Người nối nghiệp cha từ tình yêu Đà Lạt

08:11, 02/11/2018

Giản dị, ít nói, nhưng phong thái của anh Bùi Văn Sang luôn cho người tiếp xúc về sự chân chất, mộc mạc của người Đà Lạt. Đó cũng là do anh được thừa hưởng một phần từ phẩm chất của cha anh - "nghệ nhân chân đất Mười Lời" được người dân Đà Lạt vô cùng yêu quý và nhớ ơn, nhất là mỗi dịp xuân về. 

Giản dị, ít nói, nhưng phong thái của anh Bùi Văn Sang luôn cho người tiếp xúc về sự chân chất, mộc mạc của người Đà Lạt. Đó cũng là do anh được thừa hưởng một phần từ phẩm chất của cha anh - “nghệ nhân chân đất Mười Lời” được người dân Đà Lạt vô cùng yêu quý và nhớ ơn, nhất là mỗi dịp xuân về. 
 
Anh Bùi Văn Sang - con trai cố nghệ nhân Mười Lời đang tiếp tục lặng lẽ nối nghiệp cha bằng việc chiết ghép thành công mai anh đào Đà Lạt với cây anh đào Nhật Bản. Ảnh: N.T
Anh Bùi Văn Sang - con trai cố nghệ nhân Mười Lời đang tiếp tục lặng lẽ nối nghiệp cha bằng việc chiết ghép thành công mai anh đào Đà Lạt với cây anh đào Nhật Bản. Ảnh: N.T
Anh Bùi Văn Sang là con trai cố nghệ nhân Bùi Văn Lời, người đầu tiên đã chiết ghép thành công loài hoa đào Nhật Tân Hà Nội trên cây mai anh đào Đà Lạt, tạo nên một sắc đào thắm tươi nối tình yêu Hà Nội với thành phố Đà Lạt thỏa lòng mong nhớ của biết bao người con Hà Nội xa quê, lập nghiệp trên đất Lâm Đồng. 
 
Còn nhớ, sau khi ông Mười Lời mất (năm 2009) được một năm, thung lũng hoa đào Mười Lời xác lập kỷ lục: “Thung lũng hoa đào đầu tiên tại miền Nam”. Khi còn sống, ông là một nông dân thứ thiệt, cần cù, nhiệt tình và cởi mở. Ông là dân Quảng Nam, đến sống tại Đà Lạt từ năm 1958 cho đến cuối đời, chỉ chăm chỉ một thứ: trồng hoa và rau. Ông Mười Lời biết nhiều người đã cố mang đào Nhật Tân vào Nam trồng nhưng thất bại. Sự thất bại ấy khiến ông nảy ý mang một cây đào Nhật Tân được cho là khỏe nhất về Đà Lạt. Máy bay hạ cánh tại Nha Trang, ông đón ngay xe về Đà Lạt. Đến nơi trời sập tối, nơi ông ở bấy giờ chưa có điện nên ông phải thắp đèn cầy ghép ngay trong đêm để mầm hoa còn sống sau nhiều ngày di chuyển.
 
Tết năm 1999, hoa đào ghép đã nở rộ trong thung lũng Mười Lời với ba màu sắc hồng đào, liễu đào và bích đào với cánh dày, hoa kép. Mơ ước về cây hoa đào Hà Nội nở hoa trên đất lạnh Đà Lạt vào năm 1997 chính thức thành công, đến với mọi người, mọi nhà mỗi mùa xuân. 
 
Mặc dù học công nghệ thông tin, công tác tại Viễn thông Lâm Đồng, nhưng anh Bùi Văn Sang lại lặng lẽ duy trì và tiếp nối tình yêu của cha bằng sự kiên trì nghiên cứu học hỏi nghề chiết ghép. Anh đã quyết tâm thực hiện cho được tâm nguyện của cha trước khi mất “Giữ cho được vườn đào nghe con” mặc dù trước cơn bão giá đất Đà Lạt tăng cao, hàng ngàn m2 đất của gia đình anh nếu chuyển hình thức kinh doanh sẽ là cho giá trị kinh tế rất lớn. Nhưng Anh Sang cười hiền nói với tôi: “Đến giờ mình đã giữ được vườn đào của ba và mình rất vui vì đã tiếp tục làm rạng danh thương hiệu Thung lũng đào hoa Mười Lời bằng việc vinh dự được thành phố Đà Lạt chọn và giao nhiệm vụ ghép thử nghiệm thành công hoa anh đào Nhật Bản trên cây mai anh đào Đà Lạt. Sở dĩ phải thử nghiệm vì trước đó, nhiều người yêu Đà Lạt, nhiều doanh nhân thành đạt đã mang gốc cây anh đào Nhật Bản về trồng trên đất Đà Lạt nhưng không thành công do khí hậu không tương tích giữa 2 miền đất nước. Giờ đây, anh Sang đã ghép và chăm sóc thành công 100 gốc mai anh đào Đà Lạt với cây anh đào Nhật Bản. Dự kiến, thời gian tới, thành phố Đà Lạt sẽ cho phát triển cây anh đào Nhật Bản trở thành cây đường phố của thành phố Hoa. Đây là tin vui không chỉ dành cho người Đà Lạt mà còn dành cho du khách khắp mọi miền Tổ quốc, du khách quốc tế đến Đà Lạt thưởng ngoạn. Tuy nhiên, anh Sang cho biết, để cây phát triển lớn mạnh, tán to và sắc hoa anh đào thực sự thắm tươi thì cây rất cần sự chăm sóc kỹ lưỡng, tỉ mẩn. Người chăm sóc vun trồng phải hiểu đặc tính của cây, thời tiết khí hậu giữa Nhật Bản và Đà Lạt để có cách chăm sóc hợp lý. Với anh Sang đã làm được điều này.
 
Âu đó cũng là cái duyên của cố nghệ nhân Mười Lời để lại cho con cháu, nhất là ông đã truyền lửa tình yêu Đà Lạt của ông với con cháu mình. Chính từ tình yêu ấy anh Sang đã không phụ công cha và tiếp tục lặng lẽ làm đẹp thành phố, góp thêm sắc hoa mới cho thành phố được mệnh danh là thành phố của ngàn hoa. Về kỹ thuật chiết ghép anh được nối nghiệp cha và sau khi học hỏi khoa học công nghệ mới, ngày nay anh có thể tự hào về nghề ghép của gia đình. Anh đã yêu nghề ghép từ lúc nào không biết và được Hội Sinh vật cảnh tỉnh, được các chú, các bác có “nghề” đánh giá rất cao. Hiện, anh đang tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt, các trường đại học, cao đẳng khác nói chuyện, hướng dẫn về kỹ thuật ghép cây cho sinh viên và cho nhiều đoàn sinh viên đến thực tập về chiết ghép tại thung lũng đào hoa Mười Lời. 
 
NGUYỆT THU