43 năm chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai và tuổi đời 60 có lẻ, dù bươn chải một thời bao cấp cực kỳ thiếu thốn, khó khăn của một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên chậm phát triển,...
43 năm chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai và tuổi đời 60 có lẻ, dù bươn chải một thời bao cấp cực kỳ thiếu thốn, khó khăn của một tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên chậm phát triển, rồi là chứng nhân 35 năm đổi mới thổi luồng sinh khí mới khiến đời sống ngày càng tươi tắn hơn, tôi không ít lần nghe bạn bè từ Bắc tới Nam đến thăm xứ sương mù xuýt xoa: "Định cư ở miền ôn đới này, ông quả là được hưởng lợi gấp mấy lần chúng tôi. Phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành, con người hiền hòa, an nhiên. Thành phố này quả thật đáng sống!".
|
Nhà hàng Thủy Tạ - một trong những biểu tượng đẹp của Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang |
"Thành phố quả thật đáng sống" - tôi nhiều lần thầm xiết đỗi tự hào vì điều đó. Với cảm nhận của người làm báo trên 40 năm, trong tôi xứ hoa anh đào là một miền đất giàu ký ức tốt đẹp tựa bãi bồi đầy đặn phù sa đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho Đà Lạt từng bước trở mình phát triển đổi thay và vững tin trên đường hội nhập quốc gia, quốc tế.
Ký ức được các thế hệ công dân Đà Lạt mãi mãi tự hào đó là truyền thống cách mạng nảy mầm trên cao nguyên từ rất sớm. Ngược dòng thời gian, những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chiêu mộ người Kinh từ các nơi khác đến Lâm Viên - Đồng Nai Thượng để khai thác kinh tế và xây dựng Đà Lạt (thuộc tỉnh Lâm Viên) thành nơi nghỉ dưỡng. Người dân đến Đà Lạt đều từ những địa phương giàu truyền thống cách mạng, bị áp bức bóc lột nặng nề nên có tinh thần đoàn kết đấu tranh... Năm 1928, Đảng Tân Việt cách mạng, một tổ chức yêu nước đã có cơ sở ở Trung Kỳ, Nam Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Đầu năm 1929, đồng chí Trần Hữu Duyệt, quê Nhượng Bản, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, cán bộ Đảng Tân Việt đến Đà Lạt thành lập Chi bộ Tân Việt tại căn nhà thuộc dãy "nhà thiếc" nay là nhà số 5A đường Hồ Tùng Mậu. Chi bộ gồm 3 đảng viên do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư. Chi bộ trực thuộc Liên tỉnh Ngũ Trang, một cơ quan lãnh đạo của Đảng Tân Việt phụ trách các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng. Chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng và xây dựng cơ sở trong công nhân, công chức, trí thức. Cuối năm 1929, chi bộ kết nạp thêm một số đảng viên và phong trào cách mạng ở Đà Lạt có bước chuyển biến mới. Tháng 4/1930, Liên tỉnh Ngũ Trang tổ chức Hội nghị ở Tân Mỹ (Ninh Thuận) để công bố việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở các tỉnh Cực Nam. Đồng chí Trần Hữu Duyệt, nguyên Bí thư Liên tỉnh Ngũ Trang được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và tiếp tục chỉ đạo Đà Lạt. Trong tháng 4/1930, sau khi dự Hội nghị ở Tân Mỹ về, đồng chí Trần Diệm - có tên là Trần Ngọc Diệm, quê ở Láng Thôn, Hưng Nguyên, Nghệ An - là công nhân lái xe Khách sạn Palace (Đà Lạt) đã triệu tập hội nghị để thực hiện quyết định giải thể Chi bộ Tân Việt Đà Lạt và thành lập Chi bộ Cộng sản. Hội nghị tổ chức tại tầng gác căn buồng số 2 nhà xe Khách sạn Palace. Như vậy, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lâm Viên được thành lập ở Đà Lạt, gồm 3 đảng viên do đồng chí Trần Diệm làm Bí thư... Từ một đốm lửa nhỏ đã thổi bùng trên miền cao nguyên giá lạnh ngọn đuốc yêu nước khổng lồ rực sáng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ Đà Lạt - Lâm Viên, nhiều thế hệ đảng viên đã được điều động sẻ chia cho phong trào cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ... Có người ngược ra Bắc, có đồng chí xuôi vào Nam... Họ đã hòa vào dòng sông lớn là cùng đồng bào cả nước làm nên sự kiện lịch sử trọng đại, mở bước ngoặt đổi thay cho dân tộc Việt Nam: Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và Chiến thắng mùa Xuân 1975 đánh cho "Mỹ cút, ngụy nhào", thu non sông về một mối. Ngọn đuốc yêu nước ấy tiếp tục khơi dòng nhiệt huyết cư dân phố núi trong sự nghiệp đổi mới xây dựng, kiến thiết quê hương ngày thêm giàu đẹp, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của một miền đào nguyên. Ôn cố tri tân, chúng ta tự hào bởi chỉ từ 1 chi bộ với 3 đảng viên - 3 hạt giống đỏ ban đầu, trải qua 90 năm tôi luyện, trưởng thành hiện toàn Đảng bộ thành phố Đà Lạt có 60 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với lực lượng hùng hậu 7.342 đảng viên.
