Ứng phó với áp thấp nhiệt đới-bão

09:11, 22/11/2018

(LĐ online) - Sáng ngày 22/11/2018, Ban chỉ đạo TW Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn  tổ chức  Hội nghị trực tuyến quốc gia triển khai một số hoạt động ứng phó với áp thấp nhiệt đới- bão.

(LĐ online) - Sáng ngày 22/11/2018, Ban chỉ đạo TW Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến quốc gia triển khai một số hoạt động ứng phó với áp thấp nhiệt đới- bão. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tham dự hội nghị cùng lãnh đạo 14 tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng của cơn bão đã tham gia họp trực tuyến.
 
Cơn bão số 9 trên biển Đông đang tiến vào nước ta và theo dự báo sẽ gây mưa to đến rất to và gây ra hiện tượng lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ở các địa phương. BCĐ TW yêu cầu các địa phương có phương án bảo vệ an toàn hồ chứa, sạt lở đất, bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy hải sản. 29 ngàn tàu cá của các tỉnh ven biển cần nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn. Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo, khu vực Nam Tây Nguyên và các tỉnh ven biển sẽ là nơi chịu ảnh hưởng mạnh, chịu lượng mưa lớn nhất của cơn bão.  
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện, các cơ quan liên quan và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp theo phương châm 4 tại chỗ. Việc thông tin về tình hình mưa lũ cần nhanh chóng, kịp thời để cơ quan chức năng và nhân dân biết, sẵn sàng ứng phó và di dời người dân đến nơi an toàn. Cần đảm bảo an toàn hệ thống công trình kênh mương, hồ đập, thiết bị xả lũ, khơi thông dòng chảy… tránh tình trạng ngập lụt. Các công ty thủy điện cần vận hành các hồ thủy điện theo đúng quy trình vận hành và Quy chế phối hợp đã ban hành. 
 
Với các địa phương cần chủ động rà soát toàn bộ các khu vực dân cư, địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và có biện pháp cảnh báo, giúp nhân dân phòng tránh, di dời kịp thời khỏi khu vực nguy hiểm. Đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng canh gác hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, bến đò an toàn. Cần kiểm tra chặt hạ cây lớn có nguy cơ ngã đổ, tỉa cành cây dọc hai bên đường và sẵn sàng lực lượng xử lý cây cối ngã đổ gây ách tắc.
 
Các sở, ngành liên quan cần tăng cường trách nhiệm, sẵn sàng ứng phó và chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục khi có sự cố sạt lở ách tắc giao thông, cung ứng lương thực thực phẩm cho nhân dân những vùng bị lũ lụt chia cắt, cứu nạn cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra và đưa người dân đến nơi an toàn. 
 
D.Quỳnh