Tấm lòng cô giáo chủ nhiệm vùng sâu Cát Tiên

09:08, 14/08/2017

13 năm đi dạy, 10 năm làm chủ nhiệm, cô luôn nỗ lực hết mình. Ở đâu học trò trong lớp cũng thương mến cô và chưa có học sinh nào trong lớp cô phụ trách bỏ học giữa chừng.  Đó là cô giáo Phạm Thị Lệ Hằng, dạy Sinh - Hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh của Trường Trung học cơ sở (THCS) Phước Cát 1 trong vùng sâu Cát Tiên. 

13 năm đi dạy, 10 năm làm chủ nhiệm, cô luôn nỗ lực hết mình. Ở đâu học trò trong lớp cũng thương mến cô và chưa có học sinh nào trong lớp cô phụ trách bỏ học giữa chừng.  Đó là cô giáo Phạm Thị Lệ Hằng, dạy Sinh - Hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh của Trường Trung học cơ sở (THCS) Phước Cát 1 trong vùng sâu Cát Tiên. 
 
Cô giáo Phạm Thị Lệ Hằng. Ảnh: V. Trọng
Cô giáo Phạm Thị Lệ Hằng.
Ảnh: V. Trọng
Sinh 1981, cô Hằng người gốc Bình Định nhưng theo cha mẹ vào Cát Tiên lập nghiệp từ thưở nhỏ nên coi nơi đây cũng là quê hương của mình. Chính vì vậy, khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 2004, cô xin về lại Cát Tiên dạy học. Cô dạy 6 năm ở Trường THCS Đức Phổ trước khi chuyển về THCS Phước Cát 1 hiện nay. Học trò cô dạy hằng ngày tại trường, dù là ở Đức Phổ hay ở Phước Cát 1 đều là học sinh nông thôn, “rất thuần tính, rất lễ phép, dễ dạy, biết thương yêu thầy cô bạn bè, nhưng nhiều em có hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, để các em đến được lớp hằng ngày là một nỗ lực rất lớn” - cô Hằng nói.
 
Lớp cô chủ nhiệm trong năm học vừa rồi trong tổng số 27 em thì  đã có 16 em là người Tày, Nùng - một con số bình thường trong một ngôi trường vốn có đến trên 40% học sinh là người dân tộc thiểu số học tập. Nhưng điều đáng nói, không chỉ 16 em này mà rất nhiều học sinh còn lại trong lớp đều có hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn không kém.
 
 “Phần lớn gia đình người dân trong xã đều làm nông, trồng điều nên thu nhập hằng năm không nhiều, công việc bận rộn quanh năm, năm rồi điều lại thất bát nên nhiều gia đình phải đi làm ăn xa, để con cái ở nhà cho ông bà, người thân chăm nom nên ít có điều kiện để tâm đến chuyện học của các cháu. Riêng các gia đình đồng bào thiểu số Tày, Nùng nhiều người đông con, các em lớn một chút phải làm giúp cha mẹ chuyện ngoài đồng lẫn trong nhà, ít có thời gian học tập. Thậm chí có gia đình còn rất xem nhẹ việc học, cho rằng có đi học cũng được mà không đi học cũng không sao” - cô Hằng tâm sự.  
 
“Như một người mẹ, phải yêu thương các em, vừa dạy vừa dỗ, thấy các em có biểu hiện lạ như học hành lơ đễnh, không mang sách vở đến lớp, lo lắng hay sợ hãi điều gì… là phải tìm hiểu ngay, không tiện nói chuyện tại lớp thì hẹn các em gặp mình sau giờ học, nếu cần thì đến nhà các em” - Cô Phạm Thị Lệ Hằng cho biết. 
Để vận động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số, ngay đầu năm học, cô Hằng thường thu xếp thời gian để đến tận từng nhà, nói chuyện với người thân trong gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh từng em: “Coi như là đi thăm nhà, nhưng thông qua đó hiểu được nhiều thứ, biết được hoàn cảnh sống của từng em trong lớp, biết em cần gì, thích gì; các em có thiếu thốn gì không để tìm cách giúp đỡ các em một cách thiết thực và cụ thể”. Đó cũng là cơ hội để cô có dịp trò chuyện với gia đình các em về ý nghĩa của việc học, tạo dựng mối quan hệ và duy trì trong năm học; vận động gia đình tạo điều kiện cho các em đến lớp hằng ngày.
 
Cùng đó, cô tranh thủ thời gian sau giờ lên lớp để trò chuyện cùng học sinh. “Học sinh thấy mình biết lắng nghe sẽ trao đổi, tâm sự với cô giáo. Trong khi lắng nghe, phải tìm cách động viên, khích lệ, tạo động lực cho các em tin vào việc học, tin vào tương lai tươi sáng phía trước” - cô nói.
 
Để duy trì được sĩ số lớp, chống bỏ học, theo kinh nghiệm của cô Hằng, giáo viên chủ nhiệm chẳng có “bí quyết” nào ngoài việc phải thật sâu sát với lớp mình phụ trách. 
 
Với những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cô Hằng phối hợp với nhà trường để giúp các em áo quần, sách vở, dụng cụ học tập; với những em học yếu, cô phân công bạn học khá trong lớp kèm cặp, giúp đỡ. Có rất nhiều trường hợp cô đã đưa học sinh của mình - như một người thân, ra chợ mua vải may áo quần cho các em, cùng các em đi chọn mua dép cho vừa chân. Tiền giúp đỡ phần lớn từ Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo của trường nhưng cũng có  trường hợp cô bỏ tiền túi ra giúp đỡ. 
 
Dù thương yêu học sinh nhưng cô cũng rất nghiêm khắc với các trường hợp lơ là, bỏ học, không chịu học. “Cần nghiêm để làm gương cho các em khác còn lại chứ mình dễ quá cũng không được” - cô bảo.
 
Cho đến nay, sau 10 năm làm chủ nhiệm, cô Hằng cho biết, dù dạy học trong vùng sâu đầy khó khăn với rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số, nhưng trong lớp cô chủ nhiệm chưa có một học sinh nào bỏ học giữa chừng.
 
Dạy học bằng nhiệt huyết và cả tấm lòng, cô Hằng luôn nuôi dưỡng những điều căn bản ấy trong từng ngày lên lớp và các thế hệ học trò nơi vùng sâu này đang rất cần những tấm lòng như thế.      
 
VIẾT TRỌNG