Vui tết Đà Lạt, nhớ Tết "Thả đèn hoa"

08:02, 10/02/2016

Đà Lạt, thành phố cao nguyên mộng mơ, quê hương của Festival Hoa Việt Nam vui Tết Bính Thân trong niềm vui chung, bởi đà tăng trưởng của du lịch, mỗi dịp Festival Hoa. Mùa Tết này có 3 công ty lữ hành tổ chức tour cho hơn 100 du khách Thái Lan đến Đà Lạt, đón tết cổ truyền Việt Nam. 

Đà Lạt, thành phố cao nguyên mộng mơ, quê hương của Festival Hoa Việt Nam vui Tết Bính Thân trong niềm vui chung, bởi đà tăng trưởng của du lịch, mỗi dịp Festival Hoa. Mùa Tết này có 3 công ty lữ hành tổ chức tour cho hơn 100 du khách Thái Lan đến Đà Lạt, đón tết cổ truyền Việt Nam. Và trước thềm Tết cổ truyền Việt Nam, 2 năm liền, chúng tôi may mắn là khách mời đặc biệt của các đồng nghiệp báo chí Thái Lan mừng Tết “Thả đèn hoa” - Loy Krathong tại 3 cố đô của Thái Lan: Chiang Mai, Phetchabun, Ayuthaya. Chiang Mai là thành phố hoa, được du khách Thái và Việt ví như là một Đà Lạt của Thái Lan. 
 
Một góc thành cổ “phế tích”, trung tâm cố đô Ayutthaya
Một góc thành cổ “phế tích”, trung tâm cố đô Ayutthaya

Cuối năm trước - 2014, chúng tôi bay thẳng từ thành phố Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh đến Bangkok, rồi nối chuyến bay nội địa Bangkok - Chiang Mai, kịp vào hội Loy Krathong. Cuối năm nay - 2015, cận Tết Bính Thân - 2016, chúng tôi bay thẳng Hà Nội - Bangkok; từ Bangkok theo đường cao tốc hơn 400km đến tỉnh Phetchabun ở phía Bắc, đón Tết Nữ thần Nước. 
 
LoyKrathong là ngày Tết trọng đại của người Thái, thả đèn hoa và đổ ra đường té nước cho nhau. Người Thái coi Tết Loy Krathong là để tỏ lòng tôn kính Nữ thần Nước. Té nước cho nhau và thả đèn hoa là để xua đuổi những điều không may mắn và cầu mong phước lành sẽ đến. 
 
Người ta ví Chiang Mai như là một Đà Lạt của người Thái, thủ phủ của các loài hoa. Nhiệt độ trung bình 24 - 27 độ C; dịp Loy Krathong - thả đèn hoa, Chiang Mai chỉ khoảng 26 độ C, mùa đông có lúc 12 - 15 độ C. Trên núi cao, có nơi nhiệt độ xuống 2 - 3 độ C. Chiang Mai là thủ đô của quốc gia Lanna từ giữa thế kỷ XVIII, địa phương có nguồn thu từ du lịch đứng top đầu, sau Bangkok. 
 
Năm nay, chúng tôi đón Loy Krathong ở Phetchabun, ngài tỉnh trưởng, thị trưởng thành phố trân trọng mời các nhà báo Việt Nam tham gia đêm hội thả đèn hoa xuống dòng sông Phetchabun, dự đêm hội nhan sắc “hoa hậu quý bà”. Sự thân tình, hữu nghị, đoàn kết anh em thấm đậm trong mỗi sự kiện - đúng dịp lãnh đạo cấp cao 10 quốc gia ASEAN tuyên bố khai sinh Cộng đồng ASEAN, niềm vui đêm hội Tết Loy Krathong càng được nhân lên. Sự trùng hợp ngẫu nhiên mà lý thú, 2 năm qua, chúng tôi đón tết trên 3 địa phương Thái, được coi là cố đô nổi tiếng của đất nước lấy đạo Phật làm quốc đạo. 
 
So với đêm hội thả đèn hoa năm trước ở Chiang Mai, Loy Krathong ở Phetchabun, cũng là tỉnh “địa đầu” phía bắc Thái có những sắc màu riêng, ấn tượng và thú vị. Khi vừa đặt chân tới Phetchabun, đoàn nhà báo Việt Nam đã có cuộc “yết kiến” Tỉnh trưởng Bundit Theveethivarak. Ngài tỉnh trưởng cởi mở và thân tình:
 
 - Tết Loy Krathong được đón bạn Việt Nam, đó là vinh hạnh lớn, hướng đến sự may mắn và thịnh vượng. Thái Lan - Việt Nam cùng uống chung nguồn nước dòng sông mẹ Mekong. Nữ thần Nước sẽ phù hộ cho chúng ta mọi điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc. Bảo vệ, nâng niu cho nguồn nước mãi trong xanh là bổn phận của mỗi chúng ta!
 
