Trong nhiều năm nay, Giáo dục Di Linh đã có những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Ở thời điểm này, huyện đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới.
Trong nhiều năm nay, Giáo dục Di Linh đã có những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn. Ở thời điểm này, huyện đang tích cực chuẩn bị cho năm học mới.
|
Mẫu giáo Sơn Điền - xã vùng sâu của Di Linh đang được xây dựng với tổng kinh phí 8 tỷ đồng. Ảnh: N.Brừm |
Theo ông Phan Đình Đồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Di Linh, ngay trong đầu hè, Phòng đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thuộc Phòng quản lý tích cực tu sửa cơ sở vật chất, nâng cấp cảnh quan sân trường để chuẩn bị cho năm học mới 2017 - 2018 đang đến.
Cùng đó, vì là huyện có đông đảo học sinh người dân tộc thiểu số nên ngay từ đầu hè, Phòng Giáo dục Di Linh yêu cầu các trường học tại các xã có học sinh dân tộc thiểu số phải mở các lớp tăng cường tiếng Việt trong hè. Đến nay, Di Linh đã mở tổng cộng 33 lớp tăng cường tiếng Việt cho 867 học sinh người dân tộc thiểu số theo học. Các trường học trong hè cũng đã tổ chức các lớp ôn tập văn hóa cho học sinh có học lực yếu cũng như mở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi.
Để bổ sung đội ngũ giáo viên của huyện, trong hè, Phòng GDĐT Di Linh cũng mở cuộc thi tuyển giáo viên nhằm tuyển 330 chỉ tiêu cho năm học 2017 - 2018.
Những năm gần đây, Di Linh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.
Với bậc học mầm non, mạng lưới trường lớp theo Phòng GDĐT huyện cho biết, đến nay đã phủ đều trên 19/19 xã, thị trấn của huyện. Tất cả các trường mầm non trên địa bàn đều thực hiện bán trú, có y tế trường học, có chương trình sữa học đường; hầu hết đều nỗ lực cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh nhằm giảm tỷ lệ trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng, nhất là trong các xã vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Di Linh cho đến nay thực hiện khá tốt việc huy động trẻ ra lớp cũng như chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các xã khó khăn. Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ được thực hiện thường xuyên và khá hiệu quả. Trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, hầu hết trong gần 2.100 cháu người dân tộc thiểu số học tại các trường mẫu giáo, mầm non đều có khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày.
Trong bậc tiểu học, Phòng chỉ đạo thực hiện khá hiệu quả các nội dung đổi mới giáo dục tiểu học, đồng thời xây dựng các trường tiểu học điểm để nhân rộng các hoạt động chuyên môn. Huyện cũng thực hiện tốt việc dạy học tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục ở 25 trường, đồng thời mở rộng việc dạy và học tiếng Anh theo đề án cùng tiếng Anh tự chọn.
Với bậc THCS, điểm nổi bật của Di Linh trong năm học qua chính là việc triển khai rộng cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh đến tất cả các trường học trên địa bàn. Tổng cộng có 49 dự án của 23 trường trong toàn huyện dự thi giải cấp huyện, tăng gần gấp đôi so với năm học trước, trong đó có cả các trường vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn như Sơn Điền, Gia Bắc, Đinh Trang Thượng. Trong 3 dự án của huyện tham gia cấp tỉnh có 2 dự án được giải.
Phòng GDĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tùy thuộc điều kiện cơ sở vật chất của mình, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cao nhất có thể. Năm học 2016 - 2017 vừa qua, Di Linh có 24 trường tiểu học và 2 trường THCS thực hiện dạy 2 buổi/ngày với trên 12.000 học sinh.
Theo ông Phan Đình Đồng, Phòng cũng chú ý nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của huyện thông qua các đợt bồi dưỡng thường xuyên hằng năm, qua các chuyên đề, hội giảng, thao giảng, thi tay nghề; khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao trình độ. Trong tổng số 1.980 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đánh giá theo chuẩn trong năm học vừa qua có 743 người đạt xuất sắc, 1.207 người đạt khá.
Nhiều nhiệm vụ được đặt ra cho năm học đến, trong đó Di Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn; nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường học tập thuận lợi để thu hút học sinh đến trường, làm tốt công tác duy trì sĩ số, chống bỏ học, nhất là trong các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
GIA KHÁNH