Như hoa dã quỳ cao nguyên

08:11, 22/11/2018

Được Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đức Trọng giới thiệu Trường Tiểu học Hiệp Thuận ở xã Ninh Gia vừa đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và hiệu trưởng đã góp phần xây dựng ba trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, tôi liền đi xuống ngôi trường ở xã xa nhất về phía tây của huyện, vào giữa buổi học. 

Được Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đức Trọng giới thiệu Trường Tiểu học Hiệp Thuận ở xã Ninh Gia vừa đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và hiệu trưởng đã góp phần xây dựng ba trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, tôi liền đi xuống ngôi trường ở xã xa nhất về phía tây của huyện, vào giữa buổi học. 
 
Hiệu trưởng Đinh Thị Hồng Dung
Hiệu trưởng Đinh Thị Hồng Dung
Tiếp tôi trong phòng làm việc bài trí đơn giản mà trang nhã, trên tầng lầu ngôi trường mới xây, cô Đinh Thị Hồng Dung, Hiệu trưởng cho biết: Năm học 1994-1995, Trường Hiệp Thuận tách ra từ Trường Tiểu học Ninh Gia, gồm trường chính ở thôn Hiệp Thuận và một điểm lẻ tại thôn Tân Phú, cách trường chính đến gần 10 cây số. Từ 10 lớp với 220 học sinh khi thành lập, đến nay, trường có 13 lớp với 383 học sinh. Trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, UBND huyện và UBND tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường cho đạt chuẩn, đây cũng là một tiêu chí của xã nông thôn mới. Ngày mới thành lập, cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ có 16 người. Đến nay, trường phát triển cả về qui mô lẫn chất lượng. Năm 2008, được công nhận là trường đạt mức chất lượng tối thiểu và duy trì đến năm 2013. Cán bộ, giáo viên hiện có 24 người, 100% giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn, trong đó có 88,9% trên chuẩn theo quy định. Trường có 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thiết bị và các phòng chức năng được đầu tư hiện đại, nên giáo viên có điều kiện để dạy lôi cuốn học sinh, làm cho học sinh ham học hơn. Kết quả học tập của các em luôn đạt cao, không thua các trường vùng thị trấn. Khi trường mở lớp học hai buổi một ngày, học sinh xin học nhiều, nhưng trường chỉ mở được 9 lớp với 268 học sinh. Năm học 2017-2018, trường ở mức 93,5/100 điểm, đạt Tập thể lao động tiên tiến, được UBND huyện tặng giấy khen và có 16 cá nhân đạt Lao động tiên tiến, 2 người đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở. Vốn theo nghề giáo dục nên tôi thầm nghĩ quả là một thành tích đáng nể, không nhiều trường đạt được.
 
Dù biết trước khi thành cán bộ quản lý giáo dục, phải là giáo viên dạy giỏi, tôi vẫn hỏi cô Dung đạt giáo viên giỏi năm nào. Cô không trả lời mà lục trong tủ, đưa cho tôi một bản ghi các danh hiệu thi đua. Đọc lướt nhanh, tôi thấy nể phục vì các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mà cô đạt được.
 
Năm học 1988-1989, cô giáo Đinh Thị Hồng Dung tốt nghiệp trường sư phạm. Đến năm học 1991-1992 đang dạy tại Trường cấp I-II Hiệp Thạnh cô đạt giáo viên giỏi cấp huyện. Năm học 1993-1994, đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và đạt liên tiếp đến năm học 1995-1996. Năm học 1996-1997, cô xin chuyển công tác về Trường Tiểu học Ninh Gia và ngay năm học đó, cô lại đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Cô trở thành cán bộ quản lý trường học, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Gia, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Srõn và bây giờ là Hiệu trưởng trường Hiệp Thuận. Năm nào cô cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc lao động tiên tiến, có hai năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen... Năm 2018, cô được đề nghị tặng bằng khen của Bộ GD&DT trong công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1997-2017.
 
