Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh bạch hầu năm 2020, với mục tiêu giám sát phát hiện sớm những trường hợp mắc đầu tiên và triển khai kịp thời các biện pháp khống chế, bao vây ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng...
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh bạch hầu năm 2020, với mục tiêu giám sát phát hiện sớm những trường hợp mắc đầu tiên và triển khai kịp thời các biện pháp khống chế, bao vây ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng. Theo đó, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu.
|
Tiêm chủng vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu cho học sinh lớp 2 tại TP Đà Lạt |
Mục tiêu cụ thể: 100% trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp mắc bệnh bạch hầu được cách ly, điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh. 100% các trường hợp sống trong vùng nguy cơ cao tại huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Lạc Dương, TP Đà Lạt được tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu. 100% các ổ dịch bạch hầu mới phát sinh được khoanh vùng kịp thời, xử lý triệt để theo quy định, không để lan rộng và kéo dài. Trên 95% số trẻ < 1 tuổi ở quy mô xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh nói chung được tiêm phòng ít nhất 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu và 1 mũi vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) lúc trẻ được 18 - 24 tháng.
Các hoạt động can thiệp như: Truyền thông, giáo dục sức khỏe, tổ chức truyền thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, trong các buổi họp dân, xe loa tại địa phương về phòng, chống bệnh bạch hầu, triệu chứng phát hiện sớm, các biện pháp vệ sinh khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tại gia đình, nhà trường, cộng đồng… và tuyên truyền cho người dân phối hợp với ngành Y tế đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin có thành phần bạch hầu một cách đầy đủ, đúng lịch. Cấp phát tờ rơi, pa nô, áp phích truyền thông đến tận hộ gia đình, dân cư.
Giám sát chặt chẽ, cách ly các trường hợp mắc và nghi ngờ tại các ổ dịch. Điều tra dịch tễ, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu từ ổ dịch. Lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ và trường hợp tiếp xúc gần. Phun khử khuẩn môi trường: 2 lần/ngày tại ổ dịch và ngay khi xác định địa chỉ các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu từ ổ dịch tại hộ gia đình hoặc khu vực khu trú.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện để chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh tại cộng đồng cũng như tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Điều trị trường hợp mắc và trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố hoặc chuyển tuyến trên theo quy định. Điều trị dự phòng bằng kháng sinh phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng nghi ngờ và tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Tiếp tục đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế các tuyến về phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu, quy trình giám sát, xử lý dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin có thành phần bạch hầu đạt trên 95% cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Thường xuyên rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ, đặc biệt là người dân tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh. Tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho tất cả học sinh lớp 2 và trẻ 7 tuổi tại cộng đồng.
Triển khai tiêm vắc xin Td cho tất cả đối tượng từ 48 tháng tuổi trở lên đủ 2 mũi Td tại các vùng nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, dự kiến 34.200 liều Td, cụ thể: Đam Rông (thôn Đa Tế - xã Đạ M’rông 2.000 liều, xã Đạ Rsal 4.000 liều); Bảo Lâm (Thôn 3 - xã Lộc Bảo 4.200 liều); Lạc Dương (Thôn 3, Thôn 5, Thôn 6 của xã Đạ Sar 8.000 liều); TP Đà Lạt (Thôn 2 - xã Tà Nung và khu vực Dốc Trời - Phường 5: 1.000 liều). Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật dự trữ 15.000 liều vắc xin Td để dự phòng khi có các ca bệnh, ổ dịch mới phát sinh tại địa phương. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh triển khai hoạt động nuôi cấy, phân lập, định danh vi khuẩn bạch hầu; cung ứng môi trường và hướng dẫn các đơn vị kỹ thuật lấy và vận chuyển mẫu.
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Để triển khai hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh bạch hầu, CDC tỉnh chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị y tế điều tra xác minh thông tin dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn các huyện, thành phố; chuyển mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP HCM. Bố trí cán bộ thường trực 24/24 nhằm hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu khi có dịch bệnh xảy ra. Xây dựng, in ấn, cấp phát tài liệu truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu (tờ rơi, áp phích…). Tổ chức tập huấn cho các tuyến: quy trình giám sát, điều tra dịch tễ, phác đồ chẩn đoán, điều trị… đáp ứng nhanh và hiệu quả trong phòng, chống bệnh bạch hầu. Cung ứng vắc xin, vật tư, thuốc điều trị dự phòng, hóa chất phục vụ phòng, chống bệnh bạch hầu cho các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Theo dõi, giám sát, đánh giá công tác đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu và công tác tiêm chủng tại địa phương. Thực hiện tốt thống kê báo cáo tình hình dịch bệnh bạch hầu theo quy định.
Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng chuẩn bị sẵn sàng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (S.A.D), kháng sinh, trang thiết bị… để điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu của Bộ Y tế. Tổ chức, bố trí khu vực cách ly để điều trị các ca bệnh, ca nghi ngờ; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế đối với người bệnh và nhân viên y tế…
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện, thành phố. Tổ chức truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu. Phối hợp và thực hiện theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về quy trình tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu; giám sát các đối tượng nghi ngờ và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu tại nhà; thực hiện vệ sinh, phun khử khuẩn môi trường, công sở, nhà trường, gia đình, nơi công cộng, Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để giảm tử vong do bệnh; thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo. Lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Tổ chức tiêm chủng vắc xin có thành phần bạch hầu đạt trên 95% cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các xã, phường, thị trấn theo quy định...
AN NHIÊN