(LĐ online) - Trong những ngày này, mỗi công dân có trách nhiệm đều đang tự vấn, bản thân mình đã làm gì để chung tay, góp sức vào sự nghiệp chung: Kiềm chế, đẩy lùi Covid-19, trận đại dịch đang từng phút, từng giờ đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân, đe dọa sự bình yên của toàn nhân loại?!...
(LĐ online) - Trong những ngày này, mỗi công dân có trách nhiệm đều đang tự vấn, bản thân mình đã làm gì để chung tay, góp sức vào sự nghiệp chung: Kiềm chế, đẩy lùi Covid-19, trận đại dịch đang từng phút, từng giờ đe dọa tính mạng, sức khỏe người dân, đe dọa sự bình yên của toàn nhân loại?!...
|
Mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì tôm và rau củ. Ảnh: Võ Lan |
Cả đất nước đang phải sống trong những ngày vô cùng khó khăn, nhất là không gian cao điểm của 14 ngày người Việt Nam “cách ly toàn xã hội”. Đó là một trong những cách góp phần đẩy lùi đại dịch Covid-19 đanh hoành hành trên khắp thế giới. Nhiều tháng ngày đã qua và có thể còn nhiều ngày tháng nữa, toàn dân ta phải chấp nhận một đời sống có nhiều khác biệt với nhịp điệu thường tình. Đảng, Chính phủ và các cơ quan hữu trách đang nỗ lực chỉ đạo, thực thi những giải pháp hữu hiệu nhất để kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh. Người dân trên mọi miền Tổ quốc đang đồng hành, sát cánh bên nhau vì sự an toàn tính mạng, sức khỏe của quốc gia có gần 100 triệu đồng bào, trong một thế giới 7,5 tỉ người cũng đang cùng gánh chung hoạn nạn. Chúng ta phải tìm cách thích ứng với hoàn cảnh, nhưng hơn hết, phải nắm tay nhau, đồng cảm và chia sẻ khó khăn.
Khắp cộng đồng, trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông đại chúng, một cụm từ xuất hiện với tần số cực cao trong những ngày cách ly toàn xã hội: “Ở nhà là yêu nước”. Vâng, “stay at home”. Ngồi yên để giữ sự bình yên cho chính mình, người thân và xã hội. Ngồi yên để không mang đến những bất an và tăng thêm sự khó khăn, tạo thêm gánh nặng cho chính quyền và các cơ quan chức năng vốn đang phải đối diện với muôn vàn áp lực. Là những công dân Việt Nam có trách nhiệm, chúng ta đang cùng nhau thực hiện một trạng thái “ngồi yên” mà không “lặng im”. Ngồi yên trong ngôi nhà thân thuộc với những người ruột thịt, để sẻ chia, cộng cảm và thực hiện công việc theo chức nghiệp của mỗi người. Người cán bộ Nhà nước vẫn ôm chiếc máy tính, điện thoại để trao đổi với cộng sự những vấn đề thực thi công vụ. Người trí thức tập trung trí não cho công trình nghiên cứu. Thầy cô giáo vẫn miệt mài với trang giáo án điện tử và giao tiếp hằng ngày với học trò của mình trên nền tảng trực tuyến. Rất nhiều văn nghệ sĩ đã chọn những ngày “stay at home” để thể hiện trách nhiệm công dân bằng sự lan tỏa cảm xúc qua âm nhạc, hội họa, điện ảnh, thi ca. Nhiều bạn trẻ “ngồi trong nhà” mà làm nhiều việc hữu ích, gửi những thông điệp lạc quan và yêu thương đến với cộng đồng…
* * *
