Tác động và ứng phó

08:10, 04/10/2017

Với vị trí rừng đầu nguồn của hệ thống sông Krông Nô (một chi lưu của sông Srêpok - Mêkông) và sông Ðồng Nai - La Ngà, địa bàn tỉnh Lâm Ðồng vừa tác động, vừa ảnh hưởng không nhỏ về biến đổi khí hậu cả khu vực rộng lớn, từ Tây Nguyên đến vùng Ðông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.  

Lâm Ðồng là tỉnh khu vực Tây Nguyên, nằm giữa tọa độ địa lý từ 11º12’30” - 12º26’00” vĩ độ Bắc và 107º15’00” - 108º45’00” kinh độ Ðông. Với vị trí rừng đầu nguồn của hệ thống sông Krông Nô (một chi lưu của sông Srêpok - Mêkông) và sông Ðồng Nai - La Ngà, địa bàn tỉnh Lâm Ðồng vừa tác động, vừa ảnh hưởng không nhỏ về biến đổi khí hậu (BÐKH) cả khu vực rộng lớn, từ Tây Nguyên đến vùng Ðông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ.  
 
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến BĐKH mạnh là do xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: M.Ð
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến BĐKH mạnh là do xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: M.Ð

Từ một vài diễn biến tác động 
 
Lâm Đồng có độ cao trung bình từ 800 m đến 1.000 m so với mặt nước biển. Địa hình tương đối phức tạp, chủ yếu là bình sơn nguyên, núi cao kết hợp với những thung lũng nhỏ đã tạo nên những yếu tố tự nhiên khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, thực vật, động vật, và những cảnh quan kỳ thú cho Lâm Đồng. Chính vì thế BĐKH tác động mạnh mẽ đến Lâm Đồng về yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, tần suất mưa, và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Là một trong những địa phương tích cực trong việc quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, đứng trước nguy cơ ảnh hưởng và cảnh báo về BĐKH, Lâm Đồng luôn xem việc nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng và tác động của BĐKH là nhiệm vụ cần được quan tâm. 
 
Đa dạng sinh học (ĐDSH) đặc biệt nhạy cảm với BĐKH. Suy giảm ĐDSH và BĐKH toàn cầu đã trở thành hai vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, có tác động lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sự phát triển của con người. Trong bối cảnh BĐKH, các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao các loài sinh vật. Nhiều loài động thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán, mưa bão diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống bị tác động của BĐKH. Nguồn phát thải khí nhà kính ở địa phương tại Lâm Đồng có thể kể đến từ các lĩnh vực như: nông nghiệp; các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ, giao thông và sinh hoạt; sử dụng đất; công nghiệp; quản lý, xử lý chất thải đô thị... 
 
Thực tế thời gian qua, địa bàn Lâm Đồng đã biểu hiện những diễn biến biến đổi các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, tần suất mưa, và các hiện tượng thời tiết cực đoan). Ví dụ, trong giai đoạn 2011 - 2015, tại các đài khí tượng của tỉnh ghi nhận được sự gia tăng về nhiệt độ trung bình và lượng mưa qua các năm. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn do BĐKH gây ra. Điển hình nhất trong năm 2010, hạn hán xảy ra trong vụ Hè Thu tại 4 xã, thị trấn ở huyện Đạ Tẻh với diện tích bị thiệt hại trên 75% và mất trắng là 262,5 ha...
 
Tại Đà Lạt, nhiệt độ trung bình trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2010 là 18,23ºC; trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2014 là 18,3ºC; từ 2012 đến 2014, nhiệt độ có xu hướng giảm qua từng năm. Theo Báo cáo Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Lâm Đồng năm 2012, nhiệt độ trung bình năm ở Bảo Lộc từ 1980 đến 2011 có xu thế tăng với tốc độ khoảng 0,020ºC/năm. Tại Đà Lạt, lượng mưa đang có xu hướng tăng qua các năm. Lượng mưa trung bình năm ở Đà Lạt trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2011 có xu thế tăng với tốc độ 4,489 mm (nguồn Báo cáo Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Lâm Đồng năm 2012). Cũng từ nguồn này, lượng mưa trung bình năm ở Liên Khương trong cả giai đoạn từ 1980 đến 2011 có xu thế tăng, tốc độ tăng khoảng 0,69 mm/năm...
 
Ðến nhiều giải pháp đồng bộ 
 
Tóm lại, tác động của BĐKH phủ rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống: nông nghiệp; công nghiệp; năng lượng; giao thông vận tải; du lịch; hệ sinh thái; y tế, sức khỏe cộng đồng;... Nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến mức thấp nhất có thể từ BĐKH là đồng bộ những giải pháp về bảo vệ môi trường, đến bảo tồn ĐDSH; từ quản lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm không khí đến khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên... Mặt khác, tăng cường năng lực ứng phó BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính. 
 
Cụ thể hơn, đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 64/CTr/TU ngày 11/10/2013 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về chủ động ứng phó với biến đổi, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Quyết định 1246/QĐ-UBND ngày 28/06/2013 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, cán bộ lập kế hoạch, cán bộ chuyên trách và các thành phần xã hội về BĐKH, tác động của BĐKH. Mặt khác, thực hiện việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phát triển; rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực cho phù hợp với các kịch bản BĐKH. Xây dựng, tổ chức các chương trình nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với BĐKH, đặc biệt là cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp, dễ bị tổn thương trước các tác động của BĐKH. Nghiên cứu triển khai các giải pháp chống ngập, sạt lở, sụt trượt, cản lũ một số đoạn, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và vùng núi nhằm thích ứng với BĐKH. Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện giao thông vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới, ứng dụng Logicstic trong hoạt động vận tải, cabin điện tử trong đào tạo lái xe; nghiên cứu, ứng dụng thiết bị tự động điều chỉnh công suất nhằm tiết kiệm năng lượng vận tải,…
 
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi nêu lại ý kiến của ông Lương Văn Ngự, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng từng trao đổi với PV Báo Lâm Đồng: Với chủ đề năm 2017 - “Sống hài hòa với thiên nhiên”, con người cần có cách nhìn nhận là phải làm sao sống gần gũi, hài hòa và gắn bó hữu cơ với thiên nhiên. Con người được ưu đãi từ thiên nhiên ban phát, vì vậy, nếu không tôn trọng thiên nhiên thì tất yếu sự ưu đãi đó sẽ mất đi. Con người ứng xử với thiên nhiên thế nào thì thiên nhiên sẽ ứng xử trở lại với con người như thế, nếu tàn nhẫn với thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ tàn nhẫn trở lại, như là một quy luật và quan hệ hữu cơ tất yếu.         
 
MINH ÐẠO