Tình người nơi Song Tử Tây

10:02, 15/02/2016

Đảo như một khu rừng thu nhỏ hiện lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển, tạo cho nơi này một vẻ thanh bình. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho Song Tử Tây những cảnh sắc đậm màu đất liền để con người nơi này cũng thêm bao dung và tình cảm. 

Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Biển cả xa mờ
Có 2 quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa
 
Sau tiếng gió ầm ào trên biển, tiếng trẻ thơ đọc bài đồng dao ấy chính là âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe được khi đặt chân lên Song Tử Tây.
 
Đảo như một khu rừng thu nhỏ hiện lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển, tạo cho nơi này một vẻ thanh bình. Hình như biển cả đã bao dung, ưu ái tặng cho Song Tử Tây những cảnh sắc đậm màu đất liền để con người nơi này cũng thêm bao dung và tình cảm. 
 
Không giống như những trường học ở đất liền, trống ra chơi “lũ chim non” sẽ ào ra như ong vỡ tổ, lớp học ở Song Tử Tây chỉ có 10 đứa trẻ, nên dù tất cả chúng có la hét đùa nghịch vang trời thì những cán bộ, chiến sỹ ở đây vẫn nhận ra tiếng từng đứa. Đi cùng với chúng tôi từ cầu cảng vào, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hồng - Chính trị viên của đảo chỉ hai đứa lớn nhất là Anh Pháp và Bảo Châu, tiếp đến là Anh Kỳ, Bảo Uyên, rồi Nguyên Khôi, Anh Quân, Khánh Huyền… Chúng vui đùa quanh chân chiến sỹ đi làm nhiệm vụ như lũ gà con nháo nhác quanh chân mẹ, miệng liên hồi con chào bác, con chào mấy chú, mấy cô. Tiếng cười giòn tan của lũ nhỏ mũm mĩm, đen giòn và lém lỉnh ấy như làm bừng lên sức sống nơi Song Tử. Trên đảo có những vị trí riêng của chỉ huy, song bác đảo trưởng, bác chính trị viên cũng chỉ cười xòa khi lũ trẻ chạy ùa vào phòng chơi, mặc cho công việc đang bộn bề suy nghĩ. Chúng hồn nhiên ngồi trên tay các chú bộ đội đi làm nhiệm vụ về, khi được hỏi còn đồng thanh hô vang “mấy chú, bác bộ đội là của chúng con”, thì mới hiểu tình quân dân trên đảo mặn mà biết mấy. 
 
Và không chỉ với nhân dân sống trên đảo, mà với bà con ngư dân đi đánh bắt trên ngư trường Trường Sa khi ghé vào Song Tử Tây cũng có cảm giác như về nhà không chỉ bởi tiếng chuông chùa, những gốc cây cổ thụ, những con đường nhỏ cong cong, mà chính bởi tình người nơi đó. Ngày thường hay ngày mưa bão, chỉ cần có tàu thuyền ngư dân phát tín hiệu xin vào, đảo sẵn sàng chào đón. Trung tá Trương Sỹ Nam - Chỉ huy đảo Song Tử Tây cho biết: “Trong năm qua đảo đã khám chữa bệnh cho gần 200 ngư dân, trong đó có 12 trường hợp ngư dân phải cấp cứu. Đảo đã huy động bộ đội nạo vét sâu thêm lòng âu thuyền để tàu thuyền ngư dân dễ di chuyển vào. Năm qua, đảo tăng gia gần 1.300kg rau củ các loại, gần 2.000kg thịt, 1.500kg cá, hơn 6.000kg đậu phụ và giá đỗ…, nên cũng có thể hỗ trợ thêm cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ”. Bất cứ ngày hay đêm, khi tàu ngư dân cần giúp đỡ, cán bộ, chiến sỹ luôn sẵn sàng. Bởi thế “tàu ngư dân khi đi đánh bắt qua đảo vẫn thường hú nhiều tiếng còi tàu như tiếng chào thân thiết” - chiến sỹ Phạm Hồng Quân (20 tuổi) cười kể lại. Có lẽ chính tình cảm chân thành ấy đã giúp cán bộ, chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây xây dựng nên thế trận lòng dân vững chắc giữa biển. 
 
