Học sinh vui đọc sách

08:11, 20/11/2018

Khác với những giờ đọc sách thông thường như trước đây: học sinh tự đọc, tự hiểu, tự cảm nhận…; giờ đây, cô và trò cùng tương tác giúp học sinh thỏa sức thể hiện sự sáng tạo, hứng thú với sách và năng động hơn khi được hóa thân vào nhân vật. Đó là tiết đọc thư viện triển khai theo chương trình "Thư viện thân thiện" trường tiểu học.

Khác với những giờ đọc sách thông thường như trước đây: học sinh tự đọc, tự hiểu, tự cảm nhận…; giờ đây, cô và trò cùng tương tác giúp học sinh thỏa sức thể hiện sự sáng tạo, hứng thú với sách và năng động hơn khi được hóa thân vào nhân vật. Đó là tiết đọc thư viện triển khai theo chương trình “Thư viện thân thiện” trường tiểu học.
 
Tiết đọc thư viện diễn ra hào hứng với sự tương tác của giáo viên và học sinh. Ảnh: T.H
Tiết đọc thư viện diễn ra hào hứng với sự tương tác của giáo viên và học sinh. Ảnh: T.H
Năm học 2018 - 2019 này, Trường Tiểu học Nam Thiên, thành phố Đà Lạt tự nguyện nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện”. Và, tiết đọc thư viện cũng bắt đầu được triển khai 1 tháng 2 tiết. Theo thầy Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng nhà trường: “Trước thực trạng thư viện trường học như một kho lưu trữ, việc học sinh tự giác đọc và thói quen đọc sách bị giảm nhiều… thì tiết đọc thư viện là mô hình hay, có nội dung, chương trình, cách thức tổ chức thân thiện, ghép vào thời khóa biểu chính khóa. Đặc biệt, quy trình đọc, thời lượng, đầu sách được phân loại sách theo trình độ đọc, qua đó kích thích, thu hút học sinh tích cực tự đọc. Từ khi thực hiện dạy tiết đọc thư viện, học sinh rất hứng khởi, ham thích đọc sách. Và việc đọc không phải chỉ một mình học sinh mà có sự hướng dẫn của giáo viên, trong đó, người giáo viên phải có năng khiếu dẫn dắt câu chuyện và tổ chức hoạt động mở rộng để cuốn hút học sinh đến với từng trang sách”.
 
Thực tế, việc đọc sách đối với học sinh tiểu học cũng được các trường quan tâm bằng nhiều hình thức như: tổ chức cho học sinh đọc sách ngoài sân trường, dưới gốc cây, trong thư viện… giờ ra chơi hay cho mượn sách về nhà. Tuy nhiên, việc đọc sách chỉ từ phía học sinh khiến các em thụ động, không hứng thú, thậm chí không hiểu được nội dung quyển sách nên dần lơ là với sách. Điều này dẫn đến một số thư viện trường tiểu học không thu hút được học sinh. 
 
Giờ đây, việc đọc sách hoàn toàn khác khi nhiều trường triển khai dạy các tiết đọc thư viện. Cô giáo sẽ là người đồng hành cùng học sinh trong việc chọn sách, hướng dẫn cách đọc, ôn lại nội dung… giúp các em hiểu hơn câu chuyện vừa đọc. Có mặt trong một tiết đọc của cô và trò lớp 4A Trường Tiểu học Đinh Văn 3, Lâm Hà mới thấy hết sự hào hứng của học sinh khi được học tiết đọc thư viện. Trong thư viện thân thiện, các em ngồi thoải mái trên tấm thảm xốp, mong chờ quyển sách chuẩn bị được cô giáo giới thiệu. Ngay từ đầu tiết đọc, cô giáo đã thu hút học sinh vào bài học một cách tự nhiên bằng một số câu hỏi trò chuyện gần gũi, thân thiện với học sinh như: “Các em có thích đến thư viện không?”, “Các em đã tìm đọc những quyển truyện nào trong thư viện?”… Rồi nhiều học sinh muốn chia sẻ về quyển truyện mình đã đọc. Cùng với sự chia sẻ tích cực, hứng thú của học sinh, giáo viên bắt đầu cho học sinh quan sát bức tranh bìa của cuốn truyện, sau đó cho học sinh dự đoán các nhân vật trong câu chuyện và tên truyện. Với giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm kết hợp với ngôn ngữ hình thể phù hợp, cô giáo Đinh Thị Thu Huyền đã lôi cuốn học sinh tập trung lắng nghe câu chuyện và chăm chú quan sát tranh. Sôi động nhất vẫn là hoạt động sắm vai, học sinh thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình qua từng nhân vật. Trong vai Thỏ con, Thoại An thích thú: “Con thấy việc đọc sách thế này giúp con dễ hiểu nội dung câu chuyện, con cũng thích đọc sách hơn”. 
 
Còn với cô giáo Thu Huyền: “Việc dạy tiết đọc thư viện khiến cả cô và trò như đang học mà chơi, chơi mà học. Học sinh hứng thú, năng động, tự tin, nắm bắt câu chuyện tốt hơn. Đặc biệt có sự trao đổi giữa giáo viên và học sinh để giáo viên nắm bắt được các em thích đọc loại sách nào, tiếp thu nội dung thế nào để có sự lựa chọn sách cũng như phương pháp tương tác cho phù hợp. Qua vai diễn của các em đã làm cho tiết học trở nên nhẹ nhàng, các em như được thả hồn vào vai diễn với sự vui vẻ, thoải mái”. 
 
Tuy nhiên, việc tổ chức dạy tiết đọc thư viện chỉ áp dụng được với những trường tiểu học thực hiện mô hình “Thư viện thân thiện”. Hiện toàn tỉnh có 34 trường tiểu học được thụ hưởng dự án do tổ chức Room to Read tài trợ và 14 trường tự nguyện nhân rộng. “Phòng đang khuyến khích những trường có điều kiện cơ sở vật chất tự nguyện nhân rộng mô hình này. Bởi tiết đọc thư viện là một hoạt động luyện tập tiếng việt, luyện đọc rất hiệu quả cho học sinh. Sắp tới, Phòng sẽ tổ chức cho giáo viên những trường chưa thực hiện dự án giao lưu tiết đọc thư viện với các trường triển khai để thấy được lợi ích cũng như hình thức đọc sách phong phú của tiết đọc thư viện. Các trường tự nguyện nhân rộng sẽ được Room to Read hỗ trợ đầu sách phù hợp với tiết đọc thư viện”, ông Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT cho biết. 
 
TUẤN HƯƠNG