Có ai đó nói rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, với tôi những con số so sánh không hề đơn điệu, khô khan mà nó thực sự có hồn và biểu cảm. Là một trong bốn trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, năm 2019, thành phố Đà Lạt - vẫn giữ vững vị thế là đầu tàu của nền kinh tế Lâm Đồng. Đơn cử: Mức tăng trưởng kinh tế của Đà Lạt (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10,6% trong khi kế hoạch giao là 10,4%. Kinh tế - xã hội phát triển tương đối toàn diện, đã góp phần nâng GRDP bình quân đầu người lên 105 triệu đồng/người/năm, vượt so với kế hoạch đặt ra... Để Đà Lạt bốn mùa hoa gặt hái mùa hoa bội thu ấy không thể thiếu nhịp đập những trái tim tâm huyết của các thế hệ đảng viên hôm nay. Họ đã và đang phát huy tinh thần tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực, đưa thành phố quê hương yêu dấu vươn lên ngang tầm là trung tâm hành chính - kinh tế - xã hội của tỉnh. Lớp lớp thế hệ đảng viên đã sát cánh như một rừng cây đồng tâm, dốc tâm sức phấn đấu cống hiến xây dựng thành phố Festival Hoa nổi danh thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành", thành phố thông minh trong thời hội nhập.
Trong dòng chảy lịch sử, Đà Lạt là vùng đất hội tụ nét đẹp truyền thống, tinh hoa của cư dân ba miền Bắc - Trung - Nam. Sớm giao thoa với thế giới nên nơi đây cũng diễn ra sự tiếp biến của những nét ưu việt của văn hóa Nho giáo - phương Đông và văn hóa tiến bộ châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX... Với khí hậu, cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, ngay từ khi hình thành và trong quá trình 126 năm phát triển Đà Lạt luôn ý thức trách nhiệm, thiên chức của mình là phấn đấu trở thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc tế. Do đó, với tôi, một ký ức nữa không thể không đề cập, đó là thành phố luôn được chăm chút để xứng đáng là miền đất "mang cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe".
Câu chuyện bắt đầu từ sau khi tìm ra cao nguyên Lang Biang vào năm 1893, năm 1897, bác sĩ Alexandre Yersin đã đề xuất với toàn quyền Paul Doumer chọn cao nguyên Lang Biang để thành lập nơi nghỉ dưỡng trên vùng cao cho bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Năm 1901, ông Paul Champoudry được cử làm thị trưởng, đã thiết lập một họa đồ tổng thể phát triển Đà Lạt. Cũng năm này, Hội đồng Quốc phòng Đông Dương họp ở Đà Lạt và quyết định chọn Lang Biang làm nơi nghỉ dưỡng. Ngày 31/10/1920, Toàn quyền Maurice Long ký Nghị định thành lập thị xã Đà Lạt, nâng khu tự trị Đà Lạt lên thành một thị xã hạng hai trực thuộc chính quyền Đông Dương với những quy chế rộng rãi, Sở Nghỉ dưỡng Lang Biang và Du lịch Nam Trung Kỳ được thành lập. Năm 1921, Toàn quyền Maurice Long giao cho kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập "Đồ án chỉnh trang tổng quát" để quản lý việc xây dựng phát triển. Theo đồ án, Đà Lạt sẽ là thành phố nghỉ mát trên cao và là thủ đô Đông Dương trong tương lai. Theo đồ án của Hébrard: Trên một vùng thiên nhiên rộng lớn của cao nguyên, thành phố được bố trí, sắp đặt trong phạm vi có diện tích khoảng 30.000 ha (bề ngang 7 km theo hướng đông - tây, bề sâu 4,3 km theo hướng bắc - nam). Đây là diện tích hợp lý cho một thành phố vườn với quy mô dân số từ 30.000 đến 50.000 người (lúc đó dân số Đà Lạt chỉ khoảng 1.500 người). Đầu năm 1940, Toàn quyền Decoux giao cho kiến trúc sư J. Lagisquet chủ trì nghiên cứu xây