Bà con nông dân trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện vẫn chưa hết bàng hoàng khi cơn lũ vào đầu tháng 11 vừa qua đã làm ngập lụt trên 730 ha rau thương phẩm, tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 45 tỷ đồng...
Bà con nông dân trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện vẫn chưa hết bàng hoàng khi cơn lũ vào đầu tháng 11 vừa qua đã làm ngập lụt trên 730 ha rau thương phẩm, tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 45 tỷ đồng. Tưởng chừng mưa đã hết, thời tiết đã ổn định, sau khi nước xuống bà con nông dân đã tập trung gieo trồng các loại rau thương phẩm trên diện tích đất ven sông Đa Nhim.
|
Nhiều diện tích trồng rau ở Đơn Dương bị ngập trong nước. Ảnh: N.Thanh |
Đúng như lời cổ nhân nói, người tính không bằng trời tính, có ai ngờ trong 2 ngày (12-13/12), đặc biệt là cơn mưa lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ (từ 16 giờ đến 18 giờ 30 chiều ngày 13/12) đã gây lũ cục bộ ở một số nơi trên địa bàn huyện Đơn Dương. Và, để bảo vệ an toàn cho hồ chứa nước Đa Nhim, Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận Đa Mi tiến hành xả lũ với lưu lượng gần 200 m3/giây làm ngập lụt một số diện tích rau thương phẩm của bà con nông dân trồng ở ven sông Đa Nhim.
Tuy đợt lũ này không lớn bằng lần trước, diện tích rau bị ngập không đáng kể, nhưng chỉ riêng ở cánh đồng rau ở soi ông Kiểm Lọt, thuộc địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ có những hộ gia đình đã bị thiệt hại lên đến hàng chục triệu đồng. Nước lũ tràn về còn làm ngập lụt một số diện tích rau của bà con nông dân đang sản xuất ở khu vực cầu Ka Đô, cầu Quảng Lập, trong đó có những vườn rau bị ngập chìm trong nước. Đang tập trung khắc phục diện tích rau bị ngập, ông Huỳnh Văn Bá, một nông dân ở thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: “Gia đình tôi sản xuất trên diện tích đất này đã 15 năm nay, nhưng chưa có năm nào chỉ trong vòng hơn 1 tháng mà có đến 2 lần rau bị ngập lụt. Nước lũ làm 5 sào xà lách của gia đình tôi đã trồng được 28 ngày bị mất trắng”.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Vân có vườn cải thảo gần bên vườn xà lách của ông Huỳnh Văn Bá than thở: “2 lần hồ Đa Nhim xả lũ thì gia đình tôi đều bị ngập gần 3 sào cải thảo, thiệt hại lên đến hơn 45 triệu đồng. Mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ cho bà con nông dân chúng tôi có điều kiện để tái sản xuất”.
Không chỉ riêng diện tích trồng rau của các hộ ông Bá, bàVân bị ngập, mà còn có hàng chục hộ nông dân đang sản xuất ở khu vực soi ông Kiểm Lọt, Trạm bơm HTX Thạnh Nghĩa (thị trấn Thạnh Mỹ) cũng bị ngập hơn 6,5 ha rau mới trồng được 25 ngày tuổi. Khó khăn lại chồng chất khó khăn với những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Theo kinh nghiệm dân gian, cứ sau ngày 23/10 (âm lịch) hàng năm là bà con nông dân nghĩ không còn mưa nữa, do vậy họ mạnh dạn xuống giống trông chờ vào vụ rau tết. Vậy mà, thời tiết năm nay đã thay đổi bất thường, đến rằm tháng 11 mà trời còn mưa như trút nước. Chính vì thế, bao nhiêu vốn liếng bà con nông dân bỏ xuống đồng nay lại thêm một lần nữa mất trắng, tết này không biết lấy cái gì mà chi tiêu.
Để góp phần giúp đỡ bà con nông dân bị thiệt hại nặng vào đầu tháng 11, UBND huyện Đơn Dương đã và đang kiến nghị lên các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ cho bà con nông dân bị thiệt hại nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống.
Lũ lụt liên tiếp tràn về các tỉnh miền Trung và ở huyện Đơn Dương năm nay cũng đã trải qua 2 lần ngập lụt, phải chăng đó cũng là hậu quả của việc khai thác chặt phá rừng bừa bãi của con người?
Sau khi thời tiết ổn định trở lại, bà con nông dân đã khẩn trương ra đồng để tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, trước mắt là chăm sóc lại diện tích rau, hoa bị hư hỏng và tiếp tục làm đất để gieo trồng các loại rau thương phẩm vụ đông xuân.
NGỌC THANH