Chẳng có lời nào hay hơn thế về tình hữu nghị anh em, về quan hệ các nước láng giềng ở tiểu vùng sông Mekong trong ngày hội Loy Krathong. Phetchabun ruộng đồng màu mỡ; sông ngòi Phetchabun là nguồn nước nuôi sống cuộc đời gần 1 triệu cư dân khu vực này. Đây cũng là vựa lúa, vựa ngô và vựa cây trái của miền Bắc Thái Lan. Me ngọt Phetchabun, đặc sản nổi tiếng xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới. Cạnh cố đô Phetchabun là tỉnh Phichit gạo trắng nước trong, sum suê quả ngọt, mật tươi, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân đầu tiên ở Thái thời kỳ 1928 -1929 hoạt động cách mạng trong sự đùm bọc cưu mang của bà con nông dân vùng Bắc, Đông Bắc Thái Lan và bà con Việt kiều.  
 
Các đồng nghiệp Việt Nam và Thái Lan thả đèn hoa lên bầu trời trong đêm hội Tết Loy Krathong
Các đồng nghiệp Việt Nam và Thái Lan thả đèn hoa lên bầu trời
trong đêm hội Tết Loy Krathong

Đồng nghiệp Banhan, Tổng Biên tập Báo Sereechon, Chủ tịch Hội Báo chí địa phương Phetchabun, một nhà báo trồng rừng, làm vườn có hạng, rất có duyên khi giới thiệu với chúng tôi:
 
- Lúc đầu Phetchabun được gọi là Phechabuth, Phuenchapura, có nghĩa là thành phố nhiều loại cây trồng, đất đai phì nhiêu, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trồng cây và làm vườn, nguồn nước tưới tiêu quyết định sự thành bại. Tết Loy Krathong là dịp người Thái, người Phetchabun tạ ơn Nữ thần Nước, vị thần đưa đến cho mọi người sự sum vầy, hạnh phúc, ấm no. 
 
Đến Phetchabun, chúng tôi đến thăm thành phố cột Shrine, nằm trên đường Lak Mueang, là thị trấn cổ nhất Thái Lan và Cung văn hóa Nakhonban Phetchabun - đại sảnh nghiên cứu lịch sử của Phetchabun, triển lãm và thuyết trình một số hình ảnh cổ vật; biểu diễn, thuyết trình lịch sử và nền văn hóa Phetchabun. Công viên lịch sử Si Thep, khẳng định sự thịnh vượng trong quá khứ của một đế chế. Sukhothai cách Bangkok gần 427km về phía Bắc, từng là thủ đô của Thái Lan từ năm 1238 đến 1438. Với diện tích hơn 6.600km2, cùng nhiều di tích lịch sử như hoàng thành, đền thờ Phật và công viên lịch sử Sukhothai, cố đô này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991.
 
***
 
Rời Phetchabun chúng tôi đến ngay cố đô Ayuthaya, để kịp tận hưởng không khí Loy Krathong ở một cố đô hàng đầu của Thái Lan. Cách thủ đô Bangkok 76km về phía bắc, cố đô Ayutthaya trải dài trên diện tích hơn 289ha. Đây thật sự là một trong những di tích lịch sử, di sản văn hóa thế giới có sức hấp dẫn đặc biệt. 
 
Đón chúng tôi từ cửa ngõ thành phố cổ Ayuthaya, 3 đồng nghiệp báo chí địa phương Thái Lan là ông Sorn Khongsaipakin, đại diện Nhật báo Thairat, Phó Chủ tịch Hội báo chí địa phương; ông bà Jarungpan Koakiattrakul, Chanakul Sukhontavatana. Phó Chủ tịch Hội Sor Khongsaipakin tranh thủ thời gian, giới thiệu với các nhà báo Việt Nam trên đoạn đường đến khu công viên lịch sử cố đô:
 
