Sau 5 năm triển khai đánh giá "Cộng đồng học tập" cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo...
Sau 5 năm triển khai đánh giá “Cộng đồng học tập” (CĐHT) cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT), đến nay, đã có 12/12 huyện, thành của tỉnh Lâm Đồng thực hiện đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã. Qua đó, mang lại cơ hội học tập cho cộng đồng ở xã/phường/thị trấn, xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở.
|
Trao học bổng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện học tập. Ảnh: V.Hùng |
Từ 20 xã/phường/thị trấn được chọn thí điểm xây dựng mô hình CĐHT cấp xã, đến nay, toàn tỉnh có 147/147 xã/phường/thị trấn đăng ký xây dựng CĐHT cấp xã. Kết quả có 68 cấp xã (chiếm 46,3%) xếp loại tốt, 59 cấp xã (chiếm 40,1%) xếp loại khá, 19 cấp xã (chiếm 12,9%) xếp loại trung bình, 1 cấp xã (chiếm 0,68%) chưa đạt. Trong đó, Đà Lạt, Đơn Dương, Đạ Tẻh là những địa phương có nhiều đơn vị cấp xã xếp loại tốt.
Theo Nhà giáo Ưu tú Thái Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt: Sau mỗi năm triển khai, quy trình lại được bổ sung điều chỉnh nên những khó khăn trở ngại trong việc triển khai đề án trên địa bàn thành phố đã được khắc phục. Do đó, việc đánh giá, xếp loại các mô hình “Gia đình học tập” (GĐHT), “Dòng họ học tập” (DHHT), CĐHT và “Đơn vị học tập” (ĐVHT), đặc biệt đánh giá xếp loại CĐHT cấp xã đạt một số kết quả: Toàn thành phố có trên 92% gia đình được công nhận GĐHT, 100% dòng họ đạt DHHT, 100% thôn/tổ dân phố đạt CĐHT, 48% đơn vị đạt ĐVHT, 16/16 phường, xã đạt CĐHT cấp xã. Qua đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về quyền lợi và nghĩa vụ của từng cá nhân, của cả cộng đồng, đơn vị trong việc góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng thành công XHHT tại địa phương. Đồng thời, hằng năm tiêu chí đánh giá GĐHT tiếp tục được Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa thành phố đưa vào tiêu chí đánh giá Gia đình văn hóa, tạo thuận lợi cho cơ sở khi tập hợp danh sách gia đình được công nhận GĐHT, công nhận CĐHT cho tổ dân phố, thôn...
Để triển khai việc đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT tại địa phương, Sở GDĐT đã có hướng dẫn hồ sơ và các biểu mẫu đánh giá xếp loại. Hội Khuyến học từ tỉnh đến các huyện tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức cho các cấp, ngành và người dân về đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập cũng như tập huấn triển khai bộ 15 tiêu chí đánh giá theo quy định và các quy trình thực hiện. Đồng thời, tham mưu UBND các cấp thành lập Ban chỉ đạo xây dựng XHHT. Hội Khuyến học cấp xã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện, đánh giá, xếp loại các danh hiệu học tập, gắn kết các tiêu chí của CĐHT cấp xã với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đăng ký mức xếp loại, tích cực thu thập minh chứng; phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị trường học thực hiện việc tự kiểm tra, đánh giá, xếp loại hằng năm.
Đánh giá của Sở GDĐT, trong quá trình xây dựng, đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã, nhận thức về vai trò của CĐHT cấp xã ngày càng được nâng lên. Trên địa bàn tỉnh, hầu như ở bất cứ đơn vị nào, khi triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã thì các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã có nhận thức đúng về việc xây dựng XHHT là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp GDĐT, động viên Nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng GĐHT, DHHT, CĐHT được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã. Các ngành, đoàn thể đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của ngành mình, tổ chức, tham gia vào giám sát và đánh giá những tiêu chí được phân công. Xây dựng CĐHT cấp xã tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Qua đó, giúp xã/phường/thị trấn tự đánh giá để lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng CĐHT phù hợp với thực tế của địa phương.
“Xác định công tác đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã là việc làm thường xuyên, hàng năm để giúp cho các đơn vị địa phương cấp xã đánh giá thực chất và hiệu quả hơn công tác xây dựng XHHT tại địa phương. Qua đó, góp phần đánh giá về sự chuyển biến nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học tập suốt đời, học tập thường xuyên để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương... Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng để huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã một cách thiết thực, hiệu quả”, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho hay.
VIỆT HÙNG