Năm học 2000-2001, cô Dung được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Gia, đúng vào giai đoạn trường lập đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cô sử dụng những kinh nghiệm đào tạo học sinh giỏi, giáo viên giỏi, cách thức tổ chức dạy học đạt hiệu quả cao để tổ chức hoạt động nhà trường, góp phần vào việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Ninh Gia đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2004, thì năm 2005 cô Dung chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Srõn, một trường có phần lớn học sinh là người dân tộc Chil và Kơ Ho Sre. Sau hai năm chuẩn bị, cô đã xây dựng và thực hiện lộ trình hành động để trường đạt chuẩn từ điểm xuất phát rất thấp về mọi mặt. Đến năm học 2012-2013, sau 8 năm cô làm hiệu trưởng, Trường Tiểu học Đăng Srõn đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1.
 
Chuyển về Trường Tiểu học Hiệp Thuận tháng 9/2015 đúng vào thời điểm trường ở vào giai đoạn cuối của lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, cô Dung lại lao vào tổ chức hoạt động của trường để kết quả dạy và học đạt cao. Hiện trường đã nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và công bố dịp 20/11 năm nay. 
 
Khi được hỏi về kinh nghiệm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hiệu trưởng chia sẻ:
 
- Trên cơ sở thực tế của trường, đối chiếu với 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia theo Thông tư 59/2012/TT-BGD&ĐT, tự đánh giá xem trường đang ở vị trí nào, còn thiếu những gì, cái gì cần duy trì và phát huy, cái gì cần bổ sung, sau đó xây dựng kế hoạch, xác định rõ hướng đi và đề ra những giải pháp hiệu quả và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.
 
- Đấy là tính kế hoạch phải có, còn công việc cụ thể của hiệu trưởng thì sao? - Tôi hỏi.
 
- Hiệu trưởng phải lãnh đạo tập thể nhà trường bắt tay thực hiện lộ trình đề ra với quyết tâm cao, sáng tạo, linh hoạt và không ngừng đổi mới.
 
Trả lời vậy, rồi cô Dung ví von:
 
- Hiệu trưởng phải quyết tâm nhưng cũng cần khéo léo để luôn đưa tập thể hướng tới mục tiêu xây dựng thành công trường chuẩn quốc gia. Xin liệt kê một số công việc để thấy tính phức tạp trong quản lý của hiệu trưởng khi trường thực hiện xây dựng trường chuẩn. Trước hết là tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thông qua và thực hiện quy chế phối hợp giữa nhà trường và địa phương về kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý các hoạt động giáo dục, quản lý học sinh. Lại còn phải phối hợp với các đoàn thể địa phương, huy động sự tham gia của cộng đồng, của phụ huynh vào việc giáo dục học sinh và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Quan trọng nhất vẫn là chỉ đạo nhà trường thực hiện tốt kế hoạch năm học, phải làm sao đến cuối năm học, trường đạt tập thể lao động tiên tiến... Đầu việc thì nhiều, bận bịu suốt ngày, cứ như có con mọn, nhưng thấy việc làm hiệu quả thì quên hết vất vả. Đấy cũng là niềm vui của nghề dạy học, đó cũng là một cách trả ơn cho đời vậy.
 
Trường Tiểu học Hiệp Thuận. Ảnh: N.T.H
Trường Tiểu học Hiệp Thuận. Ảnh: N.T.H
Tạm biệt cô hiệu trưởng, ra về khi học trò vừa tung tăng tan học trên con đường có những khóm dã quỳ nở vàng, trong ánh nắng chiều hôm, tôi chợt nghĩ, cô Hiệu trưởng Đinh Thị Hồng Dung cũng tựa loài hoa dân dã đó. Đã bao năm cô tận tâm góp sức mình trong ngành Giáo dục huyện Đức Trọng và coi đó là niềm vui cuộc sống, như điều tất phải làm để trả ơn cho xã hội. Cô như hoa dã quỳ bình dị mà mạnh mẽ, âm thầm mà rực rỡ, nở những bông hoa luôn hướng về phía mặt trời, tô thắm cho miền đất đỏ cao nguyên.
 
NINH THẾ HÙNG