Vượt qua 1.027 đội thi với sự tham gia của gần 10 ngàn người, giải nhất của Hội thi "Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được trao cho đội thi Đảng bộ Khối Các cơ quan (ĐBKCCQ) tỉnh. Đó không chỉ là giải nhất của một hội thi mà còn là giải nhất của tinh thần đồng đội.
Vượt qua 1.027 đội thi với sự tham gia của gần 10 ngàn người, giải nhất của Hội thi “Tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được trao cho đội thi Đảng bộ Khối Các cơ quan (ĐBKCCQ) tỉnh. Đó không chỉ là giải nhất của một hội thi mà còn là giải nhất của tinh thần đồng đội.
|
Đội thi Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu |
Anh em nỗ lực vì nhau
Gặp đồng chí Lương Văn Mừng - Trưởng Ban Tuyên giáo, Dân vận ĐUKCCQ tỉnh, ngay sau khi kết thúc Hội thi, đồng chí phấn khởi nhận định: “Đội thi của ĐBKCCQ tỉnh gồm 21 thành viên đến từ nhiều đơn vị thuộc Khối. Mỗi thành viên có nhiệm vụ khác nhau: Người vừa thi kiến thức vừa làm đạo cụ, người vừa tham gia tiểu phẩm vừa kể chuyện... Song điểm chung ở họ là sự tương trợ lẫn nhau. Hơn 100 ngày anh em cùng nhau xây dựng ý tưởng, kịch bản, dàn dựng và tập luyện, lần lượt vượt qua các vòng thi. Để rồi đến vòng chung kết, anh chị em đã diễn xuất vô cùng xuất sắc, cống hiến cho khán giả một tác phẩm sân khấu hoàn hảo về cả nội dung và nghệ thuật”.
Kết thúc cuộc thi với giải thưởng cao nhất đã đọng lại trong tất cả 21 thành viên của đội nhiều cảm xúc. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong hơn 3,5 tháng hành trình là nhìn thấy những nỗ lực của nhau. Ngoài công việc chuyên môn phải hoàn thành, việc gia đình không thể bỏ bê, các thành viên ai cũng nỗ lực đến mức “quên ăn, quên ngủ” để tham gia cuộc thi. Cứ lần lượt vượt qua các vòng thi, tinh thần ấy như lại càng mạnh mẽ. Đó là bạn Sỹ công tác tại Sở VHTT&DL đảm nhiệm công tác hậu cần và kết nối anh em nhưng thiếu người vẫn phải kiêm thêm việc tập tiểu phẩm. Đó là các bạn trẻ công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo, thời điểm đầu năm học mới bận rộn với vô vàn sổ sách vẫn không vắng mặt hôm nào. Đó là bạn Lợi đến từ Thư viện tỉnh, con còn rất nhỏ song ở nhà vẫn tự tập kịch bản chuyên cần để đến lúc ráp bài với anh em mọi việc diễn ra suôn sẻ. Đối với việc tập kịch cho phần thi tiểu phẩm thì ngoài kỹ năng còn cần chút năng khiếu. Bởi vậy, với các bạn chưa bao giờ lên sân khấu hoặc cũng không phải nhóm người có năng khiếu với sân khấu thì mọi việc vất vả vô cùng. Và các anh chị là lãnh đạo ĐUKCCQ, lãnh đạo các phòng, ban thuộc các sở, mặc dù không bao giờ xuất hiện trên sân khấu vẫn thường xuyên theo dõi để động viên, góp ý, giúp đỡ... các thành viên trong đội thi vững tin.
Một bông hoa đâu làm nên vườn hoa đẹp
Ngoài giải nhất chung cuộc, Đội thi ĐBKCCQ tỉnh còn có thành viên Phạm Ngọc Uyên Thao được trao giải nhất cá nhân về kể chuyện. Nhưng Uyên Thao khẳng định rằng: “Mình chỉ nhận giải thay cho toàn đội. Vì một cánh én đâu làm nên mùa xuân, một bông hoa đâu làm nên vườn hoa đẹp”.
Là người viết kịch bản và dàn dựng cho không ít sự kiện nên Uyên Thao có khá nhiều kinh nghiệm khi bước vào cuộc thi. Tuy nhiên, tất cả anh em trong đội thi đều là người không chuyên nên mọi việc vẫn vô cùng nhọc nhằn. Từ việc mua vật dụng về cưa, đục, đẽo để cho ra hình hài cánh sen dựng trên sân khấu, cho đến những đêm tập luyện đến vã mồ hôi... “Nhìn thấy tinh thần cố gắng của anh em nên không cho phép mình hay bất cứ ai qua loa, hình thức với cuộc thi”, Uyên Thao nói.
Để tránh sự nhàm chán, đơn điệu trong lựa chọn nhạc nền so với các đội thi còn lại, Uyên Thao đã chọn phương án không để một nền nhạc cứ vang lên đều từ đầu tới cuối mà phải cho người nghe có độ lắng, chỉ nghe tiếng người kể. Và đến cao trào như khi tiếng những đứa trẻ reo lên “a, Bác Hồ, Bác Hồ” và để cả người kể, khán giả có thể cùng nức nở với chị Tín trong câu chuyện Bác Hồ đi thăm và chúc Tết dân nghèo, âm nhạc sẽ trở thành lực đẩy mạnh cho cảm xúc thực sự vỡ òa. Bên cạnh đó, thế mạnh của người từng là sinh viên khoa Văn đã cho Phạm Ngọc Uyên Thao sự rung cảm, bổ sung những câu viết mang tính cảm xúc vào kết cấu câu chuyện.
Phạm Ngọc Uyên Thao hiện đang công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, song trước đó cô từng công tác tại Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh. Sân khấu đối với Uyên Thao như một mối duyên đẹp. Năm 2013, khi làm cộng tác viên của TTVH tỉnh để tham gia cuộc thi kịch ngắn, kịch vui không chuyên toàn quốc do Cục Văn hóa tổ chức tại Bình Dương; vai diễn một cô giáo trẻ vừa ra trường trong tiểu phẩm Đảo gọi do Uyên Thao đảm nhận đã được xướng tên diễn viên trẻ xuất sắc và nhận Huy chương Vàng. Cũng từ đó, Uyên Thao chính thức bén duyên với TTVH tỉnh.
Từ những ngày đầu bước chân vào TTVH tỉnh, Thao được giao đọc lời bình trong các dịp Phật Đản, chương trình Ngày Gia đình Việt Nam. Và đến Festival Hoa Đà Lạt năm 2013, trong Chương trình “Đà Lạt một câu chuyện tình”, Uyên Thao được tin tưởng giao đọc lời bình. Và suốt từ đó đến nay, những cơ duyên đã lần lượt đến với Uyên Thao để cô vừa học vừa trau dồi và trở thành MC cho các chương trình trong và ngoài tỉnh. Giải nhất là điều quá tuyệt vời nhưng những tràng pháo tay và cả những giọt nước mắt là những điều lắng đọng nhiều ý nghĩa đối với cả Uyên Thao và toàn đội. Để rồi họ nhận về không chỉ là giải nhất của một cuộc thi mà còn là giải nhất của tình đồng đội.
N. NGÀ