Hòn đảo mang tên người anh hùng

08:12, 14/12/2016

Quần đảo Trường Sa nhìn từ xa, các hòn đảo hiện ra chỉ là một rẻo đất bé xíu giữa mênh mông trời nước. Song, khi tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và lịch sử từng điểm đảo, có những điều khiến chúng ta không khỏi bất ngờ! Trong đó có câu chuyện huyền thoại về một người anh hùng trong "Ðoàn tàu không số" và tên ông được đặt cho một hòn đảo: đảo Phan Vinh...

Quần đảo Trường Sa nhìn từ xa, các hòn đảo hiện ra chỉ là một rẻo đất bé xíu giữa mênh mông trời nước. Song, khi tìm hiểu cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và lịch sử từng điểm đảo, có những điều khiến chúng ta không khỏi bất ngờ! Trong đó có câu chuyện huyền thoại về một người anh hùng trong “Ðoàn tàu không số” và tên ông được đặt cho một hòn đảo: đảo Phan Vinh...
 
Đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên người anh hùng trong Đoàn tàu không số. Ảnh T.D.H
Đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên người anh hùng trong Đoàn tàu không số. Ảnh T.D.H
Hòn đảo duy nhất mang tên người Việt Nam
 
Nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; song hiện nay duy nhất chỉ có một hòn đảo nhỏ giữa biển Đông mang tên một con người Việt Nam - đảo Phan Vinh. Chắc chắn đây phải là một con người có thành tích thật xuất sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm tưởng của nhiều người và trở thành niềm tự hào trong truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam? Và, tôi đã may mắn được đặt chân lên hòn đảo mang tên người anh hùng này; được nghe cán bộ, chiến sĩ kể về những chiến công và sự hy sinh huyền thoại của ông; được hòa mình vào không khí sinh hoạt trẻ trung của những cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo này trong một sáng tháng năm biển yên sóng lặng...
 
Ðảo Phan Vinh hôm nay xanh tươi cây lá và tràn trề sức xuân tuổi mười chín, đôi mươi. Phát huy truyền thống anh hùng của Hải quân Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đang từng ngày đêm vượt qua sóng gió trụ vững giữa biển khơi để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam…

Theo tài liệu, đảo Phan Vinh trước đây có tên là đảo Hòn Sập nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, phía đông của quần đảo Trường Sa, là đảo xa nhất (cách TP Hồ Chí Minh 482 hải lý). Đảo Phan Vinh có 2 điểm A và B nằm cách nhau 3,5 hải lý. Điểm A là đảo nổi còn điểm B là đảo chìm. Tôi xem cuốn “sổ vàng truyền thống” của đơn vị, trong đó có hai trang viết tay nét chữ rất đẹp nói về sự tích đảo Phan Vinh gắn với tên tuổi anh hùng Nguyễn Phan Vinh của 43 năm về trước. Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933, quê Điện Bàn (Quảng Nam), cấp bậc: Trung úy - thuyền trưởng tàu C.235 (thuộc Lữ đoàn 125, đơn vị đã hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng). Tên tuổi của Nguyễn Phan Vinh gắn với “Đoàn tàu không số” và đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội đã nhiều lần bí mật vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam...

Tháng 2/1968, Nguyễn Phan Vinh được giao nhiệm vụ chỉ huy tàu C.235 chở 14 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Khi tàu của ông từ miền Bắc vào chỉ còn cách Nha Trang chừng 10 hải lý thì bị tàu chiến Mỹ phát hiện và tập trung vây bắt tại biển Hòn Hèo (Khánh Hòa). Sau khi bí mật cất giấu vũ khí an toàn, Nguyễn Phan Vinh đã cùng 20 chiến sĩ hải quân trên tàu chiến đấu với tàu giặc quyết liệt. Biết không thể thoát khỏi vòng vây (gồm nhiều tàu chiến và cả máy bay trên không truy kích), Nguyễn Phan Vinh ra lệnh cho những chiến sĩ còn sống nhảy xuống biển bơi vào bờ. Trên tàu chỉ còn ông và người lái tàu ở lại để làm nhiệm vụ điểm hỏa cho nổ tàu, xóa hết vết dấu và không để kẻ thù bắt sống. Nguyễn Phan Vinh cùng 14 chiến sĩ và con tàu C.235 vĩnh viễn nằm lại giữa lòng đại dương. Ngày 25/8/1970, Nguyễn Phan Vinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; đảo Hòn Sập được mang tên đảo Phan Vinh từ đó...
 
Ðảo Phan Vinh hôm nay
 
Tên tuổi Nguyễn Phan Vinh và 14 chiến sĩ hải quân đã hy sinh tại biển Hòn Hèo năm 1968 được lập bia tại đảo Phan Vinh như nhắc nhở thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau nêu gương sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Tự hào hòn đảo mang tên người anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió. Hôm Đoàn công tác chúng tôi ra thăm được chia làm hai nhóm để đến 2 điểm đảo này. Tôi có mặt trong nhóm đến thăm điểm B (đảo chìm). Tại đây, đa số cán bộ, chiến sĩ là người ở rất nhiều tỉnh, thành khác nhau; Trong đó có nhiều chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ và mới ra đảo lần đầu nhưng nước da đã sạm màu nắng gió. Chiến sĩ Nguyễn Hùng Hiền - thế hệ lính mới của đảo Phan Vinh B tâm sự: “Công tác trên một hòn đảo mang tên người anh hùng, chúng tôi rất tự hào; học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là chí nguyện của cả đơn vị...”.
 
Dù là một đảo nhỏ, vị trí đóng quân độc lập xa đất liền, khí hậu rất khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn... nhưng “chất trẻ” của lính lan tỏa với nhiều hoạt động sôi nổi do Chi đoàn thanh niên làm nòng cốt. Chi bộ và chi Đoàn Thanh niên đảo Phan Vinh thực sự trở thành “chiếc nôi”, là môi trường để cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt, rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành về mọi mặt. Để khắc phục khó khăn do đặc thù về địa hình, vị trí đóng quân và góp phần cải thiện bữa ăn cho đơn vị, Chi đoàn đảm nhận thực hiện các “công trình thanh niên” như vườn rau thanh niên, chăn nuôi, gieo trồng, đánh bắt thủy sản... Mỗi năm, đơn vị thu gần 1 tấn rau, củ, quả các loại; hơn 200 kg thịt và gần 1 tấn cá tươi. Đời sống về vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đảm bảo, yên tâm công tác...
 
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh Hải quân và sự đóng góp của các tập thể, cá nhân vì Trường Sa thân yêu đã tạo điều kiện sinh hoạt, công tác và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, điểm đảo được cải thiện. Hiện nay, tất cả các đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn DKI trên quần đảo Trường Sa đều có điện sử dụng (Pin năng lượng mặt trời và điện gió) và hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo nhờ mạng Viettel được lắp đặt. Bên cạnh đó, “tủ sách thanh niên”, tủ sách Hồ Chí Minh và nhiều sách, tài liệu nghiên cứu khác cũng được trang bị khá phong phú, góp phần làm cho cuộc sống tinh thần của các bộ, chiến sĩ trên các đảo được cải thiện rất đáng kể. 
 
THANH DƯƠNG HỒNG