Học và chơi với học sinh tiểu học Hàn Quốc

08:11, 06/11/2018

35 học sinh tiểu học và các thầy cô giáo Hàn Quốc đã đến Ðà Lạt 1 tuần để cùng học sinh Trường Tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm lên lớp hằng ngày.

35 học sinh tiểu học và các thầy cô giáo Hàn Quốc đã đến Ðà Lạt 1 tuần để cùng học sinh Trường Tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm lên lớp hằng ngày.
 
Thầy giáo Kim Sang Jun đang hướng dẫn học sinh lắp ráp xe tự hành. Ảnh: V.Trọng
Thầy giáo Kim Sang Jun đang hướng dẫn học sinh lắp ráp xe tự hành. Ảnh: V.Trọng

Học mà chơi
 
Đây là đoàn học sinh đầu tiên của thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, đến Đà Lạt theo một chương trình hợp tác quốc tế giữa Phòng Giáo dục Đà Lạt và cơ quan giáo dục của Chuncheon - thành phố kết nghĩa với Đà Lạt. 
 
Giáo dục chỉ là một trong những lĩnh vực mà 2 thành phố này triển khai bên cạnh các lĩnh vực khác như đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ... Theo thỏa thuận, 2 thành phố sẽ gửi các đoàn học sinh cùng thầy cô giáo sang các trường học của nhau để giao lưu, học tập, trải nghiệm văn hóa, giáo dục của 2 nước cho học sinh với mục tiêu phát triển tinh thần công dân toàn cầu, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc.
 
35 học sinh lớp 5 Hàn Quốc này mỗi ngày được chia thành 3 nhóm để cùng học với học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm học 3 môn học gồm lắp ráp, rô bốt - tự động hóa và mỹ thuật. Khối 5 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hiện có 5 lớp nên theo ông Nguyễn Trọng Mạnh - Hiệu trưởng nhà trường, mỗi lớp 5 của trường mỗi ngày cũng được chia thành 3 nhóm để cùng học chung với học sinh Hàn Quốc. Tại mỗi lớp học được tổ chức như thế có các giáo viên Việt Nam, 1 giáo viên Hàn Quốc phụ trách lớp cùng các sinh viên Đại học Đà Lạt - Khoa Tiếng Hàn đến phiên dịch hỗ trợ hằng ngày. 
 
Theo lời mời của Phòng Giáo dục Đà Lạt, phóng viên đã có dịp đến dự các lớp học này. Điểm nổi bật của chương trình giao lưu mà các thầy cô giáo Hàn Quốc mang đến cho từng lớp chính là không khí học tập rất vui. Học sinh Hàn Quốc được bố trí ngồi lẫn với học sinh Việt, có thể trao đổi với nhau thông qua sự hỗ trợ của các thông dịch viên đứng bên. Cùng lứa tuổi với nhau (học sinh Hàn Quốc lớn hơn chút ít vì vào tiểu học muộn hơn Việt Nam, bậc tiểu học kéo dài đến lớp 6) nên các em rất dễ hòa đồng. Có cảm giác như các lớp học này đang vừa học vừa chơi, chơi mà học nhưng tính thực tiễn của từng môn học lại rất cao.
 
Chẳng hạn như với môn lắp ráp, do Việt Nam chưa có những bộ dụng cụ học tập tương tự trong học đường nên toàn bộ các bộ lắp ráp này được đoàn Hàn Quốc mang sang, kết thúc đợt giao lưu sẽ tặng lại cho trường. Bộ lắp ráp này tương đối phức tạp, có thể sử dụng để lắp ráp các mẫu xe hơi, xe xúc, xe ủi theo bản hướng dẫn mẫu, lắp xong mô hình có thể lắp pin để vận hành các xe lắp ráp này.
 
Theo giáo Kim Sang Jun, giáo viên Hàn Quốc phụ trách bộ môn lắp ráp - người từng có trên 20 năm giảng dạy môn học này, mục tiêu của môn học đặt ra là kích thích sự hứng thú và sáng tạo của học sinh. “Có nhiều cấp độ lắp ráp cho học sinh các cấp học mầm non đến hết bậc trung học, từ đơn giản đến phức tạp, tăng dần độ khó theo từng lớp học bậc học”. Với lớp học rô bốt - tự động hóa, các học sinh trong lớp sẽ làm quen với việc lắp bảng màu để vận hành đường đi của chú rô bốt mang hình dáng một con mèo nhỏ xinh xắn trên bàn theo yêu cầu của giáo viên đứng lớp, tất cả rô bốt này cũng được đoàn mang từ Hàn Quốc sang. Đặc biệt với lớp mỹ thuật, thay vì để các em vẽ, tô màu trang trí trên giấy, giáo viên Hàn Quốc đã yêu cầu các em tô màu vào các hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất thô mang từ Hàn Quốc sang như túi xách, mẫu móc chìa khóa, con quay, thiệp chúc mừng...
 
Những ấn tượng 
 
Rất nhiều ấn tượng để lại sau 1 tuần giao lưu “học mà chơi” giữa học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - Đà Lạt và đoàn học sinh Hàn Quốc. 
 
Theo thầy giáo Kim Sang Jun, học sinh Đà Lạt tuy mới lần đầu làm quen với bộ lắp ráp tương đối phức tạp như vậy nhưng nhiều em thao tác rất nhanh, làm cho ông rất ngạc nhiên. 
 
Với thầy giáo Choi Eul Yong, dù môn rô bốt - tự động hóa tương đối khó nhưng nhiều học sinh Việt trong lớp nắm bắt rất nhanh. “Đáng tiếc là không có nhiều thời gian hơn để dạy cho các em môn học hấp dẫn, nhiều ứng dụng này”. 
 
Còn cô giáo Kim Su Yeon thì ấn tượng với sự tích cực của học sinh Việt trong lớp: “Thật ra giữa học sinh Hàn Quốc và học sinh Việt không có khác biệt gì mấy”. Với cô, một tuần dạy học tại Đà Lạt là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời giáo viên của mình. 
 
Còn theo thầy giáo Nguyễn Trọng Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, có nhiều điểm mà trường có thể học trong 1 tuần khi giáo viên trường cùng làm việc với giáo viên Hàn Quốc. “Các môn học luôn chú trọng đến thực hành, không lý thuyết; học sinh chủ động thực hiện, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn”.
 
Theo bà Gor Yuha - Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế cơ quan giáo dục thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon - Hàn Quốc cũng là trưởng đoàn học sinh đợt này, chuyến đi này đã giúp đoàn hiểu hơn về văn hóa, con người Đà Lạt, hiểu hơn về Việt Nam, phát triển mối quan hệ gắn kết giữa 2 thành phố và 2 đất nước. 
 
Cũng theo bà Gor Yuha, với sự trợ giúp về mặt ngôn ngữ của nhóm sinh viên Đại học Đà Lạt, chuyến đi đầu tiên của đoàn học sinh Hàn Quốc đến Đà Lạt đã rất thành công, chính vì vậy trong năm 2019 đến, thành phố Chuncheon đang lên kế hoạch để đưa tiếp một đoàn học sinh khác sang đây giao lưu tương tự, có thể ở lớp lớn hơn, cấp trung học cơ sở. “Chúng tôi đã có lời mời ngành Giáo dục Đà Lạt sớm đưa đoàn học sinh của mình sang thành phố chúng tôi thời gian đến” - bà Gor Yuha hy vọng.
 
VIẾT TRỌNG