Sốt mò - căn bệnh truyền nhiễm quay trở lại

08:11, 26/11/2018

Mới vừa công bố tại Hội nghị Khoa học - kỹ thuật mở rộng lần thứ V năm 2018 của Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt, đề tài nghiên cứu về "Ðặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh sốt mò tại Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) Lâm Ðồng" gây sự quan tâm chú ý của giới y khoa.
 

Mới vừa công bố tại Hội nghị Khoa học - kỹ thuật mở rộng lần thứ V năm 2018 của Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt, đề tài nghiên cứu về “Ðặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh sốt mò tại Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) Lâm Ðồng” gây sự quan tâm chú ý của giới y khoa.
 
Theo BSCKI Đoàn Văn Toản, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài này cho biết: “Trong thời gian gần đây, sốt mò được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem như bệnh truyền nhiễm tái nổi vì sự bùng nổ trở lại được rất nhiều bệnh viện trên toàn quốc ghi nhận. Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng chưa có xét nghiệm đặc hiệu, vì vậy, vấn đề chẩn đoán sốt mò cần phải thăm khám tỉ mỉ, khai thác tiền sử kỹ lưỡng, hạn chế bỏ sót, giúp chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cứu sống được nhiều bệnh nhân”. 
 
Sốt mò (Scrub Typhus) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do Orientalis gây ra. Trước đây gọi là Rickettsia Orientalis là vi khuẩn được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò gây nên. Bệnh lưu hành ở châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 1 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh và ước tính 1 triệu ca mắc/năm. Trong những năm gần đây, sốt mò được phát hiện và tái xuất hiện ở nhiều nước trong vùng dịch tễ như: Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Srilanka.
 
Nghiên cứu trên 66 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sốt mò lâm sàng vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm của BVĐK Lâm Đồng từ năm 2013 - 2015, bằng phương pháp hồi cứu và tiến cứu, kết quả cho thấy: nam giới chiếm đa số (64%), ở nhóm tuổi phổ biến từ 21 - 40 tuổi, bệnh nhân nhập viện khi đã bị sốt kéo dài từ 8 - 14 ngày. Có 100% bệnh nhân có triệu chứng sốt, 90% có vết loét đặc trưng, 60% có hạch địa phương và toàn thân. Điều trị đáp ứng với Doxycyclin cắt sốt nhanh trong vòng từ 24 - 48 giờ đầu.
 
Tác giả đề tài lưu ý cho các bác sĩ: Bệnh sốt mò ở người có biểu hiện lâm sàng đa dạng giống như các bệnh truyền nhiễm khác. Vết loét đặc hiệu ngoài da có giá trị chẩn đoán đôi khi không phải tất cả bệnh nhân này cũng có, vì vậy, vấn đề cần phải được chẩn đoán sớm, điều trị kháng sinh kịp thời, hạn chế biến chứng nặng gây tử vong. 
 
Qua nghiên cứu đặc điểm bệnh nhân, có 64% bệnh nhân ở vùng ven thành phố Đà Lạt, chủ yếu nông dân (chiếm 65%), tỉ lệ bệnh nhân bị sốt sau 7 ngày mới nhập viện điều trị chiếm 47%; các triệu chứng lâm sàng: sốt, đau đầu, đau cơ, xung huyết kết mạc, phát ban, vết loét, nổi hạch. Đặc điểm cận lâm sàng: số bệnh nhân có bạch cầu cao trên 10.000/mm3 chiếm 95%, tổn thương phổi dựa trên X Quang chiếm 11%, trong đó tràn dịch màng bụng trên siêu âm chiếm 3%.
 
Có 12 bệnh nhân bệnh sốt mò bị các biến chứng như: viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, tràn dịch đa màng. Trong đó, biến chứng viêm phổi chiếm tỉ lệ khá cao (11%), biến chứng viêm cơ tim và tràn dịch màng bụng chiếm tỉ lệ 1% và 3%. Thời gian bệnh nhân nhập viện càng muộn thì tỉ lệ biến chứng càng cao, cụ thể có 5 ca biến chứng viêm phổi sau 8 - 14 ngày nhập viện; 25 ca biến chứng tổn thương gan và 2 ca viêm phổi, 1 ca viêm màng não sau 15 - 21 ngày nhập viện.
 
Nghiên cứu cho thấy đặc điểm dịch tễ: phần lớn những người mắc bệnh sốt mò là những người làm vườn ở vùng ven Đà Lạt. Đặc điểm lâm sàng: thường bệnh nhân sốt kéo dài trên 7 ngày và có vết loét đặc trưng kèm theo hạch địa phương và toàn thân. Đặc điểm cận làm sàng: phần lớn bệnh nhân có bạch cầu trong máu cao và có ALT, AST tăng cao. Biến chứng sốt mò: chủ yếu thường gặp là viêm phổi. Nhóm tác giả đề tài kiến nghị trong vấn đề chuyên môn khám lâm sàng: ở những bệnh nhân sốt kéo dài, các bác sĩ nên cố gắng khai thác kỹ về tiền sử, bệnh sử, nghề nghiệp và địa dư của từng bệnh nhân, đồng thời, khám thật kỹ toàn thân tìm vết loét đặc trưng, hạch địa phương và hạch toàn thân nếu có, tránh bỏ sót bệnh. Triển khai xét nghiệm đặc hiệu: nên triển khai test nhanh phản ứng Elisa độ nhạy 94%, độ đặc hiệu 98,7%, cho kết quả sau 1 giờ. Điều trị đặc hiệu: bệnh nhân được chẩn đoán sốt mò đáp ứng 100% với doxycycline liều 100mg x 2 viên/ngày trong 5 - 7 ngày để hạn chế biến chứng và tử vong.
 
AN NHIÊN