Xuyên qua tâm bão, gạo Lâm Đồng đến vùng lũ Hà Tĩnh

07:10, 29/10/2020

(LĐ online) - Tại thời điểm này, 17 giờ 45 ngày 29/10, khi tôi gõ những chữ này thì trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mưa đang rất to, nguy cơ lụt ngập trở lại do hoàn lưu bão số 9...

(LĐ online) - Tại thời điểm này, 17 giờ 45 ngày 29/10, khi tôi gõ những chữ này thì trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mưa đang rất to, nguy cơ lụt ngập trở lại do hoàn lưu bão số 9. Nhưng 15 tấn gạo thơm do Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt huy động từ cán bộ nhân viên đơn vị và các doanh nghiệp đã được vận chuyển vượt qua tâm bão số 9 để trao tận người dân tỉnh Hà Tĩnh an toàn.  
 
Giáo viên và học sinh Trường THCS Đại Thành chuyển gạo vào các phòng chuyên môn xếp cùng tài liệu hồ sơ giáo án…
Giáo viên và học sinh Trường THCS Đại Thành chuyển gạo vào các phòng chuyên môn xếp cùng tài liệu hồ sơ giáo án…
 
Thiệt hại rất lớn
 
Với sự giúp đỡ tận tâm bằng chuyến xe 0 đồng của Nhà xe Dũng Tâm ở Đà Lạt, chúng tôi vượt gần 1.100 km suốt 27 giờ đồng hồ để đến tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn gồm 6 người, hai xe với 4 tài xế thay nhau là anh Trần Kim Bình, Huỳnh Phạm Duy Anh và 2 người của Hạt Kiểm lâm đề nghị không muốn nêu tên. Suốt hành trình gian nan, tất cả động viên nhau, với một quyết tâm vượt qua bão tố trong mưa gió quần thảo các tỉnh duyên hải miền Trung. Và chúng tôi đã đến nơi cần đến, “rốn lũ” của Hà Tĩnh. Đó là các xã Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, các địa bàn thuộc hạ lưu hồ Kẻ Gỗ, “túi nước khổng lồ” lớn nhất nước trong cơn bão số 8 năm nay. Và đó là xã Điền Mỹ (xã Phương Mỹ và Phương Điền cũ), thuộc hạ lưu của Thủy điện Hố Hô, tỉnh Quảng Bình. 
 
Người dân xã Điền Mỹ vận chuyển gạo trong cơn mưa lớn
Người dân xã Điền Mỹ vận chuyển gạo trong cơn mưa lớn
 
Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch cho biết: “Từ ngày 15-20/10/2020, Hà Tĩnh đón những đợt mưa lớn dồn dập, lượng mưa nhiều nơi lên đến 1.200 mm. Các công trình hồ đập trên địa bàn đều đồng loạt xả lũ; trong đó, có đại công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, lưu lượng xả lũ hơn 1.000 m3/s. Chỉ sau một đêm, nhiều huyện trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung và đơn vị Cẩm Thạch nói riêng đều bị ngập hoàn toàn trong lũ”. Cũng theo ông Sơn, xã có 1302/1358 hộ ngập trong lũ, gia súc, gia cầm trôi theo biển nước; thóc gạo dự trữ bị nhấn chìm trong nước; nhiều gia đình bị cô lập. Lũ đã gây tổn thất lớn về kinh tế và cả con người. Cả 3 xã huyện Cẩm Xuyên nói trên có hàng trăm ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; khoảng trên 70 ha hồ nuôi cá ngập chìm; hàng trăm ngàn tấn lúa bị ngập chìm và cuốn trôi; hàng chục nhà bị hư hại và hàng trăm tấn vật tư, phân bón bị chìm trong nước… Ở xã Cẩm Vịnh, UBND xã cho biết, riêng các hộ kinh doanh có 77 hộ bị thiệt hại trên 2.430 triệu đồng do lũ lụt… Báo cáo của xã Cẩm Thành, tổng thiệt hại ở địa phương này 74.877 triệu đồng. 
 
Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc xã Điền Mỹ, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết: xã có 1.338 hộ dân, có tới 3/4 số hộ bị ngập và cô lập trong lũ lụt, một phần do lượng mưa lớn và nước dâng từ sông Ngàn Sâu. Vì là hạ lưu của Thủy điện Hố Hô, Điền Mỹ là xã thường xuyên chịu ngập lụt, “9 khúc hồi lai của dòng sông nên lụt như cơm bữa”, ông Khánh nói. Gia súc, gia cầm và cây trồng cũng chịu thiệt hại rất lớn ngay trong lũ và sau lũ. Hiện là xã nghèo nhất của huyện Hương Khê, còn trên 7% hộ nghèo và trên 4% hộ cận nghèo. Xã đang phấn đấu năm 2020 này mới đạt 15 tiêu chí nông thôn mới, đến năm 2023 may ra đạt được xã nông thôn mới…
 
Giáo viên và học sinh Trường THCS Đại Thành chuyển gạo vào các phòng chuyên môn xếp cùng tài liệu hồ sơ giáo án…
Giáo viên và học sinh Trường THCS Đại Thành chuyển gạo vào các phòng chuyên môn xếp cùng tài liệu hồ sơ giáo án…
 