dựng đồ án chỉnh trang và phát triển thành phố. Năm 1943, đồ án được Toàn quyền Decoux chấp thuận ban hành kèm theo một chương trình địa dịch với các chức năng của thành phố là: "Trung tâm hành chính trung ương, trạm nghỉ mát vùng cao, thành phố nghỉ dưỡng trung tâm được tuyển chọn cho thanh niên, trung tâm văn hóa tinh thần". Từ năm 1945 đến 1954, kể từ ngày 14/4/1950 Bảo Đại ra Dụ số 6/QT/TG xác định Đà Lạt thuộc Hoàng triều Cương thổ, hạn chế sự nhập cư của người Việt... nên các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng có phần chững lại. Từ năm 1954 đến 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm có kế hoạch phát triển Đà Lạt khá quy mô, xây dựng các công trình văn hóa - nghệ thuật, chỉnh trang đô thị; các công trình công cộng được quan tâm đầu tư. Với chương trình đầu tư xây dựng phát triển Đà Lạt thành một trung tâm du lịch quốc tế, nhiều công trình cơ sở hạ tầng đô thị được chỉnh trang, nâng cấp. Năm 1961, Nha Quốc Gia Du lịch đã chọn là "Năm thăm viếng Đông Dương". Trước năm 1975, Đà Lạt có hơn 20 khách sạn và một trung tâm cộng đồng, phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách từ tầng lớp sang trọng tới bình dân.
Những năm sau 1975, Đà Lạt lại tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Đà Lạt, xác định Đà Lạt là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và quốc tế. Trong Dự án VIE/89/003 của Tổ chức Du lịch thế giới về "Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam 1991-2005" đã xác định Đà Lạt là hạt nhân thuộc một trong bốn vùng du lịch của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI (1996-2000) xác định "Du lịch là nền kinh tế quan trọng của tỉnh, cần phải đầu tư phát triển để nhanh chóng đưa ngành trở thành ngành kinh tế động lực". Với quyết tâm ấy, ngành "công nghiệp không khói" dần khởi sắc. Văn hóa du lịch có chuyển biến tốt, phong cách người Đà Lạt “Hiền hòa - thanh lịch - mến khách” được phát huy trong giao tiếp và ứng xử, phát triển du lịch với phương châm "An toàn, văn minh, thân thiện" để lại ấn tượng tốt với du khách. Được đầu tư, mở ra nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới, hấp dẫn nên lượng khách đến Đà Lạt đã nhảy vọt ngoạn mục. Số lượng khách du lịch đến hàng năm tăng bình quân 12%. Năm 2000, đã đón 710.000 lượt khách (khách quốc tế 69.580 lượt), năm 2005 đón 1,560 triệu lượt khách (khách quốc tế 100.657 lượt). Năm 2019, tổng lượng khách ước 6,1 triệu lượt khách, đạt 102% so với kế hoạch và tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế chiếm trên 14%, số ngày lưu trú bình quân 2,4 ngày/người.
Hướng tới tương lai, Đà Lạt đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 704/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 sẽ trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: Thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha. Trong tương lai gần, thành phố sẽ đón khoảng 9-10 triệu khách du lịch/năm.
Chỉ là hai trong rất nhiều ký ức đẹp, quý báu không thể nào quên và theo tôi ký ức về truyền thống yêu nước, cách mạng cũng như ký ức mạch nguồn duyên nợ khởi nguồn đã mang thiên chức là một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng cho đời - mà nội hàm của chức năng này chính là văn hóa - sẽ mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và là sự kết nối, tương hỗ để thành phố Đà Lạt thêm vững tin trên đường phát triển nhanh, hội nhập bền vững.
Bút ký: ĐAN THANH