Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này vào ngày 23/7/2012. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013...
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật này vào ngày 23/7/2012. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, cho đến nay, đa phần người dân kể cả cán bộ cũng thi hành luật còn rất hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn sử dụng hàng ngày là do họ không hiểu biết về tác hại của thuốc lá, một số tuy có hiểu phần nào nhưng do bị nghiện hoặc do thói quen. Chính vì những lý do trên nên công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện Quyết định số 229/QĐ -TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2020”, tỉnh Lâm Đồng đã từng bước triển khai các nội dung của chiến lược trên. Từ năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL Trung ương, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL do 1 đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm Phó Ban Thường trực, đồng chí Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Lâm Đồng (TT- GDSK) làm Thư ký và các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh làm thành viên.
Hàng năm, Ban chỉ đạo đã triển khai kế hoạch hoạt động và giao cho Trung tâm TT-GDSK làm đầu mối phối hợp với Quỹ PCTHTL Trung ương triển khai các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Trung tâm TT-GDSK đã tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức các cuộc mít tinh diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc 25 - 31/5, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các bệnh viện, trạm y tế các phường, xã trong tỉnh phát các thông điệp PCTHTL để mong tiếp cận được nhiều với người dân và xây dựng các phóng sự để tuyên truyền các hoạt động PCTHTL. Trung tâm TT - GDSK còn phối hợp với Báo Lâm Đồng để mở các chuyên trang về PCTHTL và Trung tâm còn sản xuất các tài liệu truyền thông như pano, áp phích, tờ rơi, biển cấm hút thuốc lá để cấp cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế trong ngành. Tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng về Luật PCTHTL, những kiến thức về tác hại của thuốc lá và thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Ngành Y tế Lâm Đồng giao cho Trung tâm TT-GDSK phối hợp với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức hội thi cho đoàn viên, thanh niên về PCTHTL. Trung tâm TT-GDSK còn tham mưu cho Ban chỉ đạo của tỉnh thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị và ban, ngành trong tỉnh.
Tuy nhiên, những hoạt động trên chưa thể đáp ứng được với tình hình diễn biến phức tạp của việc kinh doanh và sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh rất cần sự tham gia vào cuộc hơn nữa của toàn hệ thống chính trị. Các cấp ủy Đảng cần đưa nội dung PCTHTL vào Nghị quyết; các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cần đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hàng năm. Các sở, ngành, đoàn thể phải là hạt nhân trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên và người dân tham gia thực hiện Luật PCTHTL. Cơ quan Công an, chính quyền các cấp, Sở Công thương phải là cơ quan nòng cốt trong việc duy trì luật pháp, cũng như xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh và sử dụng thuốc lá. Cơ quan Y tế phải gương mẫu trong việc thực thi Luật PCTHTL cũng như tuyên truyền tác hại của thuốc lá để người dân hạn chế sử dụng và tuyên truyền về lợi ích của môi trường không khói thuốc lá. Làm tốt công tác PCTHTL sẽ góp phần thiết thực vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Phường 3, Ðà Lạt: Bắt buộc chấp hành nghiêm không hút thuốc lá tại công sở
Bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy phường 3, Đà Lạt cho biết: Công tác tuyên truyền Luật PCTHTL đã được lồng ghép trong các cuộc họp; đưa tiêu chí không hút thuốc lá vào tiêu chí đánh giá CBCCVC - NLĐ. Đặc biệt, trong các cuộc họp của phường không hút thuốc lá, kể cả giải lao. Treo bảng cấm hút thuốc ở công sở, phòng họp, hội trường, trong phòng làm việc, không trang bị gạt tàn thuốc. Quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc ở phường 3 từ việc nêu cao tự giác đã chuyển sang bắt buộc vì đã đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua, trường hợp nào vi phạm sẽ được nhắc nhở.
Kết quả bước đầu có 100% CBCCVC - NLĐ với 44 người đang công tác tại phường 3, Đà Lạt (Đảng ủy - UBND - HĐND - Mặt trận và các đoàn thể) có chuyển biến về nhận thức và chấp hành nghiêm việc không hút thuốc lá tại công sở. Tỉ lệ hút thuốc trong CBCCVC - NLĐ đã giảm 80%, một số cán bộ lãnh đạo đã bỏ thuốc lá.
Trong thời gian tới, phường 3, Đà Lạt sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về tác hại của thuốc lá và triển khai tại các tổ dân phố thực hiện nghiêm Luật PCTHTL.
Cục Thống kê Lâm Ðồng: Tình hình PCTHTL có chuyển biến
Ông Hồ Trung Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Thống kê LĐ, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cục Thống kê LĐ cho biết: “Bản thân tôi đã bỏ hút thuốc lá được 16 năm vì lý do sức khỏe. Tại cơ quan có 37 CBCNVC - NLĐ chấp hành tốt việc không hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhiều người đã bỏ thuốc lá thành công; hiện cơ quan chỉ còn vài người hút thuốc cũng đã có ý thức hơn, tránh hút thuốc nơi đông người, làm ảnh hưởng đến người khác. Tôi nhận thấy việc thực hiện Luật PCTHTL có chuyển biến từ trong gia đình đến xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động PCTHTL trong thời gian tới”.
DH (ghi)
|
TS NGUYỄN VĂN LUYỆN