Đào tạo nghề nông thôn cần đi vào thực chất

08:11, 20/11/2018

Hoạt động dạy nghề nông thôn ở Đam Rông được cho rằng khá hiệu quả, bởi người dân sau khi học nghề đã có những kỹ năng để áp dụng vào cuộc sống và tìm việc làm.

Hoạt động dạy nghề nông thôn ở Đam Rông được cho rằng khá hiệu quả, bởi người dân sau khi học nghề đã có những kỹ năng để áp dụng vào cuộc sống và tìm việc làm.
 
Người lao động sau khi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp đã biết áp dụng cho nông cụ của gia đình. Ảnh: H.Y
Người lao động sau khi học nghề sửa chữa máy nông nghiệp đã biết áp dụng cho nông cụ của gia đình
Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn (LĐNT) và điều kiện của địa phương đang là một hướng đi được quan tâm hiện nay. Để làm được điều đó, Đam Rông đã phải tổ chức khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu loại nghề mà nông dân cần học. Bởi vì hiện nhu cầu học nghề của nông dân khá đa dạng, lại gồm nhiều đối tượng khác nhau, không thể đào tạo theo kiểu chung chung, không phân biệt độ tuổi, điều kiện từng người, từng vùng. 
 
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đam Rông cho biết, để đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt bà con dân tộc thiểu số đạt kết quả cao, trước hết cần thực hiện xã hội hóa việc tổ chức dạy nghề, tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo, có chế độ khuyến khích để thu hút giáo viên dạy nghề, xây dựng cơ cấu nghề dựa trên quy hoạch vùng sản xuất để sau khi học xong, người học kiếm được việc làm. Đồng thời đa dạng các loại hình đào tạo, có chế độ khuyến khích người học trong giai đoạn đầu để tạo thói quen tiếp cận cái mới, xóa bỏ tâm lý ỷ lại và dễ thỏa mãn. 
 
Trong năm 2018, huyện tuyển sinh và đào tạo 17 lớp nghề với 384 học viên với 5 nghề đào tạo và 2 nhóm nghề. Qua đó, nhiều mô hình đã khẳng định được hiệu quả và có khả năng nhân rộng như trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả ở các xã Đạ M’Rông, Đạ Rsal, Phi Liêng…
 
Việc triển khai đề án đào tạo nghề cho LĐNT giống như việc trao cho người nông dân chiếc cần câu. Từ đây, nông dân có thể tự thoát nghèo trên chính đồng đất của mình và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều gương nông dân, những mô hình kinh tế giúp đồng bào thoát nghèo. Chị Yuk Rơ La Y Bông (Thôn 2, xã Rô Men) chia sẻ, cũng như bao gia đình khác của huyện Đam Rông, kinh tế gia đình chị phụ thuộc vào cây cà phê là chính. Thế nhưng bước ngoặc để thay đổi cuộc sống gia đình chị là đầu năm 2018, huyện Đam Rông có tổ chức lớp dạy nghề nuôi tằm tại xã chị đã đăng ký tham gia học. Sau khi học thấy nhiều lợi ích chị quyết định phá 2 sào cà phê đang phát triển tốt để trồng dâu nuôi tằm. Nhờ vậy, gia đình chị có thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng. Giờ chị đã có tiền chi tiêu hằng ngày trong gia đình và có vốn để chăm sóc vườn cà phê của gia đình.
 
Còn đối với nhóm nghề phi nông nghiệp, sau khi kết thúc chương trình học, bà con đã áp dụng ngay những kiến thức, kỹ năng được học vào trực tiếp sản xuất tại hộ gia đình, nhằm giảm thời gian lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả lao động. Qua khảo sát đánh giá thì hiệu quả, năng suất canh tác sau khi được học nghề tăng; kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương.
 
Ông Thái cho biết thêm, công tác tạo việc làm cho nhóm nghề phi nông nghiệp tương đối khó khăn, do đặc thù trên địa bàn huyện không có các khu công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động. Vì vậy, việc làm của nhóm nghề phi nông nghiệp chủ yếu dựa vào nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp ngoài huyện nên không bền vững và thiếu tính ổn định. Từ đặc thù  như vậy, trong những năm gần đây, trung tâm tập trung đào tạo các nhóm nghề nông nghiệp nhằm bảo đảm kết quả đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực và tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, cho biết, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giải quyết được nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và thu nhập khá ổn định cho một số lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương và xây dựng nông thôn mới của huyện. Đặc biệt, thông qua việc học nghề, nhiều nông dân đã áp dụng vào sản xuất, tăng gia phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
HOÀNG YÊN