Những ngày theo Ðoàn công tác trên chuyến tàu HQ561 đến tuyến phía Nam chúc Tết các chiến sỹ Trường Sa, tôi thật sự ấn tượng với những chiến sỹ trẻ mới tuổi mười tám, đôi mươi nhưng đã vững chãi "đi về phía biển" để làm nhiệm vụ ở các quần đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa.
[links()]
Những ngày theo Ðoàn công tác trên chuyến tàu HQ561 đến tuyến phía Nam chúc Tết các chiến sỹ Trường Sa, tôi thật sự ấn tượng với những chiến sỹ trẻ mới tuổi mười tám, đôi mươi nhưng đã vững chãi “đi về phía biển” để làm nhiệm vụ ở các quần đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong số họ, ngoài những thanh niên nông thôn là những thanh niên thành thị, quen với nhịp sống sôi động, phố xá tấp nập nhưng cũng đã xung phong nhập ngũ, nhận nhiệm vụ ở vùng đảo xa.
|
Các chiến sỹ trẻ đọc thư của đất liền. Ảnh: Diễm Thương |
Ðảo là nhà, biển là quê hương
Vừa đặt chân lên đảo Trường Sa, binh nhất Nguyễn Hoàng Tây đã vội vã bám theo các chiến sỹ và chỉ huy Cụm chiến đấu số 3 để được hướng dẫn chỗ nghỉ ngơi, nơi ăn chốn ở và nhận nhiệm vụ mới. Hỏi Tây về cảm nhận đầu tiên khi đặt chân lên đảo, cậu lính trẻ vừa tròn 20 cười hiền bộc bạch: “Trước khi đi cũng lo lắng chuẩn bị đủ điều nhưng vừa đến đây em đã thấy rất thích nơi này. Giữa biển, xa đất liền nhưng cây cối xanh và đẹp quá. Các anh trong đơn vị cũng nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo em một cách chân tình như những người anh lớn trong gia đình nên em cảm thấy rất ấm lòng. Lần đầu ra đảo và là lính mới nhưng đã có gì đó rất thân thuộc, như là gia đình chị ạ”.
Sinh ra ở vùng đất võ Bình Định, tuổi thơ của Tây lớn lên với những câu chuyện hào hùng của dân tộc qua lời kể của bà, những bài giảng lịch sử của thầy cô và cả trong những câu chuyện mà Tây rất thích đọc về quần đảo Trường Sa. Chàng trai đất võ tâm sự với tôi rằng, cậu luôn muốn sống thật ý nghĩa và muốn được làm điều gì đó hữu ích cho quê hương, đất nước. Tây kể: “Từ khi học lớp 10 em đã ấp ủ dự định sẽ thi vào đại học quân sự để được đứng vào hàng ngũ của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, khi kết thúc chương trình THPT vào năm 2014, ước mơ ấy của em không thành hiện thực. Giấc mơ đại học quân sự không thành, đến năm 2016, khi địa phương tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, em đã tự nguyện viết đơn đăng ký nhập ngũ và đã trúng tuyển. Em lại càng cảm thấy thật vinh dự khi được ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa”.
Khác với Tây, chiến sĩ Châu Minh Phong là thanh niên quê ở thành phố mang tên Bác. Tôi gặp Phong khi cậu đang mân mê trái mù u vừa lượm được trên sân đảo: “Không ngờ cây mù u vốn chỉ sống ở miền Nam mà cũng sống được ở vùng chỉ có sỏi và đá, thời tiết khắc nghiệt của Trường Sa. Đảo Trường Sa trong trí tưởng tượng của em là vùng đảo hoang vu nhưng khi lên đảo em thật sự bất ngờ. Một Trường Sa xanh tươi và thân thiện quá đỗi so với tưởng tượng của em. Em sẽ xem đảo là nhà, biển cả là quê hương để sống và yêu thương hết lòng”.
