Facebook… về buôn !

02:11, 26/11/2018

(LĐ online) - Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, buôn làng của người K'Ho đã không còn như xưa. Facebook giờ đã về buôn và đem lại không ít lợi ích cho bà con trong buôn làng ở huyện Di Linh.

(LĐ online) - Trong thời đại công nghệ số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, buôn làng của người K’Ho đã không còn như xưa. Facebook giờ đã về buôn và đem lại không ít lợi ích cho bà con trong buôn làng ở huyện Di Linh.
 
Chàng trai K’Brooke thường xuyên cập nhật hình ảnh về việc chăn nuôi, trồng trọt ở buôn làng để đăng tải trên trang “K’Ho Food”
Chàng trai K’Brooke thường xuyên cập nhật hình ảnh về việc chăn nuôi, trồng trọt ở buôn làng để đăng tải
trên trang “K’Ho Food”
Ka Nhìm (xã Gia Hiệp, Di Linh) – một cô cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm phù hợp và quay về buôn làng làm vườn. Sau thời gian tiếp cận với công nghệ và mạng xã hội, Nhìm bèn nghĩ ra ý tưởng bán hàng online bằng chính trang Facebook cá nhân của mình. Vậy là những lúc rảnh rỗi, không phải đi rẫy, cô gái K’Ho lại đăng sản phẩm lên mạng “up date” cho khách xem. Lúc là ít bơ trong vườn nhà, lúc bó rau rừng hay những phôi nấm sạch… “Khách quen dần và bắt đầu đặt hàng nhiều hơn nên mình mở rộng mặt hàng ra nhiều sản phẩm khác nhau. Tính ra công việc này đã đem lại cho mình một nguồn thu nhập nhất định khi không xin việc được bằng tấm bằng cử nhân” – K’Nhìm chia sẻ.
 
Cũng nhờ trang Facebook, công việc kinh doanh cà phê của chàng sinh viên K’Luys (thôn 2, xã Liên Đầm, Di Linh) ngày càng thuận lợi hơn. Dù học ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng… vẫn liên tục truyền tải những hình ảnh và thông tin về sản phẩm cà phê K’Ho của gia đình mình đến khách hàng. Không những thế, anh còn kết giao được với nhiều người bạn ngoại quốc, thỉnh thoảng họ vẫn ghé thăm ngôi nhà nhỏ của gia đình anh kết hợp với việc tìm hiểu về quy trình sản xuất cà phê của buôn làng K’Ho. “Chỉ tính riêng sản phẩm bán online đã được hơn 1 tấn cà phê kể từ đầu năm đến nay. Hiện tôi đang quảng bá hình ảnh cà phê K’Ho ở điểm bán cà hê vỉa hè trên trang của mình và đang được kết quả tích cực” – K’Luys chia sẻ.
 
Sử dụng Facebook bài bản hơn, như là một công cụ tiếp thị và chiến lược kinh doanh, chàng thanh niên K’Brooke (xã Gung Ré, Di Linh) lập hẳn một trang chuyên giới thiệu về đặc sản của dân tộc mình. Từ đó, trang “K’Ho Food” ra đời và đang có được lượt theo dõi đáng ngưỡng mộ lên tới gần 3.500 lượt chỉ sau gần một năm ra đời. Trên trang của mình, K’Brooke liên tục đăng những hình ảnh, bài viết giới thiệu về ẩm thực, văn hoá của bà con trong buôn làng. Đặc biệt là những món ăn đặc trưng như thịt, cá gác bếp, lúa nương hoặc những loại củ quả có tên gọi rất… K’Ho như quả “Play rờ pung”, quả “Ệ oh” cũng được “up date” hàng ngày. Chàng trai K’Brooke chia sẻ: “Những sản phẩm này đều có nguồn gốc từ quê hương buôn làng của mình hoặc người dân thu hái ở những cánh rừng còn sót lại. Khi họ đem về mình đăng giới thiệu và có người đặt mua sẽ bán lại cho khách dùng thử”.
 
Không chỉ đăng sản phẩm bán hàng thông thường, “K’Ho Food” còn thường xuyên cập nhật bài viết giới thiệu về văn hoá ẩm thực, về đời sống của người dân bản địa. Những câu chuyện về tuổi thơ bắt cá đồng, làm thịt gác bếp trong căn bếp nghi ngút khói hay “bí quyết” làm men nấu rượu cần bằng lá cây rừng rất truyền thống của người K’Ho được giới thiệu tỉ mỉ từng công đoạn. Tuy mới xuất hiện trong một thời gian ngắn, trang Facebook này đã nhận được vô số lời khen và đánh giá tốt của khách truy cập. Tài khoản “Long Trang” nhận xét: “Cách làm của bạn rất hay. Đây là một lợi thế rất lớn để khai thác khách hàng và giới thiệu sản phẩm độc đáo của dân tộc mình”. Trong khi đó, tài khoản Facebook có tên “Do Lar” bình luận: “Cách kinh doanh của bạn rất hay, tôi sẽ theo bạn phát triển ngành thực phẩm truyền thống của chúng ta”.
 
Không ngẫu nhiên đăng tải bài viết, hình ảnh lên trang, mà K’Brooke còn dành thời gian, công sức đầu tư sản xuất những hình ảnh, clip và khai thác thông tin từ các già làng, người lớn tuổi để cung cấp chuẩn xác nhất. Kế hoạch ấp ủ trong thời gian tới, K’Brooke sẽ mở một kênh Yotube để đăng tải những clip giới thiệu về đời sống, văn hoá của người K’Ho. Đồng thời anh còn dự định mở một tour du lịch mang tên K’Ho Food để giúp du khách dễ dàng trải nghiệm khi đến với buôn làng. “Ngoài việc làm vườn để cung cấp thực phẩm bán cho khác, mình còn dành thời gian đi khắp buôn làng để quay clip, chụp ảnh giới thiệu đến khách qua trang Facebook. Nhờ đó đã có một số đoàn khách tìm đến và tham quan, khám phá buôn làng của mình” – K’Brooke hào hứng nói.
 
Nguyễn Dũng