Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDÐT) và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2020 - 2021, triển khai Luật Giáo dục 2019 nhằm phát triển, nâng cao chất lượng GDÐT.
Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDÐT) và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2020 - 2021, triển khai Luật Giáo dục 2019 nhằm phát triển, nâng cao chất lượng GDÐT.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2010 của Sở GDĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa nhấn mạnh: Năm học 2019 - 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Do đó, ngành Giáo dục Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; đồng thời, chủ động thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở GDĐT cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ chủ yếu và nhóm giải pháp cơ bản.
|
Học sinh Trường THPT Đức Trọng. Ảnh: Văn Báu |
9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu
Theo bà Hải, trong năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tiếp tục chủ động thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các huyện, thành phố với mục tiêu: sắp xếp mạng lưới trường, lớp theo hướng tinh gọn, phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Con người - nhân tố quan trọng quyết định đến thành công của việc đổi mới, căn bản toàn diện GDĐT, vì vậy, ngành Giáo dục đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý (GV, CBQL) giáo dục các cấp. Theo đó, thực hiện bồi dưỡng GV, CBQL nhằm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục trong năm học 2019 - 2020 là triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học.
Thực hiện có hiệu quả Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo được chú trọng. Tiếp tục thực hiện chương trình ngoại ngữ theo chuẩn cấp học. Phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục. Thực hiện giải pháp tuyển sinh trực tuyến đầu cấp học và sử dụng hồ sơ điện tử. Khuyến khích triển khai mô hình lớp học thông minh ở những đơn vị có điều kiện.
Thực hiện cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục công lập, ngành Giáo dục đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục theo quy định. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDĐT.
Thực hiện hội nhập quốc tế trong GDĐT, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín để thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại địa phương.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GDĐT. Đặc biệt, bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực, phù hợp nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra các cấp học và sinh viên trường CĐSP.
|
Học sinh Lâm Đồng háo hức đón chào năm học mới. Ảnh: V.H |
5 nhóm giải pháp cơ bản
Cũng theo bà Hải, năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục Lâm Đồng tiếp tục thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, quyết tâm khắc phục, tạo chuyển biến căn bản các vấn đề về GDĐT mà xã hội quan tâm.
Theo đó, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GDĐT. Tổ chức triển khai các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2019. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo quyết định, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT và UBND tỉnh.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của CBQL giáo dục các cấp. Triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên CBQL giáo dục các cấp. Thực hiện tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm; đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thiết thực, khách quan, công bằng.
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT. Thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật. Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển GDĐT giai đoạn 2019 - 2025.
Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, đặc biệt công nhận trường chuẩn quốc gia nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu trường công lập đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐT, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới GDĐT, trước hết là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đổi mới cải tiến công tác chỉ đạo, quản lý thi đua khen thưởng, xây dựng điển hình tiên tiến, trong đó chú trọng 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới của ngành.
VIỆT HÙNG