- Với cố đô Ayutthaya, 4 thế kỷ lịch sử huy hoàng còn lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc, chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au. Thành cổ được xây dựng từ năm 1350 bởi vua U-thong, bị quân Burma chiếm đóng và tàn phá năm 1767, kết thúc thời đại Ayutthaya. Có 33 đời vua thay nhau trị vì vương triều và xây dựng Ayutthaya thành thủ đô rực rỡ trong quá khứ. Ở Ayutthaya đã từng có một nền nông nghiệp phát triển và những mối quan hệ giao thương thịnh vượng với các quốc gia châu Á, châu Âu. Năm 1758, đất nước Ayuttaya bị xáo trộn bởi một cuộc ganh đua tranh giành ngai vàng trong hoàng gia, dẫn đến kết quả thất bại thảm hại trong cuộc chiến với người Burma năm 1767. Quân đội Burma khi xâm lược thủ đô đã ra lệnh đốt cháy và phá hủy nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, lộng lẫy của vương triều Ayutthaya. Những gì còn sót lại ở khu thành cổ chính là những chứng nhân lịch sử, tạo nên một cố đô hùng vĩ Ayutthaya ngày nay.
 
Nữ đồng nghiệp Chanakul Sukhontavatana xinh đẹp, vốn là phát thanh viên truyền hình Bangkok, tiếp lời:
 
- Khác với sự hoành tráng như sử sách ghi lại từ những năm 1350, Ayutthaya giờ đây là một phế tích với rất nhiều đền chùa cổ kính. Công viên nằm bên bờ sông được hợp lưu bởi ba dòng sông là Chao Phraya, Mae Nam Lop Buri và Pa Sak; bao gồm nhiều quần thể: Wat Choeng Thar, Wat Suwandararam, Wat Phra Ram, Wat Mahathat, Wat Phra Mongkhon Bophit, Wat Phutthaisawan, Wat Pra Sri Sanphet, WatWorachettharam, Wat Lokaya Suttha, Wat Yai Chaimongkhon, Wat Chaiwatthanaram…
 
Đồng nghiệp Thái Lan nhiệt thành hướng dẫn chúng tôi đi thăm nhiều tầng, lớp thành phố “phế tích” - cố đô Ayutthaya, bởi hàng trăm bức tường, ngọn tháp, ngôi đền sụp đổ chỉ còn một phần hay bị phá hủy hết chỉ còn nền móng… tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng. Một số kiến trúc trùng tu bằng vật liệu mới nhưng không hề gây sự phản cảm. Một số đền tháp khác được phục dựng gần như toàn bộ, kể cả những bức tượng Phật khổng lồ. Nhưng tất cả hài hòa một cách kỳ lạ với cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Ngày nay, thành phố cố đô Ayutthaya là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch vào bậc nhất ở Thái Lan. Người ta đến đây không chỉ là đến tham quan một di sản văn hóa mà còn để tìm đến với Phật giáo, sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, và để tìm lại những bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn thời hội nhập hiện đại, cuộc sống luôn hối hả từng phút, từng giây.
 
Chúng tôi hỏi bạn về đêm “Rằm” tết Loy Krathong tại cố đô Ayutthaya, nữ đồng nghiệp Chanakul Sukhonvatana sinh động hẳn lên:
 
- Như các bạn đã thấy, mới đêm hôm qua, hôm kia, nơi này có hàng vạn người đến dự hội té nước và thả đèn hoa. Tại công viên cổ Ayutthaya, nơi hợp lưu của 3 dòng sông nổi tiếng Chao Phraya, Mae Nam Lop Buri, Pa Sak. Không ngẫu nhiên khi đế chế Ayutthaya chọn nơi đây làm thủ đô, hợp tụ 3 dòng nước lớn đổ về. Hội Loy Krathong có nơi nào đẹp và tuyệt vời bằng cố đô Ayutthaya: Nữ thần Nước - quá khứ - hiện tại - tương lai…
 
***
 
Kỷ niệm sâu sắc trong mỗi chúng tôi thật sâu đậm về Tết Loy Krathong của đất nước Thái Lan; về các cố đô trên đất Thái và tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác báo chí Việt Nam - Thái Lan… Tết cổ truyền Việt Nam - Bính Thân 2016 đã cận kề, nhớ Tết Loy Krathong Thái Lan, ước gì Tết Bính Thân này, tại cố đô Huế, cố đô Hoa Lư - Ninh Bình; tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Đà Lạt mộng mơ, quê hương của Festival Hoa Việt Nam… có mặt các đồng nghiệp Thái Lan, để cùng vui tết đón xuân với đồng nghiệp Việt Nam, để báo chí hai nước tiếp tục góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đa dạng, gắn kết, phát triển…
 
Bính Thân, 2016
 
Phạm Quốc Toàn