Giữa những ngày mùa mưa tháng 9, len lỏi đâu đó ở mỗi nẻo quê của mảnh đất Nam Tây Nguyên...
Giữa những ngày mùa mưa tháng 9, len lỏi đâu đó ở mỗi nẻo quê của mảnh đất Nam Tây Nguyên, rải bước trên những con đường bê tông kiên cố đến từng ngõ xóm, cổng nhà miền quê, ngắm nhìn những ruộng rau, những rẫy vườn sầu riêng, bơ, cà phê xanh ngút mắt mới cảm nhận được hết đổi thay của những miền quê nghèo khó trước đây. Sự thay đổi ấy như là minh chứng xác thực nhất về niềm tin của người dân Lâm Đồng với công cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới.
|
Đường giao thông nông thôn ngày càng thuận lợi |
1. Thôn 5, xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh) là một địa bàn rộng với 3 xóm: Kinh, Naoblo và Kon Cha. Cả thôn có 355 hộ phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo và Tin lành. Đời sống bà con cũng chủ yếu dựa vào việc nuôi trồng nhỏ lẻ và canh tác cà phê. Gần đây thôi, người lớn lên rẫy, trẻ con đến trường, chẳng một ai có thể quên những ngày mưa gió phải vật lộn với những con đường trơn trượt, ngập úng sình lầy.
Năm 2017, con đường đầu tiên tại buôn Naoblo có chiều dài 1,2 km, rộng 2 m với tổng trị giá 500 triệu đồng được khởi công. Trong tổng số kinh phí thực hiện ấy, tổ chức tôn giáo Caritas Đà Lạt - Công giáo ủng hộ 50 triệu đồng, phần còn lại mỗi hộ dân đóng 2,4 triệu đồng và tham gia đóng góp công sức với gần 650 ngày công. Năm 2018, cũng trên đoạn đường dài 1,2 km của thôn Naoblo tiếp tục được nối dài thêm 1 km, rộng 1,2 m với trị giá 100 triệu đồng, trong đó bà con tiếp tục đóng góp mỗi hộ thêm 3 triệu đồng và huy động được 170 dân công tại chỗ tham gia thi công.
Đầu năm 2019, đoạn đường tại thôn Kon Cha được triển khai làm mới với chiều dài 600 m, rộng 2m có tổng trị giá 240 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 140 triệu đồng, phần còn lại người dân đối ứng với sự đóng góp 2,8 triệu đồng/hộ và sự tham gia xây dựng của tất cả nhân lực trong thôn.
Sẽ rất bình thường nếu nhìn vào những con số đóng góp, bởi chủ trương xây dựng nông thôn mới phần lớn phải dựa vào nội lực của người dân. Nhưng câu chuyện về những con đường ở Thôn 5, Đinh Trang Hòa lại không nằm ở giá trị vật chất. Để có được con đường nhỏ đó, thuận lợi cho người dân đi lại là cả thời gian gõ cửa từng nhà, đến từng ngõ xóm vận động bà con, cũng như rất nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp của Ban Nhân dân thôn với người dân. Và ai cũng biết, thời điểm bắt đầu làm đường, không phải người dân nào ở Naoblo, Kon Cha cũng đủ dư giả để bỏ vài triệu đồng đóng góp.
Giống như cánh cửa tâm lý đã được mở, không chỉ làm đường, người dân Thôn 5 còn tự nguyện đóng góp mỗi hộ vài trăm ngàn đồng, hiến đất cùng công sức để cùng với xã xây dựng hội trường thôn, để có nơi chốn tụ họp mỗi khi buôn làng có việc.
2. Trước đây, mặc dù nằm trên địa bàn TP Đà Lạt nhưng Tà Nung là xã có mặt bằng kinh tế kém phát triển hơn rất nhiều so với các phường, xã khác. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi xã có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung đông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, canh tác theo kiểu truyền thống. Nhưng chỉ trong một thời ngắn tập trung xây dựng nông thôn mới, năm 2016 xã đã về đích, hiện tại chỉ còn 7 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63% (toàn xã có 1.163 hộ). Đời sống của người dân cũng ngày được nâng cao khi dần chuyển đổi một diện tích lớn cà phê già cỗi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, rau hoa theo hướng công nghệ cao.
Thành quả đáng tự hào ấy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, Đảng bộ và chính quyền cơ sở đã thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” thì công sức và sự thay đổi tư duy của người dân cũng là chìa khóa quan trọng dẫn đến thành công.
