Thênh thang những nẻo đường quê

09:10, 31/10/2018

Lâm Ðồng được coi là một trong những địa phương có chiều dài đường giao thông nông thôn lớn trong cả nước. Ðã bớt nhiều cảnh mùa mưa đi lại khó khăn, đường sá lầy lội, hôm nay, những nẻo đường quê ở Lâm Ðồng đã khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều.
 

Lâm Ðồng được coi là một trong những địa phương có chiều dài đường giao thông nông thôn lớn trong cả nước. Ðã bớt nhiều cảnh mùa mưa đi lại khó khăn, đường sá lầy lội, hôm nay, những nẻo đường quê ở Lâm Ðồng đã khang trang, sạch sẽ hơn rất nhiều.
 
Xây dựng và bảo trì đường giao thông nông thôn. Ảnh: D.Q
Xây dựng và bảo trì đường giao thông nông thôn. Ảnh: D.Q

Là tỉnh có chiều dài rất lớn, dân cư lại sống rải rác, đông đồng bào người dân tộc thiểu số, kinh tế còn nghèo nên phải thừa nhận, trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn của Lâm Đồng là cả một câu chuyện dài, nhất là vào mùa mưa. Chuyện xe máy quấn xích vào bánh để đi lại ở các xã vùng sâu, vùng xa là chuyện không hiếm. 
 
Xuất phát từ điểm khó
 
Theo thống kê của ngành giao thông, trước năm 2010, mạng lưới đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng chiều dài khoảng 6.046,5 km. Đường huyện có tổng chiều dài 713,7 km với 509,6 km mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 71,4%, còn lại 175,1 km đường cấp phối và vẫn còn 29 km đường đất. 
 
Đường huyện còn đường đất, đường xã, phường, thị trấn chỉ khoảng 25% được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, còn lại gần 75% đường cấp phối và 172,5 km đường đất. Trong đó, còn 4 xã chưa có đường nhựa đến trung tâm xã, gồm xã Đưng K’Nớ (Lạc Dương), xã Mỹ Lâm, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) và xã Đan Phượng (Lâm Hà).  Đường thôn, xóm chủ yếu là đường cấp phối và đường đất. 
 
Tương tự, đường giao thông nội đồng gần như chỉ có đường cấp phối và đường đất, mùa mưa việc vận chuyển nông sản rất khó khăn. Hạt cà phê, cây rau, hạt lúa từ cánh đồng về tới chợ là cả một quá trình gian khổ. Theo chiều ngược lại, đưa phân bón, thuốc BVTV vào chăm sóc đồng ruộng cũng vất vả không kém, khiến người nông dân đổ rất nhiều công sức vào khâu vận chuyển.
 
Xấp xỉ 7.400 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn, giúp người nông dân ứng dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp, giúp hạt cà phê, cây rau, cành hoa tới thị trường nhanh chóng, dễ dàng. Và mỗi ngày vẫn có thêm những mét đường tiếp tục được xây dựng, như những “mạch máu” nhỏ nối liền mảnh đất Lâm Đồng.
 
Nhà nước và nhân dân đồng lòng 
 
Xây dựng đường giao thông là chuyện rất khó khăn bởi chi phí lớn, đặc biệt trong điều kiện Lâm Đồng là tỉnh miền núi, địa hình, địa chất tương đối phức tạp. Cư dân còn nghèo, địa bàn cư trú rải rác và một mùa mưa dài khiến việc xây dựng đường giao thông nông thôn khó càng thêm khó. Không thể không nói, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với địa phương để có được những con đường. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự đồng lòng, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 
 
Vốn dành cho giao thông nông thôn từ 2010 tới nay đạt 3.432 tỷ đồng, đã đầu tư khoảng 1.900 km đường, trong đó xây dựng mới 705 km, nâng cấp, sửa chữa 1.200 km; đầu tư làm mới và sửa chữa 85 cầu lớn nhỏ. Ngân sách cấp 2.688 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 331 tỷ đồng, vốn huy động xã hội 16 tỷ đồng, vốn ODA 129 tỷ đồng và vốn khác là 268 tỷ đồng. Ngoài tiền, nông dân Lâm Đồng chỉ trong 5 năm qua (2013-2018) đã hiến trên 366 ngàn m 2 đất, gần 150 ngàn ngày công lao động để tham gia xây đường, làm cầu cống. Hiến đất làm đường NTM đã trở nên quen thuộc với cư dân nông thôn, nơi bà con sẵn sàng chặt đi hàng cà phê, dỡ hàng rào, thậm chí chặt cả những gốc sầu riêng trị giá hàng chục triệu đồng để thi công. 
 
Lâm Đồng thực hiện nhiều biện pháp mềm dẻo, phù hợp với sức dân để xây dựng đường giao thông. Ở Lạc Dương, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện kể, huyện đi xin các mạnh thường quân xi măng. Những bao xi măng được chuyển trực tiếp cho các xóm có đông bà con dân tộc ít người để bà con tự làm đường. Với cách làm ấy, hàng chục km đường nội thôn, nội xóm đã thay thế những con đường đất bụi mù mùa nắng và lầy lội mùa mưa. Còn với các địa phương khác, những công thức như 50 - 50, 30 - 70, Nhà nước hỗ trợ 50%, 30%, dân đóng góp số còn lại để làm đường là chuyện diễn ra mỗi ngày. 
 
Từ Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Cát Tiên…, mỗi mét đường đều đánh dấu công sức của Nhà nước và nhân dân. Những con đường dài từng bước một, không nóng vội, theo đúng quyết tâm của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng: “Chúng ta xây dựng NTM phải lựa sức dân, sức tỉnh, không vượt quá khả năng, không nợ nần”. 
 
Thênh thang trên những nẻo quê, Lâm Đồng đang rộng cửa đón một nông thôn mới hiện đại và đầy sức sống.
 
DIỆP QUỲNH