"Lộc Đức của những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước là một vùng đất hoang sơ với rất nhiều khó khăn chồng chất", ông Đặng Thế Linh - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Đức mở đầu câu chuyện về chặng đường 40 năm mà Lộc Đức vừa trải qua...
“Lộc Đức của những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước là một vùng đất hoang sơ với rất nhiều khó khăn chồng chất”, ông Đặng Thế Linh - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Đức mở đầu câu chuyện về chặng đường 40 năm mà Lộc Đức vừa trải qua. Để rồi, Lộc Đức ngày hôm nay là một vùng đất trù phú với những đồi cà phê ngút ngàn, những vườn dâu xanh mướt, cùng những vườn bơ, sầu riêng, hồ tiêu, cây ăn trái trĩu cành... mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
|
Trong những năm qua, cùng với việc trồng cà phê và một số loại cây khác, người dân xã Lộc Đức còn phát triển thêm nghề tiểu thủ công để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Ảnh: T.Chu |
Ký ức thời mở đất
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Đức - ông Đặng Thế Linh cho hay: Năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, các tổ viên trong 3 hợp tác xã Đức Giang, Đông La, Tiền Yên (thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Sơn Bình) đi kinh tế mới, vào xây dựng vùng kinh tế mới Đạ Nga (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lộc). Trên cơ sở nhân lực và vật lực đó, năm 1979, xã Lộc Đức được thành lập, tách ra từ xã Lộc Ngãi. Ngay từ những ngày đầu gian khổ ấy, lực lượng tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới Lộc Đức (hơn 170 hộ, khoảng 800 khẩu) đã khai hoang hàng trăm hecta đất, mở gần 70 km đường giao thông, làm 5 cây cầu cống tạm, xây dựng hàng trăm căn nhà và đào hàng trăm giếng nước. Ngoài ra, các tổ sản xuất cũng từng bước đi vào ổn định, hệ thống giáo dục (cấp 1 và cấp 2) được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế hình thành, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường. “Ký ức của thế hệ đi mở đất vẫn còn nhớ như in những con đường mùa mưa thì trơn trượt, lầy lội, còn mùa khô thì bụi đỏ vàng da và không một ai có thể quên tên con Dốc Độc, quên 2 cây cọ bắc qua cầu Ông Nghĩa, quên 2 thanh sắt bắc qua cầu Ông Can, cũng không ai quên được những cú trượt ngã ở cầu Tiền Yên mỗi lần mùa mưa muốn đi từ xã Lộc Đức ra trung tâm huyện Bảo Lâm”, ông Đặng Thế Linh chia sẻ.
Ông Đặng Thế Linh chia sẻ thêm: Ở những năm đầu mới thành lập, tình hình FULRO trên địa bàn xã Lộc Đức cũng hết sức phức tạp. Lộc Đức có núi B’Kẻ - nơi lực lượng vũ trang phản động FULRO đóng chân. Chúng thường xuyên tổ chức thành từng tốp từ 3 đến 5 tên tiến hành đột nhập vào các thôn, bon như Tân Rai (thị trấn Lộc Thắng) và B’Dơr, B’Kọ (xã Lộc An) cướp tài sản, hoặc chặn đường người dân đi làm rẫy, gây hoang mang cho Nhân dân. “Trước tình hình đó, xã Lộc Đức phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang xã Lộc Ngãi và xã Lộc An, cùng với sự hỗ trợ, tăng cường của lực lượng vũ trang Bảo Lộc tiến hành truy quét FULRO tại núi B’Kẻ, Ngã 3 Mắm Ruốc, phía Tây núi Sà Lùng. Qua những lần truy quét đó, lực lượng du kích xã Lộc Đức đã tiêu diệt được 2 tên FULRO ở núi B’Kẻ, tiêu diệt được một toán lính FULRO ở phía Tây núi Sà Lùng, bắn bị thương rồi bắt sống Phó Tỉnh trưởng FULRO Lâm Đồng cùng nhiều súng, tài liệu phản động”, ông Đặng Thế Linh cho hay.
Mặc dù gian khó là vậy, cả trong giai đoạn mới thành lập lẫn về sau này, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lộc Đức đã vượt lên tất cả, luôn một lòng đoàn kết, khai thác tốt nhất các nguồn lực, quyết đưa Lộc Đức phát triển bền vững. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã đạt trên 8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 28 triệu đồng/năm (tăng hơn 22 lần so với năm 1995), giá trị kinh tế trên 1 ha đất canh tác đạt 130 triệu đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 1995)... Hiện, xã Lộc Đức chỉ còn 45 hộ nghèo, 165 hộ cận nghèo. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lộc Đức đã gặt hái được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, kết quả đã đưa xã nhà cán đích xã nông thôn mới vào năm 2016.
Trong những năm tới
Trải qua chặng đường 40 năm hình thành và phát triển, những thành tựu xã Lộc Đức đạt được thật đáng tự hào. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tự trọng, chủ động khắc phục khó khăn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lộc Đức luôn nỗ lực phát huy trong suốt 40 năm. Thành tựu rõ nhất và sinh động hơn cả, đó là đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn xã Lộc Đức càng ngày càng thay đổi, khởi sắc, phát triển khá toàn diện.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, xã Lộc Đức còn những hạn chế, cần có các biện pháp khắc phục. Theo đó, xã Lộc Đức hiện vẫn là một xã thuần nông, ít lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Cạnh đó là nguồn thu ngân sách hạn hẹp (tổng thu ngân sách chỉ đáp ứng hơn 20% tổng chi ngân sách), cơ sở hạ tầng nông thôn, trình độ sản xuất... thấp. Vì vậy, sức bật về phát triển kinh tế có phần hạn chế. “Để đạt được mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lộc Đức khóa X đề ra đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Lộc Đức cần phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, tập trung huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nhất là tích cực tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn vốn của cấp trên, các tổ chức, cá nhân, kết hợp với nguồn lực địa phương tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mang lại đời sống ấm no cho Nhân dân”, ông Đặng Thế Linh nhấn mạnh.
TRỊNH CHU