Hướng công tác Chữ thập đỏ đến mục tiêu "Vì mọi người - Ở mọi nơi"

08:11, 21/11/2018

Năm 2018 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2018), 42 năm Ngày thành lập Hội CTÐ Lâm Ðồng - là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTÐ tự hào ôn lại bề dày truyền thống của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Ðảng, Nhà nước đã giao phó. 

Năm 2018 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2018), 42 năm Ngày thành lập Hội CTÐ Lâm Ðồng - là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTÐ tự hào ôn lại bề dày truyền thống của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Ðảng, Nhà nước đã giao phó. Nhân dịp này, phóng viên Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn ông Ðỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTÐ tỉnh về công tác của các cấp Hội CTÐ thời gian qua và những kết quả đã đạt được.
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ Lâm Đồng trao quà Trung thu cho các em học sinh Trường Hoa Phong Lan. Ảnh: V.Q
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ Lâm Đồng trao quà Trung thu cho các em học sinh
Trường Hoa Phong Lan. Ảnh: V.Q

PV: Xin ông cho biết tình hình chung của Hội CTĐ Lâm Đồng qua 42 năm hình thành và phát triển?
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: Trải qua 42 năm hình thành, xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng: Ở đâu có hoạt động nhân đạo, ở đó có vai trò, hình ảnh của Hội CTĐ; ở đâu có người nghèo, người dễ bị tổn thương, ở đó có sự trợ giúp, chia sẻ của đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ.
 
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 81.136 hội viên Hội CTĐ; có 5.056 tình nguyện viên đang sinh hoạt trong 1.541 chi hội thôn, buôn, tổ dân phố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 626 chi hội trường học /661 trường với 18.326 hội viên; 160 Đội thanh niên CTĐ với 1.772 em; 968 đội thiếu niên CTĐ với 32.290 em.
 
Hội CTĐ Lâm Đồng ngày càng khẳng định được vai trò nòng cốt, cầu nối, vai trò điều phối trong các hoạt động nhân đạo. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều nhân tố, điển hình tốt, mô hình mới, cách làm hay, được tổng kết, nhân rộng ở nhiều địa phương, cơ sở Hội. Điều này có thể nhận thấy rõ qua kết quả hoạt động của từng năm, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá hoạt động nhân đạo toàn tỉnh đã đạt 34.509.832.000 đồng, đạt 98% chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 (35 tỷ đồng).
 
PV: Vậy những chương trình nổi bật mà Hội CTĐ đã thực hiện được trong thời gian qua là gì, thưa ông?
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: 42 năm qua là một chặng đường đánh dấu sự phát triển đi vào chiều sâu từ các phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội. Điển hình là các cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Mười người giúp một người”, chương trình xây dựng nhà Chữ thập đỏ, chương trình trợ vốn giúp người nghèo phát triển kinh tế gia đình và thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững tại 62 huyện nghèo cả nước, trong đó có huyện Đam Rông với dự án “Ngân hàng bò”.
 
Hội cũng tập trung vận động các đoàn thầy thuốc tình nguyện, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo, các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. 
 
Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện đạt được kết quả nổi bật khi Lâm Đồng đã có 6 năm liên tiếp được chọn tổ chức Hành trình đỏ, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những gia đình hiến máu CTĐ, những tấm gương cán bộ, hội viên, tình nguyện viên hiến máu tình nguyện với số lần hiến máu hàng chục lần, những CLB, đội, nhóm máu hiếm, góp phần cứu chữa những trường hợp bệnh đặc biệt hiểm nghèo.
 
Trong thiên tai thảm họa, Hội CTĐ Lâm Đồng luôn là một trong các lực lượng có mặt sớm nhất, kịp thời trợ giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai và cũng là một trong những lực lượng gắn bó bền bỉ, lâu dài nhất với nhân dân, tham gia tái thiết, hỗ trợ sinh kế, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. 
 
Công tác CTĐ trong trường học được chú trọng thông qua các phong trào: “Nuôi heo đất”, “Kế hoạch nhỏ”, “Vì bạn ở Trường Sa”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Giúp bạn nghèo đến trường”, “Hội chợ Tết tình thương”,… đã góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta cho học sinh, thanh thiếu niên. 
 
