Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Nghề dệt thổ cẩm giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở buôn Go, thị trấn Cát Tiên. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Những năm qua, các huyện, thành phố đều đề cao trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hàng năm, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Trong đó, tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay vốn đầu tư phát triển kinh tế… Cùng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu lao động (XKLĐ); phối hợp các doanh nghiệp XKLĐ tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động tại các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng cũng căn cứ vào chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm để chủ động trong công tác tuyên truyền thông tin thị trường lao động rộng khắp, chú trọng đến việc chuyển thông tin qua hệ thống Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đến UBND phường, xã, mạng lưới cộng tác viên, để người lao động, đặc biệt là lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được thông tin việc làm.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh tư vấn cho hơn 14 ngàn lượt lao động về các chính sách lao động việc làm, khởi nghiệp và học nghề; giới thiệu việc làm cho khoảng 5 ngàn lượt lao động; đưa hơn 100 lao động xuất cảnh sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Ngoài ra, trung bình mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh còn phối hợp tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm tại địa phương, trung bình mỗi phiên có khoảng 500 vị trí việc làm cần người lao động và có từ 10-15 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn trực tiếp, thu hút hàng ngàn lao động đến tìm hiểu thông tin, trong số đó, lao động nông thôn chiếm 80%.
Sinh viên học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt |
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 đến nay, hàng năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 28 ngàn lượt lao động, trong đó giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt khoảng 58% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm. Trung bình mỗi năm có hơn 600 lao động được xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Trung Đông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng việc làm ở nông thôn còn mang tính chất thời vụ cao. Ngoài ra, lao động nông thôn phần lớn mang tính phổ thông, sản xuất phụ thuộc vào lao động và sức khỏe, có việc làm nhưng thu nhập không ổn định; một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề, một số lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong việc học nghề; chưa xác định được rõ ràng mục đích khi tham gia XKLĐ; tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế... nên tỷ lệ bỏ việc giữa chừng vẫn cao.
Thời gian tới, để thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tốt các chính sách về lao động - việc làm, tiền lương và thu nhập, nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn. Đồng thời, khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho lao động nông thôn, nhằm giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp, như công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn...
NHẬT MINH