Có gạo, nhiều học sinh thôi bỏ học   
 
Nhờ sự giúp đỡ giới thiệu của những người địa phương ở Hà Tĩnh và chúng tôi khảo sát, 15 tấn gạo chở từ Đà Lạt được đưa đến tận nơi cho học sinh Trường THCS Đại Thành (trường của 3 xã Cẩm Thành, Cẩm Vịnh và Cẩm Thạch) cùng các hộ dân của xã Điền Mỹ. Gạo được mọi người khẩn trương vận chuyển trong mưa. Mưa chéo trời, quất vào mặt người, dập vùi mọi cây cối. Nhưng nhờ hợp đồng chặt chẽ, sức dân là sức mạnh tiềm tàng, gạo được đưa vào nhà an toàn.
 
Ở 3 xã của huyện Cẩm Xuyên, giáo viên và học sinh khuân lên tầng 2 sắp xếp vào các phòng tổ bộ môn. Ở xã Điền Mỹ, gạo xếp vào nhà dân cạnh hội trường Thôn 4. (Trường THCS Đại Thành là ngôi trường thành lập trên 70 năm, cái nôi ươm mầm để có rất nhiều người trở thành nhân tài cho đất nước; trong đó, có cố giáo sư, tiến sĩ Vật lý Võ Hồng Anh, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp…). Thầy giáo, hiệu trưởng Hà Văn Sáng xúc động nói: “Có được số gạo này, Nhà trường hi vọng trong số 414 học sinh thuộc hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất do thiên tai vừa rồi sẽ không có em nào phải bỏ học”. Còn ông Chương, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cũng thay mặt địa phương bày tỏ cảm ơn đến đoàn thiện nguyện cứu trợ từ thành phố Đà Lạt đến với người dân trong xã. 
 
Người dân xã Điền Mỹ vận chuyển gạo trong cơn mưa lớn
Người dân xã Điền Mỹ vận chuyển gạo trong cơn mưa lớn
 
Vâng, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là tâm niệm để Hạt trưởng Kiểm lâm Đà Lạt, ông Võ Thanh Sơn và Hạt phó Lê Thái Sơn quyết tâm triển khai kêu gọi gạo để ứng cứu bà con. Tôi còn được biết, dịp ảnh hưởng dịch Covid-19, Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt cũng kêu gọi được 20 tấn gạo ngon để tổ chức Mặt trận Tổ quốc kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Có một câu chuyện này cũng làm chúng tôi vô cùng cảm kích. Khi xe đến địa phận Vạn Giả, tỉnh Khánh Hòa, anh Hoàng Đạt đại diện Nhóm Thiện nguyện Vạn Ninh chạy ra Quốc lộ vẫy xe. Chúng tôi dừng lại và được biết, Nhóm này đã quên góp được rất nhiều lương thực, thực phẩm và các vật dụng chuyển ra miền Trung. Nhưng còn 30 kg chả cá tươi ngon đã được đóng gói cấp đông thì xe của Nhóm đã đi. Anh Đạt mồ hôi nhễ nhại nói vội: “Con nhờ các chú mang ra giúp con giúp đỡ đồng bào miền Trung. Xe của tụi con đi đến nơi rồi. Con cảm ơn rất nhiều…”. Vậy là cùng với gạo thơm, một số quần áo, chúng tôi có thêm chả cá mang đến bà con chịu lũ lụt ở Hà Tĩnh. Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, thật nhiều tấm lòng người Việt càng thơm thảo, càng trân quý !
 
Lúc này, tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9. Lượng mưa đo được tại các trạm thủy văn (từ 7 giờ ngày 28 đến 7 giờ ngày 29/10) ở huyện Hương Khê cao nhất, 126,7 mm. Các xã ven biển gió cấp 7 giật cấp 8. Lúc 7 giờ sáng 29/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ đã đạt mức 29,28 m; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đang điều tiết xả lũ qua tràn với lưu lượng 30 m3/s. Thủy điện Hố Hô đã phải xả qua tràn ở mức 773 m3/s và qua tổ máy phát điện 33 m3/s. Hồ Ngàn Trươi ở huyện Vũ Quang lúc 8 giờ 29/10 đã xả lũ từ 40 m3/s - 350 m3/s. Công ty cổ phần Thủy điện Hương Sơn đã phát thông báo bắt đầu xả tràn từ 13 giờ ngày 29/10 với lưu lượng từ 10 - 60 m3/s, qua tổ máy phát điện 8,7 m3/s. Mưa lớn kèm gió giật mạnh, sáng 29/10, trên 28.000 học sinh 77 trường học ở Hà Tĩnh phải nghỉ học. Nhiều địa bàn của tỉnh nguy cơ lũ chồng lũ. Người dân Hà Tĩnh và nhiều tỉnh, thành duyên hải miền Trung tiếp tục gồng mình vượt qua thiên tai. Chung tay là mở lòng nhân ái của cộng đồng…
 
Ghi nhanh: MINH ĐẠO