Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đến hội viên với nhiều hình thức thiết thực, phong phú...
Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đến hội viên với nhiều hình thức thiết thực, phong phú...
|
Bằng các hình thức sân khấu hóa, hội thi, hội thảo... đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực và góp phần nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng về vấn đề bình đẳng giới |
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo hội viên, chị em phụ nữ tham gia, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực và góp phần nâng cao nhận thức cho người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng về vấn đề bình đẳng giới, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; từng bước hạn chế tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, những nội dung trên đã được chuyển tải bằng các hình thức sân khấu hóa, hội thi, hội thảo nữ trí thức với vấn đề bình đẳng giới, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, diễn đàn trao đổi; hình thành các mô hình sinh hoạt lồng ghép tổ, nhóm hoặc câu lạc bộ phụ nữ với vấn đề bình đẳng giới như: Câu lạc bộ “Nữ trí thức”, “Cán bộ nữ làm công tác bảo vệ pháp luật”, “Nữ doanh nhân”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực trong gia đình”, “Gia đình văn hóa”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Chi, tổ phụ nữ không có hội viên, chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”, “Chi, tổ phụ nữ vận động chồng, con cai nghiện, hạn chế tái nghiện”, mô hình “Dịch vụ gia đình”, “Kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên”. Xây dựng “Địa chỉ tin cậy”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới; mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ…
Thông qua các buổi sinh hoạt, giúp cho các thành viên kịp thời nắm bắt các kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con tốt, chính sách thai sản đối với phụ nữ nghèo, chính sách bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, các biện pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Các trường hợp sinh con một bề, các đối tượng có dấu hiệu bạo lực gia đình, những người có tư tưởng lạc hậu, gia trưởng... cũng kịp thời được quan tâm giúp đỡ, giải thích để họ hiểu rõ hơn về các quy định của Nhà nước liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, hay trực tiếp giúp đỡ chị em giải quyết những mâu thuẫn gia đình khi có vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Các cán bộ hội cũng thường xuyên phối hợp với trạm y tế tổ chức tập huấn cho chị em phụ nữ những kiến thức về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tích cực tham gia xây dựng luật pháp, chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình và trẻ em bằng việc tổ chức các cuộc giám sát, đối thoại trực tiếp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lấy ý kiến Nhân dân, hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp xây dựng Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình… Qua đó, Hội tập hợp ý kiến, đề xuất thay đổi, bổ sung các mục tiêu, chỉ tiêu đảm bảo lồng ghép yếu tố giới vào trong luật pháp, chính sách phù hợp.
Mặt khác, các cấp hội cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội nói chung; nữ quản lý, lãnh đạo nói riêng có đủ điều kiện, đảm bảo tiêu chuẩn, tự tin tham gia hoạt động chính trị như: Mở các lớp tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức về quản lý lãnh đạo; kỹ năng của đại biểu HĐND các cấp, nâng cao năng lực cho nữ ứng cử viên tiềm năng; góp phần tăng tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp của tỉnh; thông tin về công tác cán bộ nữ trong tình hình hiện nay... Đồng thời, tích cực phát hiện, giới thiệu, tham mưu quy hoạch, bổ nhiệm những phụ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Chủ động làm việc với cấp ủy các huyện, thành phố về công tác cán bộ nữ và xây dựng giải pháp thực hiện nhiệm vụ của Hội về công tác cán bộ nữ trong việc chuẩn bị nguồn cán bộ nữ giới thiệu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh chủ động, tích cực đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 938 “Vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhiều phụ nữ nghèo đã có cơ hội vươn lên, cải thiện thu nhập, kinh tế gia đình ổn định. Các lớp tập huấn, đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật dành cho hội viên phụ nữ được các cấp hội phối hợp tổ chức thường xuyên tại các xã, thị trấn; được đông đảo chị em tham gia. Rất nhiều học viên sau khi đào tạo đã có việc làm ổn định, thoát được nghèo. Một trong những đối tượng được sự quan tâm rất lớn của các cấp Hội phụ nữ thời gian qua chính là phụ nữ dân tộc thiểu số, thường xuyên duy trì và phát huy hiệu quả mô hình trao phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, vai trò, vị trí của phụ nữ, các chính sách liên quan đến cán bộ nữ qua hoạt động của các cấp hội, các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động của mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đồng thời, phối hợp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ hội các cấp. Phối hợp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ...
N.MINH