Tình hình tiêu thụ thuốc lá đáng lo ngại

08:12, 12/12/2016

Lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh tăng từ 44,6 gói/người/năm vào năm 2005 lên 46,1 gói vào năm 2010, cao nhất là 46,9 gói vào năm 2012, sau đó có xu hướng giảm không đáng kể, năm 2013 còn 46,2 gói và năm 2014 là 45,9 gói/người/năm.

Lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh tăng từ 44,6 gói/người/năm vào năm 2005 lên 46,1 gói vào năm 2010, cao nhất là 46,9 gói vào năm 2012, sau đó có xu hướng giảm không đáng kể, năm 2013 còn 46,2 gói và năm 2014 là 45,9 gói/người/năm.
 
Tình hình tiêu thụ thuốc lá tại Lâm Đồng vẫn còn đang ở mức đáng lo ngại. Theo số liệu của Sở Công thương, trong những năm qua, Lâm Đồng đã tiêu thụ một lượng thuốc điếu rất lớn. Năm 2014, lượng thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh là 57,834 triệu gói. Tốc độ tăng lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân là 2,03%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2011 - 2014 tăng thấp hơn giai đoạn trước, bình quân 1,03%/năm. Đó là chưa kể lượng thuốc lá tiêu thụ mà chúng ta chưa thống kê được.
 
Chính quyền ở mỗi quốc gia, mỗi tổ chức xã hội, mỗi thành viên trong cộng đồng cũng như Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá phải phát huy những thế mạnh, khắc phục những khó khăn để đưa ra những hình thức hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi và phát triển thành một làn sóng to lớn trên toàn thế giới thì mới mong đè bẹp và xóa sổ ngành công nghiệp thuốc lá, tiến tới loại trừ thuốc lá ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.
Người sử dụng sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng chủ yếu là nam giới, nữ giới không đáng kể. Họ có nghề nghiệp đa dạng, đủ loại, đủ các cấp độ và ngành nghề khác nhau như: nông dân, công nhân, bác sĩ, nhà giáo, kỹ sư…Thị trường nông thôn tiêu thụ trên 70% tổng lượng thuốc lá tiêu thụ trên thị trường.
 
Mặc dù Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới có hiệu lực đã được 10 năm nhưng vẫn còn trên 10 quốc gia thành viên (hiện có 193 quốc gia) của WHO chưa phê duyệt, trong khối ASEAN có Indonesia chưa phê duyệt công ước. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt công ước này từ năm 2004.
 
Lâm Đồng cũng là tỉnh tích cực tham gia chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, chính sách của các quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá: Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của mỗi quốc gia đưa ra chưa đủ mạnh để triệt hạ ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá. Hơn nữa, tuy Luật này đã được ban hành nhưng việc giám sát và thực hiện chưa nghiêm minh. Hiện nay, thuế và giá thuốc lá ở một số quốc gia còn rất thấp, chưa gây khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá cũng như người sử dụng thuốc lá. Tình trạng này cũng đang xảy ra ở Việt Nam.
 
Quan hệ hợp tác trong phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có sự liên kết giữa các quốc gia, giữa các tổ chức phi chính phủ trên thế giới cũng như các tổ chức xã hội trong mỗi nước đồng thuận trong việc chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá. Đây cũng là một trong những nhân tố thuận lợi cơ bản của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, các biện pháp của các tổ chức này chưa đủ mạnh. Đa số ý kiến của cộng đồng ủng hộ Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá vì họ đã hiểu được những tác hại của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người đang sử dụng thuốc lá chưa đồng thuận ngay với chương trình này, nhất là những người nghiện thuốc lá, những người chủ chốt trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, và những người tham gia vào hệ thống lưu thông phân phối thuốc lá. Vì vậy chương trình gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu công bố về số người sử dụng thuốc lá, những tác hại của thuốc lá đến sức khỏe của con người, những thiệt hại về kinh tế - xã hội do sử dụng thuốc lá, việc sản xuất và tiêu thụ thuốc lá nhưng những nghiên cứu liên quan đến ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá còn chưa nhiều nên chưa đưa ra được những khuyến cáo thiết thực giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những biện pháp cứng rắn nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp không đáng có này.
 
Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, tuyên truyền về Công ước khung kiểm soát thuốc lá của WHO, về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các quốc gia đã có tác dụng rất lớn trong việc đẩy lùi nạn dịch thuốc lá. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa đủ mạnh và rộng để bao phủ hết toàn cộng đồng, chưa làm thức dậy làn sóng phản đối thuốc lá trên toàn thế giới.
 
Năng lực của Chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều hạn chế, khó khăn cả về lượng và chất. Số nhân lực tham gia chương trình còn quá ít, phần lớn là kiêm nhiệm. Năng lực lãnh đạo quản lý điều hành chương trình cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật để phòng chống tác hại của thuốc lá còn hạn chế. Mặt khác, tài chính chi cho chương trình này cũng còn khá khiêm tốn là một trong những thách thức đối với chương trình này. 
 
Ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá với thế mạnh về tài chính thu được từ lợi nhuận sản xuất thuốc lá, họ đã tìm mọi cách để can thiệp vào các cơ quan của chính phủ, can thiệp vào việc xây dựng luật để có lợi cho họ. Họ cũng áp dụng nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mại về thuốc lá, tiến hành tài trợ núp bóng dưới nhiều hình thức nhân đạo khác nhau, chính việc quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các hãng sản xuất thuốc lá cũng góp phần tác động rất mạnh đến vấn đề nghiện hút thuốc lá của nhiều thế hệ. 
 
TS-BS Nguyễn Văn Luyện
(GÐ Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Lâm Ðồng)