Nam Tây Nguyên mùa nắng. Chúng tôi có chuyến bộ hành hơn sáu giờ đồng hồ cùng với Ha Quyll, người con của núi, xuyên vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà vào thăm làng Dơng Iêr Jiêng. Bon cũ một thời là điểm di canh, di cư nay được chính họ, với tình yêu núi rừng, đã "dệt" một miền xanh…
Nam Tây Nguyên mùa nắng. Chúng tôi có chuyến bộ hành hơn sáu giờ đồng hồ cùng với Ha Quyll, người con của núi, xuyên vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà vào thăm làng Dơng Iêr Jiêng. Bon cũ một thời là điểm di canh, di cư nay được chính họ, với tình yêu núi rừng, đã “dệt” một miền xanh…
|
Người dân tự đan vật dụng để sử dụng. Ảnh: Phan Nhân |
Về bon cũ…
Nắng len lén qua kẽ lá, rót xuống từng sợi lung linh giữa làn sương mờ tỏ, chim ch’rao đã cất tiếng gọi bầy hòa cùng nhịp điệu thiên nhiên. Ha Quyll đã sẵn sàng với chiếc gùi nặng trĩu muối, gạo và dầu ăn. Hành trình về miền nguyên sơ, vào vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang bắt đầu. “Cứ theo đường mòn ven suối mà đi” - Ha Quyll nói. Quả thật, đường đã được tạo ra từ đôi chân không biết mỏi của những người con bon Dơng Iêr Jiêng suốt mấy chục năm qua, khi tìm về chốn cũ. Sáu giờ đi bộ, Ha Quyll chỉ cho chúng tôi nghỉ vài phút để điều hòa nhịp thở, vì sợ không kịp vào bon trước khi mặt trời gác núi.
Da Mriêng. Xóm cửa ngõ bon Dơng Iêr Jiêng lọt thỏm giữa lòng những ngọn núi điệp trùng, với vài nóc nhà đơn sơ đón chúng tôi khi mặt trời xuống núi. Bà Ka Huệ đang giã nốt mẻ bắp cuối để làm bánh tét đón xuân. Bỏm bẻm nhai thuốc lá để chống lại cái lạnh giữa đại ngàn, bà kể: “Mình và Ha Đào (chồng bà Ka Huệ - PV) có nhà và vườn cà phê ở Đạ Chais, nhưng vào đây để trồng và giữ rừng. Con cái mình đều sinh ra ở bon này, giờ bốn đứa đã có gia đình. Vì ở đây không có trường nên chúng ra Đạ Chais ở để tiện cho bọn trẻ đi học cái chữ”.
Cách nhà bà Ka Huệ mấy cái xà gạc, với hàng rào mang tính tượng trưng, già Ha Lưn đang cùng bốn thế hệ trong nếp nhà xưa nhóm bếp nấu cháo bắp cho bữa tối. Ông bảo: “Mình cũng là người sinh ra ở bon này. Sau đó phiêu bạt ra tận Đa Ra Hoa, cách trung tâm Đà Lạt chừng 15 cây số”.
Ngoài khai khẩn đất ở vùng trũng để trồng bắp, lúa và một số loại rau, gia đình Ha Lưn còn nhận đất rừng để trồng lại rừng chính nơi mà xưa kia ông cùng với cha mẹ, dân làng hạ cây để lập bon, do tập quán di canh, di cư.
Chia tay xóm nhỏ Da Mriêng trong ánh chiều dần tắt, chúng tôi theo chân Ha Quyll vượt suối, tìm vào xóm nhỏ cạnh bên. Già làng Ha Clas đang quây quần bên con cháu, chuẩn bị bữa cơm chiều mộc mạc với thực phẩm từ núi rừng. Già hẹn chúng tôi bên bếp củi ngo, cùng những câu chuyện núi rừng…
|
Làng Da Mriêng hiện ra trước mắt chúng tôi khi mặt trời gác sau những rặng thông đang độ xuân thì do chính bà con trong thôn trồng và quản lý. Ảnh: NTN |
… trồng rừng
Dơng Iêr Jiêng cũng chính là bon xưa của cha mẹ già Ha Clas trước năm 1975. Khi hòa bình lập lại, nhà nước đưa bà con ra Đạ Sar, Đạ Chais, Đa Nhim lập làng sinh sống. Và khi có chương trình bảo tồn tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, già Ha Clas cùng một số gia đình được nhà nước cho ở lại mảnh đất xưa để trồng lại rừng. Hiện, bon có khoảng 290 hộ sống ở 3 làng (Bidoup, Da Mriêng, Dơng Iêr Jiêng) nhận khoán và bảo vệ 10.358ha rừng.
