Từ tấm lòng thầy giáo ở vùng dân tộc

09:11, 01/11/2018

Sinh năm 1972 tại Hà Nam, trải qua nhiều môi trường công tác, thầy giáo Trần Đăng Khoa (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng - xã Ia Tul - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai) tuy bị bệnh hiểm nghèo, nhưng thầy quyết định dành dụm số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng để tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh lớp 1 là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Sinh năm 1972 tại Hà Nam, trải qua nhiều môi trường công tác, thầy giáo Trần Đăng Khoa (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng - xã Ia Tul - huyện Ia Pa - tỉnh Gia Lai) tuy bị bệnh hiểm nghèo, nhưng thầy quyết định dành dụm số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng để tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh lớp 1 là người đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Bữa cơm đầy niềm vui. Ảnh: M.Lân
Bữa cơm đầy niềm vui. Ảnh: M.Lân
Nói chuyện với chúng tôi qua đường điện thoại từ Ia Tul, thầy Khoa bộc bạch: “Em cũng đã đi Singapore để chữa bệnh... nhưng ý thức được thời gian của mình không nhiều, thôi thì làm được gì hữu ích thì cố gắng. Đa phần trẻ em Gia Rai ở đây có hoàn cảnh khó khăn, học một buổi, một buổi theo cha mẹ lên nương rẫy... Nếu bố trí được buổi ăn trưa, các em sẽ có cơ hội ở lại trường và học tập tốt hơn, nhất là vốn tiếng Việt phổ thông. Tiền gom góp của cả hai vợ chồng cũng chỉ được chừng ấy, lúc đầu tính chỉ có 71 cháu nhưng giờ đã vọt lên 102 cháu nên phải đánh liều viết đơn gửi đại diện Báo Tiền Phong ở khu vực Tây Nguyên nhờ hỗ trợ thêm”.
 
Đầu tháng 8 năm 2018, nhà báo Hoàng Thiên Nga - Trưởng Đại diện Báo Tiền Phong sau khi tiếp nhận đơn đã lập tức liên hệ với người trong cuộc, với Phòng Giáo dục huyện Ia Pa để xác nhận thông tin, đích thân chị đã vượt 140 cây số từ thành phố Pleiku đến tận nơi để xác minh cụ thể hơn. Chị cho biết: Với số tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, vợ chồng thầy Khoa dự tính phương án chi khoảng 70 triệu đồng cho các bữa ăn, 30 triệu còn lại phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, nhưng nếu sau một năm học mà không có kế hoạch ổn định để duy trì thì mọi chuyện sẽ trở lại như cũ, huống nữa con số thực tế tăng lên 102 cháu. Bằng uy tín của mình, nhà báo Hoàng Thiên Nga đã liên lạc với Quỹ Trò nghèo vùng cao của ông Trần Văn Tuấn (chương trình “Bữa cơm có thịt” đã được quỹ này triển khai rất hiệu quả cho trẻ em dân tộc vùng cao Tây Bắc từ 4 năm qua), đồng thời thuyết phục Quỹ tham gia hỗ trợ cho trẻ em dân tộc khó khăn ở Tây Nguyên. Từ sự cam kết và nhập cuộc của Báo Tiền Phong, “Bữa cơm có thịt” đầu tiên đã được ra mắt từ ngày 1/10/2018 tại Gia Lai, dưới sự chứng kiến và ủng hộ của nhiều đại diện địa phương - các doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Trên 50 triệu đồng đã được huy động tại buổi ra mắt này, cùng 30 triệu đồng hỗ trợ của Quỹ Trò nghèo vùng cao... mang lại nhiều niềm vui cho con em đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Thầy Khoa trao đổi: Điều kiện sinh hoạt học tập của các cháu còn khó khăn nhiều lắm, đây chỉ là bước đầu giúp các cháu không bỏ học, bỏ lớp... lâu dài rất cần nhiều sự trợ giúp khác để nâng cao chất lượng học tập lên.
 
Sau nỗ lực kết nối với Trường Tiểu học Kim Đồng tại Ia Tul - Ia Pa - Gia Lai, Báo Tiền Phong mong muốn mở rộng sang nhiều điểm trường thật sự khó khăn thuộc cả vùng Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Quỹ Trò nghèo vùng cao đã từ Tây Bắc mở rộng đến Tây Nguyên và luôn cần sự tham gia trợ giúp của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội. Song, điều đáng trân trọng hơn cả, đó là: Trong bối cảnh ngành giáo dục - nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hành động cao cả của vợ chồng thầy giáo Trần Đăng Khoa đã làm nhiều người xúc động... Hình ảnh người thầy và nghề thầy vẫn thật đáng trân quý biết bao khi có thêm nhiều những con người như thế!
 
MINH LÂN