Phong trào Hiến máu tình nguyện là một trong những phong trào đạt kết quả nổi bật của Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: V.Q
Phong trào Hiến máu tình nguyện là một trong những phong trào đạt kết quả nổi bật
của Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: V.Q

PV: Để phát huy những kết quả đã đạt được, đặc biệt là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, xin ông cho biết các cấp Hội sẽ có những giải pháp gì trong thời gian tới?
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nâng cao chất lượng các phong trào, đặc biệt là “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào, mở rộng mối quan hệ hợp tác đối tác trong hoạt động nhân đạo với tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, góp phần tạo thêm nguồn lực cho phong trào ở địa phương; Nâng cao năng lực của các cấp Hội trong vận động nguồn lực phục vụ các hoạt động nhân đạo; Tăng cường công tác tuyên truyền, nêu gương.
 
Các loại hình vận động cũng sẽ được đa dạng hóa để phong trào không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tiền, hàng, mà cần có những hình thức giúp đỡ mang tính phát triển bền vững như trao tặng nhà tình thương, tặng bò sinh sản, tặng công cụ sản xuất, giống, phân bón,… lồng ghép với phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội CTĐ Việt Nam phát động và triển khai.
 
Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các ban, ngành đoàn thể để đa dạng hóa các hình thức trợ giúp và chọn lựa đối tượng đúng tiêu chí; bám sát cơ sở, xây dựng tác phong thân thiện, gần gũi trong cán bộ, viên chức để cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống làm việc đúng với phong cách nhân đạo là “Gần dân, hiểu dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
 
PV: Với chủ đề “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội”, thời gian tới, các cấp Hội sẽ triển khai những chương trình gì, thưa ông?
 
Ông Đỗ Hoàng Tuấn: Công tác xã hội và trợ giúp nhân đạo với mục đích giúp đỡ những đối tượng khó khăn, đối tượng dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng sẽ được các cấp Hội đẩy mạnh với phương châm: “Trao cần câu thay vì trao con cá”.
 
Các mô hình và dự án có hiệu quả tại các địa phương như mô hình: “Mười người giúp một người”, “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo”, “Thùng tiền nhân đạo” cũng sẽ được duy trì, nhân rộng. Quan tâm đến đối tượng là người khuyết tật thông qua dạy nghề, tạo việc làm để họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
 
Các cấp Hội cũng sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới như: “Sân xi măng”; “Hố rác gia đình”; “Tủ thuốc gia đình” tại các khu dân cư để cùng các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp và phát triển.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Tháng Nhân đạo 2018 vận động trên 243 tỷ đồng
 
Với chủ đề “Nhân đạo - Từ nhận thức tới hành động”, năm 2018 là năm đầu tiên Tháng Nhân đạo được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tổ chức thí điểm phát động ở một số tỉnh, thành phố. Tháng Nhân đạo bắt đầu từ ngày 1-31/5, cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội CTĐ Việt Nam). Tháng Nhân đạo năm 2018 với các hoạt động như hiến máu tình nguyện, triển lãm ảnh “Sức mạnh nhân đạo”, qua vận động quyên góp đã mang về tổng trị giá vận động đạt 243 tỷ 450 triệu đồng, trợ giúp trên 626 nghìn lượt người, gấp 8,9 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
 
Hỗ trợ 80 con bò giống cho nông dân nghèo
 
Trong năm 2018, Dự án “Ngân hàng bò” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phối hợp với Công ty sữa Cô gái Hà Lan triển khai đã trao tặng 20 con bò sinh sản trị giá 200 triệu đồng cho 10 hộ nông dân nghèo thuộc xã Đạ Rsal và 10 gia đình thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông. Trước đó, trong năm 2017, 60 con bò cũng đã được tặng cho 6 xã khác nhau tại huyện Đam Rông. 
 
“Ngân hàng bò” là món quà vô cùng ý nghĩa đối với các hộ gia đình nghèo tại huyện nghèo Đam Rông. Trong trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bê cái, hộ gia đình tiếp tục nuôi từ 6 đến 12 tháng tuổi, sau đó bàn giao lại cho Hội CTĐ để chuyển giao bê cái này cho hộ nghèo khác. Sau khi hoàn thành quá trình này, hộ gia đình nghèo đầu tiên sẽ được sở hữu hoàn toàn bò giống để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình.
 
Cùng với việc tặng bò giống và chuyển giao bê cái, dự án còn cung cấp kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi đạt hiệu quả cao, giúp các hộ gia đình nghèo phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và thúc đẩy tinh thần tương trợ lẫn nhau, xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng.
V.QUỲNH

VIỆT QUỲNH (thực hiện)