Nhịp sống cao nguyên

08:01, 19/01/2017

Có một nhịp sống mới đang hiện hữu ở miền sơn nguyên này. Nhịp sống ấy đến từ những người trẻ K'Ho trong Đội văn nghệ thôn 2A (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, Lâm Đồng), mà trong một lần điền dã về đây tôi đã vô tình bắt gặp. 

Có một nhịp sống mới đang hiện hữu ở miền sơn nguyên này. Nhịp sống ấy đến từ những người trẻ K’Ho trong Đội văn nghệ thôn 2A (xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, Lâm Đồng), mà trong một lần điền dã về đây tôi đã vô tình bắt gặp. 
 
Một tiết mục múa của Đội văn nghệ thôn 2A. Ảnh: T.Chu
Một tiết mục múa của Đội văn nghệ thôn 2A. Ảnh: T.Chu

Hôm ấy, trời mưa tầm tã. Con đường đất trong thôn sũng ướt trông rất thê thảm. Tôi vội kéo cái mũ của chiếc áo khoác lên trùm đầu cho đỡ lạnh rồi co ro nghĩ vậy là mất toi một ngày điền dã vì chẳng thể “moi” được cái gì để viết. Mọi việc bắt đầu thay đổi khi thời gian trôi về khuya và cơn mưa ngớt dần. Một top khoảng 15 người lỉnh kỉnh trong những bộ áo đi mưa tụ về căn nhà nhỏ của vợ chồng anh K’Tân và chị Ka Trim say theo những động tác múa sôi động đặc trưng của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Tôi ngó nhanh thời gian hiện trên chiếc điện thoại và biết lúc bấy giờ đã là 21 giờ. 
 
Chị Ka Phíp (34 tuổi), biên đạo múa (cứ tạm gọi là vậy vì công việc của chị cũng gần giống với công việc của một biên đạo múa) của Đội văn nghệ thôn 2A, lấy smartphone lướt lướt tìm tìm gì đó trên mạng Internet và chỉ trong chốc lát âm thanh cồng chiêng đã được trỗi lên. Thế rồi, trên cái nền âm nhạc ấy, những vũ điệu đầy bản năng khát sống thi nhau phô diễn. Thấy thế, tôi thoáng giật mình vì sợ rằng, cái kiểu dùng “máy trộn computer” làm nhạc nền cho những điệu múa dân gian e không ổn. Múa dân tộc sao có thể thiếu cồng chiêng, lửa rừng? Như vậy, tác phẩm múa có xa lạ với thẩm mỹ, phong tục, tập quán, truyền thống của tộc dân gốc không? “Sử dụng âm nhạc điện tử hay dùng các thiết bị số để thu phát âm nhạc cồng chiêng không phải bây giờ mới có trong cộng đồng người K’Ho. Từ lâu, người K’Ho đã biết đến những tác phẩm múa đương đại trong nước và trên thế giới thông qua mạng Internet. Nhiều tác phẩm trong số đó đã được người K’Ho tập luyện và biểu diễn khi có sự kiện, như: giáo xứ tổ chức văn nghệ, xã tổ chức hội diễn, huyện tổ chức hội thi...”, chị Ka Phíp cho biết. 
 
Theo chị Ka Phíp, tiếp biến văn hóa là việc cần phải làm. Tuy nhiên, tiếp biến và chuyển hóa ra sao, liều lượng như thế nào thì lại phụ thuộc vào tài năng cùng nền tảng văn hóa của chủ thể để nó không bị quá đà, gây phản cảm.
 
Tôi hiểu những gì chị làm và nói. Sống trong thời đại công nghệ, không ai còn thủ cựu để cho rằng những người trẻ K’Ho này đang xa rời văn hóa truyền thống. Thậm chí, tôi coi đó là cách thức giữ gìn văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất. Giữ gìn bằng cách phát triển. Miễn sao văn hóa ấy phù hợp với căn tính dân tộc. “Chúng ta có thể phối hợp các dòng múa cổ điển châu Âu, múa đương đại, dance sport, hiphop... với múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam để tạo ra những tác phẩm mang hơi thở thời đại được không? Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể. Nếu người biên đạo biết lựa chọn, sử dụng cho đúng với tinh thần, tình cảm của dân tộc, đúng với thẩm mỹ dân tộc”, chị Ka Phíp chia sẻ. 
 
“Hiện nay, tìm được một đội cồng chiêng để cùng tham gia tập luyện là rất khó khăn. Ngay cả trang phục biểu diễn chúng tôi còn phải đi thuê nữa là. May mà có mạng Internet. Những gì cần cho một tiết mục múa dân gian dân tộc K’Ho thì đã có sẵn trên mạng cả rồi”, chị Ka Trim (36 tuổi) thật lòng. 
 
Sự thiếu vắng nhạc cụ cùng nghệ nhân đánh cồng chiêng khiến mạng Internet trở thành “từ khóa” cho mọi vấn đề trong múa dân gian K’Ho đương đại. Ngày nay, khi tham gia hội thi hay hội diễn, smartphone vẫn là công cụ hữu hiệu được người trẻ K’Ho sử dụng để vào google rồi gõ bất cứ thứ gì cần tìm kiếm và... enter. Từ những điệu múa có sẵn trên mạng, người trẻ K’Ho đã điều chỉnh cốt sao cho điệu múa của dân tộc mình hay hơn, hấp dẫn hơn và mang tính thời thượng hơn. 
 
Qua việc người K’Ho tìm kiếm, học hỏi trên mạng Internet những điệu múa của dân tộc khác, nước khác rồi chuyển hóa sang một ngôn ngữ biểu đạt mới mang đúng điệu thức dân tộc mình là một thay đổi mang tư duy đột phá. Nó là sự thay đổi nên có và nên xảy ra. Mục đích của sự đổi thay trên không gì khác ngoài việc làm bệ phóng cho tư duy trong thế giới phẳng. Bởi, theo cách lý giải của chị Ka Hoa (22 tuổi): “Cái mới có sức hấp dẫn của cái mới. Truyền thống lại có hấp lực riêng của truyền thống. Thực ra, làm mới cái cũ chưa bao giờ là phủ định truyền thống. Suy cho cùng, giữa cái mới và cái cũ luôn có sự bồi đắp, tương tác để cùng phát triển”. 
 
Tinh thần xác quyết này lộ rõ trong cái cách người K’Ho đến với nhau bất kể ngày mưa hay ngày nắng, ban đêm hay ban ngày và nó trở thành sự cố kết cộng đồng đầy trách nhiệm trong việc giữ gìn cũng như phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. 
 
TRỊNH CHU