|
Nguyễn Hoàng Tây và Châu Minh Phong với nhiệm vụ đầu tiên của đời lính đảo - dọn dẹp Vườn hoa thanh niên. Ảnh: D.Thương |
Yêu thương và dâng hiến
Buổi sinh hoạt đơn vị ở Cụm chiến đấu số 3 đảo Trường Sa chiều hôm ấy như rộn ràng, ấm áp hơn thường ngày bởi luôn vang lên những lời hỏi han ân cần của những chiến sỹ cũ dành cho những “tân binh”, những cái vỗ vai động viên thân thương và cả những lời dặn dò, lưu ý về kỷ luật ở đảo trao nhau đầy ân tình.
Mặc dù các chiến sĩ mới đã có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trong đất liền, được huấn luyện, đào tạo bước đầu nhưng khi ra đảo họ vẫn là lính mới tinh, không tránh khỏi bỡ ngỡ với điều kiện sinh hoạt đặc thù ở nơi chỉ có bốn bề là biển cả và luôn phải sẵn sàng chiến đấu 24/24. Để các em trưởng thành, bản lĩnh hơn, Trung tá Đinh Văn Lương, Chính trị viên Cụm chiến đấu số 3, đảo Trường Sa cho biết, đơn vị sẽ tiến hành hướng dẫn cách đi đứng, chào hỏi. Bên cạnh đó, tập trung giáo dục cho chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, nhân cách đạo đức chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ. Sau đó thì sẽ phân công cho các em những nhiệm vụ cơ bản trước để các em làm quen và hòa nhập với môi trường mới. Đặc biệt là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì tâm thế sẵn sàng chiến đấu là điều mà tất cả các chiến sỹ dù cũ hay mới ở đảo Trường Sa phải luôn phải đặt lên hàng đầu.
Cũng đã trải qua những ngày trên đảo, tôi biết, điều kiện sống ở đây không thể so với đất liền, nhưng tất cả cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều đang sống vì Tổ quốc. Họ biết rằng, tình cảm của những người dân Việt đối với biển đảo nói chung và chiến sĩ nơi đảo xa nói riêng là vô bờ bến. Đó chính là động lực lớn giúp các chiến sỹ ở đây luôn vững tay súng để bảo vệ vùng biển quê hương. Vượt qua những cảm xúc bỡ ngỡ của cá nhân, các chiến sỹ trẻ Trường Sa cũng đang nỗ lực để hòa nhập và sẵn sàng làm nhiệm vụ nơi vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi tin vào điều đó bởi tôi đã bắt gặp trên gương mặt hiền khô của binh nhì Nguyễn Hoàng Tây một ánh mắt sáng rực khi kể về lý tưởng, ước mơ và niềm tự hào được ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa; trong giọng nói chân thành của tân binh vừa tròn tuổi 18 Châu Minh Phong là tình yêu to lớn dành cho quê hương...
|
Buổi sinh hoạt với các chiến sỹ mới ở Cụm chiến đấu số 3, đảo Trường Sa. Ảnh: D.Thương |
Ngày chia tay tôi về lại đất liền, Tây nói đầy quyết tâm: “Trong thời gian huấn luyện trước khi ra đảo, em cũng được nghe kể về những khó khăn, gian khổ của những người lính đảo nhưng em chưa từng nghĩ sẽ lùi bước. Mới ra đây thôi nhưng em đã được nghe một số câu chuyện về tinh thần sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng biển của quê hương. Điều đó càng tiếp thêm cho em sức mạnh và ý chí kiên cường để phụng sự Tổ quốc”.
Và ở đảo, vẫn còn nhiều lắm những câu chuyện của những người lính trẻ đang âm thầm lặng lẽ cống hiến tuổi thanh xuân, nắm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ bình yên cho vùng biển đảo quê hương. Chính họ là những người “đã đi không tiếc đời mình” bởi trong suy nghĩ của những chàng trai trẻ ấy “ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”.
DIỄM THƯƠNG