Giọt nước mắt ngày chia tay
Giọt nước mắt ngày chia tay

Hiếm có hòn đảo nào giữa biển như ở Song Tử Tây, gà vẫn bới đất tìm mồi ở nơi chiến sỹ đang nằm nhoài huấn luyện. Đàn bò vẫn nhởn nhơ gặm cỏ ngay bên những chiến lũy, hầm hào. Chiều chiều, bộ đội trên đảo thường tổ chức đá banh, nhưng họ chọn khu vực sân hẹp hơn để đá, không dám đá lên sân cỏ sợ bò không có cái ăn. Bộ đội yêu thương, chăm sóc đàn gà, đàn bò như chính người bạn mình vậy, để rồi những buổi trưa trong những lùm cây xanh tốt gà vẫn cất tiếng gáy vang, như trong những làng quê nhỏ ở đất liền, làm xao động cả nắng trưa. “Khoe” với chúng tôi hàng trăm giỏ phong lan đang nở hoa, những vườn rau xanh tốt, đu đủ trĩu quả, dừa từng chùm, thanh long đã bén rễ, chùm ngây đã cho lá xanh tươi…, trung tá Trương Sỹ Nam cười nói rằng, “tất cả đấy là “con cưng” của đảo đấy”. Mọi người trên đảo ai cũng chăm lo tăng gia sản xuất, để bữa ăn thêm xanh và tạo cảnh quan môi trường thêm đẹp. Trung tá Nam còn tâm sự: “Thấy chuối, đu đủ, dừa sai quả mình vui lắm chứ, nhưng cũng quan sát và mong sao đến tết vẫn còn sai quả và vừa chín để hái xuống cấp phát về các đơn vị cho anh em trang trí mâm quả. Không được ngũ quả thì chí ít cũng phải được hai, ba loại cho thêm đậm đà không khí ở đất liền. Chỉ huy đảo luôn cố gắng để chiến sỹ đỡ cảm giác nhớ nhà, nhất là đối với chiến sỹ trẻ vừa ra làm nhiệm vụ”.
 
Tết về, nơi Song Tử Tây vẫn xanh màu xanh của biển trời. Hoàn thành thời gian thực hiện nghĩa vụ tại đây, mang ba lô đi ra cầu cảng, trên tay cầm lá cờ đã bạc màu sương gió nơi Song Tử Tây, chiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh nói với tôi: “Đã có lúc em mong ước được thấy đất liền biết mấy, nhưng sao giờ này lại thấy chẳng muốn về”. Hay như chiến sỹ Phạm Hồng Vương lại nói “về rồi, em sẽ nhớ mọi người, nhớ Song Tử Tây, nhớ những lúc đi tuần, những đêm đi gác lắm”. Trên cầu cảng Song Tử Tây hôm nay, những cái bắt tay thêm chắc, những cái ôm thật chặt. Và dù đã cố gắng, nhưng những giọt nước mắt của người trở về vẫn rơi trên gương mặt của những chàng trai đã được tôi rèn bởi nắng gió Trường Sa. Vẫn như mọi ngày, chỉ huy đảo lại khuyên răn, nhắc nhở các chiến sỹ, nhưng hôm nay lời nói ấy xúc động, da diết hơn, như lời dặn dò của người cha, người anh với con mình rằng “Về nhà, nhưng tiếp tục cố gắng nhé, phải phát huy thật tốt tinh thần người chiến sỹ Trường Sa”.
 
Tàu chúng tôi rời đi, nhưng trên cầu cảng vẫn còn đó chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Họ đứng vẫy tay mãi cho đến khi trong mắt chúng tôi, những người chiến sỹ hải quân chỉ còn là chấm nhỏ giữa biển. Tạm biệt Song Tử Tây, chúng tôi trở về, nhưng màu xanh, sự thanh bình, sự đổi thay và cả tình người nơi đây thì vẫn luôn còn mãi.
 
NGỌC NGÀ