Điểm sáng trên các làng buôn

05:10, 01/10/2020

Đồng bào ở các buôn dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Lâm Đồng lâu nay sống gắn bó với nghề nông và cây trồng truyền thống với thu nhập bấp bênh, đời sống còn nhiều khó khăn...

Đồng bào ở các buôn dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Lâm Đồng lâu nay sống gắn bó với nghề nông và cây trồng truyền thống với thu nhập bấp bênh, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời gian qua, Khối Dân vận đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, trở thành điểm sáng trong các làng buôn. 
 
Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Đạ Nhar (huyện Đạ Tẻh) nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững
Mô hình trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Đạ Nhar (huyện Đạ Tẻh) nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững
 
Trồng dâu nuôi tằm ở buôn Đạ Nhar
 
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) với phương thức sản xuất cũ, việc tiếp cận với các nguồn vốn và khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, cây điều gắn với người dân nơi đây từ lâu, nay giá cả bấp bênh, bị bệnh dẫn đến nhiều vụ mất trắng. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập. 
 
Nhận thấy, cây dâu, con tằm đang giúp nhiều nhà nông tại các địa phương có thu nhập ổn định, Hội Nông dân xã Quốc Oai đã vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi diện tích điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, Hội Nông dân xã cũng phối hợp với UBND xã, Trung tâm Nông nghiệp, Trung tâm Dạy nghề của huyện mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề về trồng dâu nuôi tằm; tổ chức cho bà con trong buôn đi học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.. Sau đó, Hội Nông dân xã Quốc Oai đã chọn mô hình điểm để đầu tư phát triển nghề nuôi tằm tại buôn Đạ Nhar.
 
Mô hình điểm được bắt đầu từ gia đình ông K’Tuấn với tổng kinh phí là 30 triệu đồng; trong đó, UBND xã hỗ trợ 5 triệu đồng, Hội Nông dân huyện hỗ trợ 1 bộ né, 1 bàn dập kén, phần còn lại gia đình đóng góp. Giữa năm 2018, hộ ông K’Tuấn bắt đầu xuống giống trồng dâu trên diện tích 1 sào và sau khi dâu đã có lá, gia đình ông bắt đầu nuôi một hộp tằm con đầu tiên cho thu hoạch 50 kg kén. Với giá bán 100.000 đồng/kg, lứa tằm này đã cho gia đình ông K’Tuấn thu nhập 5.000.000 đồng. Hiện nay, mỗi tháng mô hình nuôi tằm đã cho gia đình ông thu nhập gần 10 triệu đồng, quan trọng hơn gia đình ông K’Tuấn có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và đời sống không ngừng được nâng lên. 
 
Từ những hiệu quả của mô hình hộ gia đình ông K’Tuấn, đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã được nhân rộng tại 20 hộ trong buôn Đạ Nhar, với diện tích trồng dâu hơn 11 ha. Mô hình trồng dâu nuôi tằm tại buôn Đạ Nhar được chọn là mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế tại địa phương.
 
Nhà nông trẻ Triệu Đức Dương bên cây mắc ca trĩu quả trồng xen trong vườn cà phê của gia đình
Nhà nông trẻ Triệu Đức Dương bên cây mắc ca trĩu quả trồng xen trong vườn cà phê của gia đình
 
Xen canh mắc ca trong vườn cà phê
 
Thời gian qua, hộ nông dân Triệu Đức Dương (người dân tộc Dao tại thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông) đã mạnh dạn trồng xen cây mắc ca trên vườn cà phê. Từ mô hình xen canh mắc ca trên vườn cà phê đã đem lại cho gia đình nhà nông trẻ Triệu Đức Dương có thêm nguồn thu nhập đảm bảo đời sống.
 
Lúc đầu gia đình anh đã trồng xen mắc ca trên một nửa diện tích cà phê, sau đó, anh tiếp tục mở rộng và trồng xen mắc ca trên 100% diện tích cà phê. Đến nay, với diện tích 6 ha cà phê, anh đã trồng xen được 1.500 cây mắc ca. Hiện tại, có 700 cây mắc ca đã bước vào thời kỳ cho thu hoạch khoảng 15 - 20 kg/cây và 800 cây đang bước vào thời kỳ thu bói từ 5 - 7 kg/cây. Ước tính khi 6 ha mắc ca trồng xen trên vườn cà phê cho thu hoạch thì mỗi năm gia đình anh Triệu Đức Dương sẽ thu được từ 2,5 - 3 tấn mắc ca. Với giá bán trên thị trường hiện nay vào khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg thì gia đình anh có thu nhập khoảng 230 - 300 triệu đồng/năm. 
 
