Giáo dục trẻ mầm non tình yêu biển đảo

08:11, 02/11/2018

Thông qua việc giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo cho trẻ mầm non, Trường Mầm non 2 - thành phố Đà Lạt đã và đang giúp trẻ sớm hình thành thói quen bảo vệ môi trường, thêm yêu quý, trân trọng tài nguyên thiên nhiên "rừng vàng, biển bạc" của đất nước. 

Thông qua việc giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo cho trẻ mầm non, Trường Mầm non 2 - thành phố Đà Lạt đã và đang giúp trẻ sớm hình thành thói quen bảo vệ môi trường, thêm yêu quý, trân trọng tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc” của đất nước. 
 
Nhà trường thường xuyên phối hợp với phụ huynh trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh: V.H
Nhà trường thường xuyên phối hợp với phụ huynh trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh: V.H
Không nhổ cây, hái hoa hay xả rác bừa bãi, khi rửa tay mở vòi nước vừa phải, rửa xong vặn chặt vòi nước… đã trở thành thói quen của hầu hết trẻ ở Trường Mầm non 2. Đó là kết quả từ chuyên đề giáo dục về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo được nhà trường triển khai thực hiện. Nói về chuyên đề này, cô Trịnh Thị Nguyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: “Đây là giải pháp hữu ích của tôi khi còn là giáo viên. Nhận thấy trẻ ở trường tôi nói riêng cũng như trên vùng cao nguyên còn xa lạ với biển - hải đảo. Tôi mong muốn trẻ biết về đất nước Việt Nam không chỉ có đất liền nơi trẻ sinh sống mà còn có cả vùng biển đảo bao la để trẻ yêu quý và có ý thức bảo vệ môi trường sống nói chung và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển - hải đảo nói riêng”. 
 
Để trẻ tiếp cận dễ dàng với biển - hải đảo, cô Nguyên đã tìm kiếm, sưu tầm nhiều tranh ảnh cũng như những clip về biển đảo. Bởi theo cô, cách để trẻ mầm non hiểu nhanh nhất là thông qua hình ảnh. Không chỉ trong hoạt động học, việc lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo còn được lồng ghép cả trong các hoạt động khác như đón trẻ - trò chuyện, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, vệ sinh cá nhân, lồng ghép vào giờ ăn, hoạt động chiều, hoạt động lễ hội… Bên cạnh đó, nội dung này cũng thường xuyên được trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp trong việc giúp trẻ hiểu biết về biển đảo và có ý thức giữ gìn môi trường chung. 
 
“Qua một thời gian áp dụng giải pháp “Lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo” vào mọi lúc mọi nơi, tôi thấy đa số trẻ đã biết kể đúng tên một số bãi biển đẹp, tên những hòn đảo nổi tiếng của Việt Nam hay tên các nguồn tài nguyên từ biển, biết được nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển - hải đảo và phân biệt được những hành vi đúng sai với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo. Đặc biệt, trẻ biết sử dụng tiết kiệm nước khi xem những clip thấy người dân ở đảo thiếu nước sinh hoạt, trẻ không xả rác bừa bãi để giữ môi trường sạch đẹp. Trẻ yêu thích biển đảo quê hương qua các bài hát về biển, về chú hải quân, qua các thực phẩm thủy hải sản và cảnh đẹp của biển…”, cô Nguyên cho hay. 
 
Những giờ học có lồng ghép nội dung biển đảo tạo cho trẻ sự hào hứng và thích thú tìm hiểu về biển. Qua các hình ảnh về trường mầm non trên đảo, trẻ biết nhận xét và so sánh trường của mình và trường trên đảo. Từ đó, giáo dục trẻ biết cảm thông và chia sẻ với các bạn nhỏ đang học ở những ngôi trường còn thiếu thốn trên các huyện đảo. Bên cạnh đó, nhà trường còn vận động phụ huynh ủng hộ cây xanh, hoa để tạo khung cảnh góc thiên nhiên của lớp học nhằm tạo cơ hội cho trẻ chăm sóc cây hoa, từ đó, biết yêu quý thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống. Nhiều phụ huynh vui mừng khi thấy con mình đã có hiểu biết hơn về tài nguyên và biển đảo, biết lợi ích của biển đảo và có ý thức bảo vệ giữ gìn tài nguyên, môi trường biển đảo. Chị Đỗ Hồng Thủy - Phường 2, Đà Lạt chia sẻ: “Con tôi trước đây rất lười ăn, nhưng khi được biết về những lợi ích của thủy hải sản đối với sự phát triển thể chất, cháu hào hứng với các món ăn từ biển, cháu cũng hết sợ tắm biển, và vui nhất là cháu có những hành vi bảo vệ môi trường sống cũng như bảo vệ môi trường biển khi đi tắm biển”.
 
Cũng theo cô Nguyên, lồng ghép giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo trong các chủ đề phải nhẹ nhàng, hợp lý để trẻ dễ tiếp thu theo cách “học mà chơi - chơi mà học”. Từ đó giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và hiểu biết về biển đảo với sự thích thú, khám phá, thêm yêu quý vùng trời, vùng biển quê hương. 
 
Đánh giá về hiệu quả của chuyên đề này, cô Đào Thị Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi trái đất bắt đầu nóng dần lên, khi vấn đề phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành mối quan tâm của tất cả các quốc gia, thì giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - hải đảo là điều cần thiết. Đối với lứa tuổi mầm non, không chỉ tạo cơ hội cho trẻ được tìm hiểu sâu kỹ hơn về biển đảo mà còn giúp trẻ hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo, giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên của đất nước trong tương lai.
 
VIỆT HÙNG