Mái nhà 30 năm

08:11, 23/11/2018

Trong không gian bình yên cuối con đường mang tên Huyền Trân Công Chúa, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Ðồng (gọi tắt Trường PT DTNT tỉnh) vẫn lặng lẽ làm mái nhà vững chãi cho con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng suốt 30 năm qua. Mái trường in hằn rõ vết thời gian ấy là nơi chắp cánh cho những "cánh chim" nhỏ từ buôn làng vút bay cao, bay xa.
 

Trong không gian bình yên cuối con đường mang tên Huyền Trân Công Chúa, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Lâm Ðồng (gọi tắt Trường PT DTNT tỉnh) vẫn lặng lẽ làm mái nhà vững chãi cho con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng suốt 30 năm qua. Mái trường in hằn rõ vết thời gian ấy là nơi chắp cánh cho những “cánh chim” nhỏ từ buôn làng vút bay cao, bay xa.
 
Suốt 30 năm qua, thầy cô giáo dưới mái Trường PT DTNT tỉnh đã chắp cánh cho bao thế hệ học trò DTTS vút cánh bay cao. Ảnh: N.Ngà
Suốt 30 năm qua, thầy cô giáo dưới mái Trường PT DTNT tỉnh đã chắp cánh cho bao thế hệ học trò DTTS
vút cánh bay cao. Ảnh: N.Ngà

Tình thầy
 
Trong ký ức của thầy giáo Võ Tấn Huệ - nguyên Hiệu trưởng Trường PT DTNT tỉnh vẫn nhắc rằng: “Ở trường này mỗi thầy cô giáo phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Ngoài việc giáo dục kiến thức trên lớp, giáo viên còn quản lý nội trú, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em; giúp học sinh hình thành ý thức tự giác, tự chủ trong đời sống nội trú và sinh hoạt tập thể; tôn trọng kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; có chuyển biến tích cực về ứng xử văn hóa và hành vi văn minh trong đời sống cộng đồng”. 
 
Nói về việc quản lý nội trú, cô Võ Thị Bích Linh - Tổ trưởng Tổ Văn phòng và quản trị đời sống vẫn nhớ như in những năm đầu mới thành lập trường: “Mọi thứ thiếu thốn, nấu được bữa ăn ngon cho học sinh là vô cùng khó. Thầy cô phụ trách việc chăm lo đời sống cho học sinh phải tăng cường tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho học sinh. Cô Lê Thị Lánh, đảng viên duy nhất của tổ lúc đó vẫn thường nói với học sinh “các em no thì cô no”, bởi thế mà học trò cũng coi cô như mẹ để rồi có chuyện gì buồn tủi đều tìm cô tâm sự. Còn cô Thái Thị Lộc, mỗi buổi sáng đều đi gõ từng phòng gọi các em dậy lao động vệ sinh gọn gàng trước khi lên lớp. Cũng nhờ vậy mà những đứa trẻ hồn nhiên, phóng khoáng như cây rừng dần sống trong kỷ cương, nền nếp”.
 
Chúng tôi ghé Trường PT DTNT tỉnh vào những ngày tháng 11. Trong phòng khách của nhà trường đầy hoa đó là lời tri ân của học trò từ nhiều miền xa gửi về khi mái trường tròn 30 tuổi. Thầy giáo trẻ Nguyễn Hiếu Quân rưng rưng khi đọc vài dòng trong bức thư của học trò cũ - những học trò đầu tiên thầy chủ nhiệm niên khóa 2008 - 2011: “Hồi đó tụi em biết thầy đã bên tụi em bằng cả nhiệt huyết của người giáo viên trẻ. Chính vì thế tụi em chưa bao giờ quên thầy và chắc chắn không quên bởi thầy là một phần thanh xuân đẹp đẽ của chúng em”. Từ lứa học trò đầu tiên ấy, thầy Quân hiểu rằng những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào trường nội trú các em vẫn e ngại, dè dặt nên dễ dẫn đến những diễn biến không tích cực trong tâm lý. Bởi vậy, ngoài việc giáo dục kiến thức trên lớp, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa và giáo dục kỹ năng sống để các em hiểu rõ tình cảm, thiện chí của mình, dần mở lòng mà xóa nhòa khoảng cách, cảm nhận được tình cảm mà thầy cô dành cho các em.
 
