Những bệnh lý nguy hiểm do hút thuốc lá thụ động

08:12, 16/12/2016

Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà cao hơn nhiều so với tại nơi làm việc. Ðặc biệt, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ 50 - 70%.

Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà cao hơn nhiều so với tại nơi làm việc. Ðặc biệt, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ 50 - 70%.
 
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật nguy hiểm đối với con người, trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hô hấp. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà khói thuốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người xung quanh do hút thuốc thụ động.
 
Tác hại và nguy cơ về sức khỏe liên quan tới hút thuốc thụ động: Khói thuốc lá, thuốc lào đã được phân loại là chất gây ung thư bảng A. Khói thuốc chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 250 loại độc hại và có ít nhất 69 loại được biết đến như tác nhân gây ung thư ở người. Khói thuốc thụ động có nồng độ nicotine lớn gấp đôi nồng độ mà người hút thuốc lá hấp thụ. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. 
 
Nghiên cứu trên phạm vi quốc tế trong 20 năm gần đây về ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng: Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25 - 30%, mắc bệnh phổi lên 20 - 30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà cao hơn nhiều so với tại nơi làm việc. Đặc biệt, theo một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ 50 - 70%. Qua một vài con số đã nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở Việt Nam cũng rất cao.
 
Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em: Ở người lớn, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Với phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động có thể bị sảy thai, làm thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non, thiếu cân. Những người phụ nữ mà bản thân họ hút thuốc thì chắc chắn việc mang thai sinh ra sẽ nhỏ hơn, khi sinh đẻ sẽ gặp nhiều biến chứng hơn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen... Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho động mạch của trẻ em như làm lão hóa các mạch máu, làm dày thành mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Khói thuốc có thể làm giảm nhịp thở và nhịp tim của bé, khiến bé có nguy cơ đối mặt với Hội Chứng Đột Tử Ở Trẻ (SIDS). Hút thuốc trong thời gian mang thai và sau khi sinh con sẽ làm tăng khả năng bị SIDS. Mối nguy hại này sẽ tăng gấp đôi nếu cả bố và mẹ đều hút thuốc… 
 
Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với khói thuốc làm tăng các vấn đề về hành vi và gây khó khăn trong việc học hỏi của bé. Có thể nói, khói thuốc thụ động độc hại không kém so với hút thuốc, thế nhưng hàng ngày khi chúng ta ra đường, vào bệnh viện, đi trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi làm việc trong nhà… vẫn dễ dàng bắt gặp những người ngang nhiên hút thuốc lá và xả khói vào người khác.
 
Để bảo vệ sức khỏe cho mọi người trước tác hại của hút thuốc lá thụ động, mỗi cá nhân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, xây dựng một môi trường không khói thuốc lá, đảm bảo mức an toàn cho sức khỏe của mình và những người xung quanh trước nguy cơ tiếp xúc với tác hại của hút thuốc lá thụ động.
 
ThS-BS KA SUM
(Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Lâm Ðồng)