K’Đông (anh Bí thư Đoàn xã ngày nào) để làm chồng đấy thôi.
Cô con gái nhỏ của tôi vẫn thường hỏi cắc cớ theo kiểu truy vấn đến cùng, “Ba ơi, cái gì dài nhất? Tôi bâng quơ trả lời cho xong chuyện, chiều dài nỗi nhớ con à!”. Trẻ con thì mau quên, người lớn thì để dạ, chợt thèm miếng cơm nấu từ hạt gạo trồng dưới chân đỉnh Bù-xa-lu-xiên, ăn để nhớ, hình như mình đã đi qua những mùa xa cách.
Tùy bút: Đặng Tuấn Linh