Nghĩa trò
 
Có lẽ cái tình thầy đầy mạnh mẽ và kiên nhẫn đã làm nên nghĩa trò sâu nặng của nhiều học sinh dưới mái trường này. Ma Lệ Quyên, cựu học sinh Trường PT DTNT tỉnh niên khóa 2008 - 2011 nói rằng: “Mới ngày nào mẹ đưa đến trường, những học sinh mới như tôi nhận phòng, nhận mùng, mền, chiếu gối rồi theo tiếng tuýt còi của thầy giáo mà về ký túc xá nhận phòng trong lòng đầy rẫy sự lo lắng hoang mang. Vậy mà thấm thoắt, tiếng tuýt còi báo hiệu kết thúc môn cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp kèm lời chúc “các em đã thuận lợi vượt qua kỳ thi, từ nay được tự do rồi” nghe xong mà sống mũi cay xộc, mắt nhạt nhòa, thật sự lúc đó tôi chưa sẵn sàng tâm lý tung bay ra khỏi mái trường, khỏi vòng tay cô thầy. Đêm cuối cùng dọn đồ trong ký túc xá chẳng có tiếng tuýt còi bắt chúng tôi cúp điện đúng giờ cũng chẳng có tiếng kéo cổng ký túc lúc 10h, thầy cô tới chia tay mà chúng tôi chẳng ai bảo ai nước mắt cứ thế rơi không ngừng”.
 
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường nói rằng: Những năm đầu cấp là quãng thời gian rất khó khăn của học sinh và cả thầy cô. Chuyển từ môi trường THCS gần nhà, được thầy cô chăm bẵm từng li từng tí, nay lên bậc phổ thông buộc phải đi vào quy củ, nề nếp. Cộng với xa gia đình nên nhiều e tâm lý không tốt, bỏ về. Thế là năm nào cũng có trường hợp các thầy cô phải về tận nhà vận động các em quay trở lại trường. Khác với các trường khác, phụ huynh chung tay cùng nhà trường giáo dục con em, nên các hoạt động xã hội hóa của các trường được thực hiện rất tốt. Còn với Trường PT DTNT tỉnh thì ngược lại, sự chung tay của phụ huynh là rất hiếm hoi, các hoạt động xã hội hóa gần như không có, thậm chí việc liên lạc với phụ huynh không dễ. Phụ huynh đưa con tới nhập học, lúc trở về nhắn nhủ “trăm sự nhờ thầy cô” và thực tế là trăm sự đều thầy cô lo toan hết. 
 
17 năm công tác tại trường nội trú, cô Thủy cũng như nhiều thầy cô khác đã bao lần khóc cười, khi chứng kiến những phút giây mà tình thầy trò được thể hiện mộc mạc, chân tình. Mùa Hiến chương, không tưng bừng sắc hoa như những ngôi trường khác, ở Trường PT DTNT tỉnh, những bông “hoa học trò” cất vang những bài hát mang đậm màu sắc dân tộc mình tặng thầy cô. Cũng có em tranh thủ chủ nhật về nhà mang lên tặng thầy cô nào khoai, bắp, sắn, chuối, bí… những thứ có từ rẫy của gia đình. Vẫn còn đầy ngại ngần khi bày tỏ tình cảm với thầy cô, nhưng cô thầy xúc động trào nước mắt. “Có lẽ điều này hiếm thầy cô trường nào có được”, cô Thủy nói.
 
Ghé thăm Trường PT DTNT tỉnh lần này, tôi vô tình gặp lại Đa Gút Phương - cô bé mà cách đây 3 năm tôi đã gặp ở Trường Dân tộc nội trú huyện Đơn Dương. Nhà nghèo và chỉ còn mẹ nên việc học của Phương cũng vì thế mà khó khăn hơn nhiều. Câu nói “Em sợ không được đi học nữa” của Phương ngày đó đầy ám ảnh với tôi. Nhưng dựa trên các tiêu chí tuyển chọn của Trường PT DTNT và sự giúp đỡ của nhiều người nên hôm nay em ở đây - Trường PT DTNT tỉnh, là học sinh giỏi nhất lớp 12B, học sinh tiêu biểu của trường. “Những ngày đầu mới vào trường, một phần em không quen nếp sống mới, một phần cứ không yên tâm mẹ ở nhà một mình và có cả mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh nữa nên em chẳng thể nào vui vẻ được. Nhưng suốt từ ngày đầu cho đến tận hôm nay, thầy cô lúc nào cũng quan tâm giúp đỡ em tận tình chu đáo, giúp em có khả năng tự lập để quyết định mọi thứ”.
 
Phương đã là học sinh lớp 12, em học rất giỏi Văn, từ ước mơ chỉ muốn đi học, nay Phương đã định hình rõ ước mơ cho tương lai của mình. Có lẽ rồi mai đây Phương, hay nhiều bạn nữa cũng sẽ trở thành những Păng Ting Beo, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Cil Duin, tiến sĩ đầu tiên của dân tộc K’Ho tại Lâm Đồng…, những học sinh trưởng thành dưới mái trường nội trú.
 
Rời đi khi ánh nắng chiều cuối cùng cũng kịp lọt qua khe cửa Trường PT DTNT tỉnh, nhìn bức tường của mái trường đã ngả màu thời gian, nghĩ tới những khó khăn chồng chất từ các buôn làng mà tôi đã có dịp ghé qua và nghĩ tới Phương, tới bao thế hệ con em các DTTS đã thành đạt từ nơi này thật muốn nói lời cảm ơn tới các thầy cô giáo dưới mái trường này - những con người suốt 30 năm qua vừa làm thầy, vừa làm mẹ, làm cha.
 
NGỌC NGÀ