Ở nhà, lặng lẽ nhưng trong tâm hồn không hề lặng yên. Với trẻ em, các cháu tự sắp xếp việc học, việc chơi an toàn trong những ngày đại dịch đã là điều đáng mừng, nhưng không chỉ thế. Những em bé học sinh tiểu học, tự tay mình đập con heo đất, gom những đồng tiền lẻ được người lớn mừng tuổi hay tiết kiệm ăn sáng và gửi tới ủng hộ các cô chú bộ đội, y tế đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Việc làm ấy không hoàn toàn hồn nhiên, mà xuất phát từ nhận thức và lòng từ tâm. Những đứa trẻ, có lúc chúng ta cứ tưởng là chúng còn non nớt, thì bây giờ đã phải nghĩ và hiểu các cháu đúng hơn. Những bà mẹ liệt sĩ, mẹ mạnh khỏe là xã hội đã vui rồi, nhưng cũng không phải vậy, mẹ già đã gom ít cân gạo ruộng, quả trứng gà mẹ nuôi, bó rau mẹ tự trồng rồi đi bộ đường xa đến góp vào khẩu phần ăn của người dân trong các khu cách ly. Những chủ nhà trọ vốn lấy việc cho thuê nhà làm kế mưu sinh nhưng nay đã chia sẻ với người công nhân nghèo bằng cách miễn tiền thuê cho họ trong những ngày chật vật. Các chị buôn bán nhỏ góp cùng nhau nấu những nồi bánh chưng, bánh tét mang biếu các bác xe ôm trong những ngày không khách. Bà bán tạp hóa đầu phố chuẩn bị mỗi ngày hàng chục suất quà gửi tặng những người bán vé số trong những ngày xổ số dừng phát hành. Phụ nữ, thanh niên nông thôn gom góp cùng nhau chút kinh phí eo hẹp rồi may khẩu trang, mua nước diệt khuẩn phát miễn phí cho những người nghèo. Chiếc máy “ATM gạo” chia sẻ với những người nghèo khó đã trở thành dòng suối ngọt ngào chảy tràn lòng nhân ái, kết nối cộng đồng trong nghĩa yêu thương…
Rất nhiều, rất nhiều những chia sẻ, những tình cảm thấu tròn đạo lý dân tộc Việt Nam “bầu bí chung giàn” đã hiện hữu trong từng xóm làng, khu phố và lan tỏa khắp rộng dài đất nước. Đó là những ngọn lửa tình người, sưởi ấm lòng trong nghĩa đồng bào, truyền đi thông điệp cùng nắm chặt tay nhau vượt qua những ngày gian khó bủa vây!
* * *
“Ở nhà là yêu nước”, nhưng có những con người không được quyền lựa chọn lòng yêu nước bằng cách ở nhà. Với chức trách, nhiệm vụ và tình thương của mình, họ đang phải lăn xả trên tuyến đầu chống dịch. Những cán bộ y tế hằng tháng nay không được ghé thăm nhà, phải đối diện với hiểm nguy từng phút từng giây, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu sống bệnh nhân. Những chiến sĩ biên phòng giường đất, gối sương làm nhiệm vụ nơi góc rừng biên giới. Những người lính đã nhường chiếc giường êm, chăn ấm của mình cho những người dân đang phải sống tạm ở các khu cách ly, lo từng bữa ăn cho dân ngon miệng còn bản thân thì mì tôm, nước lã qua ngày. Và thật nghẹn lòng khi phải chứng kiến những đồng nghiệp của chúng ta, những người làm báo, họ lăn xả thực tế, bám sát nguồn thông tin tuyến đầu và đã có người không may nhiễm bệnh…
“Chống dịch như chống giặc”- thông điệp ấy nói lên rất nhiều điều. Nhưng điều quan trọng nhất làm nên sức mạnh để vượt qua trong những thời điểm khó khăn chính là sự cố kết cộng đồng, là tinh thần đoàn kết, là tình người, là sự sẻ chia trong cơn hoạn nạn. Đạo lý ấy, người Việt Nam chúng ta đã từng thấm, từng trao truyền trong từng dòng ký ức của dân tộc mình.
UÔNG THÁI BIỂU