Trước khi về đích, từ năm 2015, toàn xã đã bê tông hóa 25 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 10,400 km có tổng trị giá trên 18 tỷ đồng. Ở đó, người dân đã đóng góp trên 3 tỷ đồng tiền mặt và hơn 2.000 m2 đất cùng hàng trăm ngày công lao động. Người dân trong xã cũng đã cùng với Nhà nước đóng góp tiền bạc, công sức để xây dựng 27 công trình lớn nhỏ với kinh phí 3 tỷ đồng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của Tà Nung.
Những con đường, công trình ở Tà Nung như là biểu hiện sinh động nhất cho khái niệm đồng lòng - chung sức trong việc chung tay cùng xây dựng quê hương giàu đẹp.
3. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Ở Lâm Đồng, không khó để tìm gặp những tấm gương ấy. Họ, những con người bình dị, chân chất, tảo tần, quen với đồng áng nhưng sẵn sàng bỏ công sức mồ hôi, kể cả tiền của, gánh lên vai trách nhiệm để nghĩ về cái chung, về những điều tốt đẹp cho thôn xóm thêm phần tươi đẹp.
Giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhưng ông Lê Văn Lượng (Thôn 5, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) đã sẵn sàng hiến hơn 3.000 m2 đất có giá trị hơn 300 triệu đồng để cùng với xã làm đường. Chia sẻ về điều này, ông chỉ đơn giản nói: “Mình là Trưởng thôn, là người đi đầu, phải gương mẫu để bà con làm theo”. Suy nghĩ đơn giản của ông là động lực giúp người dân Thôn 5 tự nguyện hiến trên 42.000 m
2 đất làm đường bê tông liên xóm dài trên 5,1 km vượt chuẩn theo quy định của bộ tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn.
Trên khắp miền quê Lâm Đồng, không chỉ những miếng đất có trị giá vài trăm triệu đồng, kể cả tiền tỷ họ cũng sẵn sàng cho đi để nhận lại không chỉ cho riêng mình, bởi những điều tốt đẹp hơn cho nơi mình sinh sống. Ông Huỳnh Ngọc Châu (thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) là một ví dụ. Giữa lúc dân có tiền từ khắp nơi đổ về Đà Lạt để kiếm tìm một miếng đất nghỉ dưỡng và đất ở những vùng ven như Xuân Trường đang trong “cơn sốt” thì ông Châu lại chẳng nề hà hiến tặng trên 3.000 m
2 đất cho xã để mở rộng thêm con đường cho bà con đỡ vất vả hơn trong mỗi vụ mùa.
Đâu chỉ mỗi người dân, ở Lâm Đồng việc chung tay xây dựng nông thôn mới còn được cả những cán bộ, đảng viên, những người đang gánh trên vai trách nhiệm được Nhân dân giao phó tham gia bằng sự tận tâm.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng: “Việc xây dựng đường giao thông nông thôn của tỉnh trong những năm qua gặp rất nhiều thuận lợi, bởi sự đóng góp nhiệt tình của người dân từ tiền của đến công sức. Thuận lợi đó nhờ đóng góp không nhỏ của Đảng bộ và chính quyền địa phương trong việc thực hiện tốt công tác dân vận khéo vào xây dựng nông thôn mới”.
Tất cả các yếu tố tổng hòa đó, đã giúp cho Lâm Đồng xây dựng mới và sửa chữa được 1.900 km đường, đầu tư mới và tu sửa hơn 88 cây cầu lớn nhỏ với tổng kinh phí gần 5.590 tỷ đồng. Trong đó, dù người dân ở vùng phát triển hay điều kiện còn khó khăn cũng đã nhiệt tình đóng góp bằng công sức, hiện vật, tiền mặt với hơn 413 tỷ đồng.
Kết quả ấy, đã giúp cho Lâm Đồng có 110/111 số xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới; 5/111 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao; góp phần xây dựng 95/111 xã được công nhận là xã nông thôn mới và 3/111 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.
Câu chuyện niềm tin của người dân Lâm Đồng không chỉ là bài học sâu sắc về sức mạnh cội rễ, về sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ và biết lắng nghe tiếng nói của người dân mà còn là động lực để Lâm Đồng có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong lộ trình phát triển. Và hơn tất cả đó còn là sự tự hào chung khi mảnh đất này luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
ĐĂNG LỘ