Ngoài Tân Hội được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tại huyện Đức Trọng còn có 5 xã ưu tiên của tỉnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, 8 xã còn lại được huyện chọn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Ngoài Tân Hội được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của Trung ương, tại huyện Đức Trọng còn có 5 xã ưu tiên của tỉnh triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, 8 xã còn lại được huyện chọn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Do chặt chẽ trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, nên quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Đức Trọng đạt được kết quả khả quan, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
|
Nuôi nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao ở xã NTM Tân Hội |
Một trong những công tác quan trọng được BCĐ xây dựng NTM huyện Đức Trọng quan tâm thực hiện là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình “xây dựng NTM” và nhân dân chính là người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM, để từ đó hưởng ứng mạnh mẽ phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Công tác quy hoạch, xây dựng; phê duyệt Đề án xây dựng NTM cho 14/14 xã cũng được huyện quan tâm thực hiện đạt kết quả.
Thực hiện Đề án đã được phê duyệt, Ban chỉ đạo NTM huyện chỉ đạo các xã triển khai thực hiện các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Theo đó, huyện tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm, xuất khẩu lao động... nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân cư. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Đức Trọng đạt 39,13 triệu đồng/năm, tăng 6,14 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện chỉ còn 0,94%, trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 2,17%. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu giao thông, thủy lợi, điện, chợ nông thôn, trường học, trạm y tế, bưu chính viễn thông, nhà ở dân cư đạt được kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giao lưu, tiêu thụ hàng hóa, học tập, khám chữa bệnh của người dân.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội: Giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường không ngừng được đầu tư cả về vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giáo viên, Y-BS, cán bộ và thiết chế văn hóa, nên đã phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Đến nay, trong toàn huyện có 14/14 xã đạt tiêu chí về văn hóa, giáo dục, môi trường và 13/14 xã đạt tiêu chí về y tế. Cùng với đó, QP-AN- TTATXH luôn được đảm bảo, tạo điều kiện để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Hiện nay, 14/14 xã có QP-AN-TTATXH vững mạnh. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, vững mạnh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền, đoàn thể được quan tâm thực hiện. Do vậy, năng lực lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng của các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể không ngừng được nâng cao, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Hiện toàn huyện có 12/14 xã đạt tiêu chí Bộ quốc gia NTM về hệ thống chính trị cơ sở.
Đạt được những kết quả cao trong việc thực hiện các tiêu chí quốc gia về NTM nói trên, ngoài công tác lãnh,chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nói trên còn có việc năng động, sáng tạo trong huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để đầu tư có hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua (2011-2015), huyện Đức Trọng đã huy động được tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM lên đến 2.075,299 tỷ đồng, trong đó, vốn trực tiếp của chương trình xây dựng NTM 100,369 tỷ đồng, vốn lồng ghép của các chương trình, dự án 446,261 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 1.404,162 tỷ đồng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp 17,391 tỷ đồng. Đặc biệt, đã huy động nội lực của nhân dân đóng bằng tiền, bằng đất đai, tài sản, ngày công lao động lên đến 107,116 tỷ đồng, trong đó, đóng góp bằng tiền mặt 80,769 tỷ đồng, giá trị ngày công lao động 3,139 tỷ đồng, giá trị hiến đất 21,957 tỷ đồng (31.088m2), giá trị tài sản khác 1,251 tỷ đồng.
Từ những kết quả đạt được đó, đến nay toàn huyện Đức Trọng đã có 9 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, 2 xã đạt 18/19 tiêu chí NTM, 3 xã đạt 13-15 tiêu chí NTM, tạo cơ sở vững chắc để Đức Trọng trở thành huyện NTM vào năm 2018.
Nói về những bài học kinh nghiệm trong thực hiện chương trình xây dựng NTM của địa phương, ông Phạm Thanh Quan - Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo NTM huyện Đức Trọng đã đúc rút 5 bài học. Đó là, phải có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Phát triển hạ tầng nông thôn phải gắn liền với sản xuất, nâng cao mức sống của người dân. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, tôn trọng tính chủ động, lợi ích thiết thực của người dân trong việc lựa chọn, quyết định nội dung triển khai xây dựng NTM ở mỗi địa phương. Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức đúng đắn rằng “Người hưởng lợi trực tiếp từ NTM chính là họ”, để người dân tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của trong xây dựng NTM. Phải nắm vững mục tiêu và tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thiết yếu của người dân ở từng địa phương. Phát huy mọi nguồn lực tại chỗ, kết hợp với việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, hiệu quả của chương trình xây dựng NTM. Trong quá trình chỉ đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện xây dựng NTM, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập phát sinh. Phải làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, đồng thời kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm, ảnh hưởng xấu đến phong trào xây dựng NTM.
HOÀNG ĐẠI HUYNH