Bên cạnh việc trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê, gia đình anh Triệu Đức Dương cũng đầu tư vườn ươm tuyển chọn, lai tạo nhân giống mắc ca để cung cấp bán ra thị trường. Hàng năm, gia đình anh xuất bán khoảng 30.000 - 40.000 cây giống mắc ca cho các hộ dân trong xã và các địa phương khác. Hiện tại, giá mỗi cây mắc ca giống dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/cây, nguồn thu từ bán cây mắc ca giống đã đem lại thu nhập cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
 
Anh Triệu Đức Dương cho biết, cây mắc ca thu hoạch sớm hơn cà phê 1-2 tháng nên gia đình chủ động được lao động và bán mắc ca trước để có chi phí đầu tư cho cà phê, không phải bán non cà phê với giá rẻ như trước đây. Ngoài ra, trồng xen mắc ca còn giảm bớt rủi ro khi phát triển độc canh cây cà phê do phụ thuộc quá lớn vào một loại sản phẩm.
 
Thấy được lợi ích của việc trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê, ông Triệu Đức Dương đã hướng dẫn cho các hộ dân ở xã Đạ K’Nàng, xã Phi Liêng về kỹ thuật trồng, phát triển cây mắc ca, qua đó, giúp các hộ tăng thu nhập, vươn lên giảm nghèo bền vững tại địa phương.
 
Đoàn viên Điểu K’Thành, người tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho người dân địa phương
Đoàn viên Điểu K’Thành, người tiếp cận và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho người dân địa phương
 
Chuyển giao kỹ thuật cho người dân
 
Là một đoàn viên thanh niên tại địa phương, anh Điểu K’Thành (thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) không ngừng nỗ lực học hỏi để tiếp cận chuyển giao kỹ thuật trồng trọt cho người dân địa phương.
 
Đồng Nai Thượng là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên với gần 100% người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp. Trong sản xuất, trồng trọt, bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng, nâng cao năng suất hiệu quả. Chính vì vậy, anh Điểu K’Thành đã luôn băn khoăn, trăn trở, nỗ lực tiếp cận kỹ thuật trồng trọt để chuyển giao cho người dân. Từ đó, anh thường xuyên đăng ký tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cũng như các hội thảo về chủ đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, anh cũng luôn tìm tòi, học hỏi qua sách báo, ti vi và tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh.
 
Sau khi tiếp cận, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt anh trở về truyền đạt lại cho bà con trong buôn làng. Anh Điểu K’Thành đã vận động người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Không chỉ tuyên truyền bằng miệng, anh Điểu K’Thành còn cầm tay chỉ việc, tận tình hướng dẫn bà con nhân dân địa phương các kỹ thuật trồng, chăm sóc, ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi. Bên cạnh đó, anh cũng hướng dẫn bà con phá thế độc canh, áp dụng nhiều giống cây trồng khác trên vườn rẫy. Chính gia đình anh cũng là hộ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập đời sống. Hiện nay, ngoài trồng cà phê, gia đình anh K’Thành còn trồng thêm các giống cây trồng khác như bơ, sầu riêng, mít Thái... Nhờ trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên các giống cây trồng phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả cao. Khi áp dụng thành công trên vườn rẫy gia đình, anh Điểu K’Thành cũng tiếp tục sản xuất cây giống các cây trồng như cà phê ghép, bơ, sầu riêng, mít Thái để cung cấp cho bà con nhân dân địa phương.
 
Đồng chí Điểu K’Viên - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng cho biết, nhờ được anh K’Thành tiếp cận chuyển giao kỹ thuật trồng trọt mà nhiều gia đình tại địa phương đã áp dụng thành công, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và có của ăn của để. Từ đó, họ có điều kiện đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn địa phương không ngừng khởi sắc, phát triển.
 
DUY NGUYỄN