Đêm. Bếp củi ngo đang cháy cạn. Già Clas kể, ngày xưa, đây toàn đồi trọc, do cây rừng bị đốn hạ lấy gỗ làm nhà và đất để trồng bắp. Nay khác rồi, đồi đã được chính con em đồng bào mình phủ xanh. Phà khói thuốc giữa miền huyền thoại, già kể tiếp: Vùng đất này xưa chim, thú quý nhiều lắm, nhưng do nạn phá rừng, tập quán di canh, di cư nên giờ thành hiếm. Giờ bà con sống trong này chủ yếu là để bảo vệ rừng. Mọi người chỉ khai thác một ít đất bằng ở thung lũng để trồng lúa nước, trỉa bắp, rau thì hái trong rừng... Bà con trong bon trao đổi với nhau bằng sản phẩm họ làm ra và bằng tình làng, nghĩa xóm, chẳng bao giờ phải sử dụng đến tiền. Tất cả thực phẩm cần thiết khác như muối, dầu… thì ra xã mua theo từng tháng trữ dùng dần.
Sống phóng khoáng, đơn giản giữa đại ngàn, nên những nếp nhà ở Dơng Iêr Jiêng ít khi nào khép cửa, địa giới được phân ranh bằng một hòn đá, tre nứa, những cây rừng đã “đánh dấu” thì tuyệt nhiên không ai xâm phạm. Bà con còn quy ước với nhau chỉ được bắt cá lớn, nếu bắt cá nhỏ sẽ bị người trong làng cảnh cáo; đuổi chim, heo rừng xâm hại mùa màng bằng ống lồ ô, bằng tiếng hú… “Đó là những quy ước bất thành văn, nhưng những người sống giữa rừng để bảo vệ rừng đều thuộc lòng” - già Ha Clas giải thích.
Ha Quyll cũng là con của núi rừng Bidoup này. Anh được cha mẹ cho đi học ngoài xã. Học xong, Ha Quyll lại về rừng để cùng cha mẹ trồng rừng. Ha Quyll hiểu biết về rừng chẳng kém các kiểm lâm trong vùng, anh được cử đi học và trở thành hướng dẫn viên cộng đồng của vườn quốc gia. Gần 40 năm gắn bó với núi rừng nơi đây, Ha Quyll thuộc từng tiếng chim, từng cơn gió, từng bước chân thú đi hoang... Anh cho biết, hiện gia đình anh đang quản lý, bảo vệ 30ha rừng tại Dơng Iêr Jiêng. “Hầu hết những người dân trong bon trở lại đây sinh sống chỉ để bảo vệ rừng. Đồng bào mình là cộng đồng sống bền vững với rừng mà” - Ha Quyll thổ lộ.
|
Những câu chuyện lúc gặp nhau của những người con bon Dơng Iêr Jiêng luôn là những câu chuyện về rừng. Ảnh: NTN |
Dệt những miền xanh
Chiều nghiêng theo địa hình của dải Bidoup - Núi Bà. Từ rất xa, điệp trùng những thảm xanh đại ngàn, núi đồi xếp lớp… Nơi đó, có những người con đang trả nghĩa với núi rừng. Từ những suy nghĩ như gia đình già Ha Clas, già Ha Bông và thế hệ trẻ như Ha Quyll, vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang đang được bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo bởi chính những người con của núi. Những dự án bảo tồn đang đổ vào đây cũng là để cùng với họ khôi phục hệ động, thực vật vô cùng phong phú, và cũng để giữ lại những nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích hơn 70 ngàn ha, là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang. Đây là trung tâm đa dạng sinh học của cả nước, đứng đầu trong danh sách ưu tiên cao về bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia, với nhiều loài động, thực vật đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Vùng lõi này sẽ tạo hành lang đa dạng sinh học để duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Nam Trường Sơn nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Công tác bảo tồn, quản lý bảo vệ rừng hiện đang được Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà phối hợp với người dân, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước làm rất tốt. Bởi muốn giữ rừng không gì hiệu quả bằng dựa vào cộng đồng, “văn hóa rừng” của người bản địa, trên cơ sở chia sẻ lợi ích, để kết nối bảo tồn và phát triển, phải bảo vệ rừng bằng văn hóa mới bền vững.
Chia tay bon Dơng Iêr Jiêng, lau lách dưới bóng đại ngàn, Ha Quyll chỉ cho tôi từng cánh rừng thông trưởng thành đọc tên vanh vách do hộ nào quản lý, bảo vệ. Giữa mênh mông rừng chiều, tôi lại nhớ về họ, những người ở rừng để dệt những miền xanh…
NGUYỄN NGHĨA